Theo Ban IV, với việc công bố Kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế đến Việt Nam theo hướng “thích ứng, linh hoạt, hiệu quả” đã góp phần phục hồi tích cực thị trường du lịch Việt Nam. Quyết định mở cửa này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một quyết định mạnh mẽ, kịp thời và đáp ứng đòi hỏi của ngành du lịch. Từng doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, trên phạm vi toàn quốc, đã có rất nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để triển khai và tận dụng chủ trương, đồng thời cũng chú trọng việc phối hợp chặt chẽ công - tư trong quá trình này.

Kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi mở cửa du lịch quốc tế
 

Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch về tình hình mở cửa đón khách du lịch trong thời gian qua, Ban IV cho biết trong tháng 3/2022, Việt Nam đón được 15.000 lượt khách du lịch quốc tế. Tính chung 3 tháng đầu năm đón được 22.358 lượt. Trong đó, riêng khách quốc tế, tháng 3 đạt 41.700 lượt, quý I đạt gần 91.000 người, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 82.300 lượt người, chiếm gần 90,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Tuy nhiên trên thực tế, sau gần 2 tháng kể từ khi có chủ trương mở cửa và sau những nỗ lực bước đầu, các doanh nghiệp nhận thấy còn không ít khó khăn cả khách quan và chủ quan, bao gồm một số rào cản kĩ thuật trong các quy trình, quy định, khâu tổ chức thực thi cụ thể.

Trước hết về khách quan có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phục hồi của ngành du lịch. Đó là cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraine gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch do bị mất thị trường du khách Nga và Ukraina; khó khăn cho việc đi lại của du khách nhiều nước tới Việt Nam và đẩy giá thành các chuyến du lịch tăng cao; thu nhập khả dụng của du khách bị giảm và làm giảm sự tự tin của khách về an ninh, an toàn khi đi du lịch. Trong khi đó, các thị trường lớn truyền thống của Việt Nam chưa sẵn sàng: Trung Quốc chưa mở cửa cho du lịch vì chiến lược Zero-Covid; Hàn Quốc chỉ thật sự mở cửa cho du lịch ra nước ngoài không phải cách ly khi quay về từ 01/04/2022; Nhật Bản và Đài Loan hiện nay vẫn đang áp dụng chính sách cách ly khi khách du lịch quay về, vì vậy chưa thể có triển vọng để thu hút khách từ các thị trường này.

Về chủ quan, Ban IV cho biết qua ý kiến chuyên gia và phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch, hàng không, phát sinh một số vấn đề khó khăn. Trước hết, thời điểm mở cửa rơi vào cuối mùa cao điểm của du lịch inbound (thường từ tháng 10 đến tháng hết 3 hàng năm) và thiếu sự chuẩn bị cần thiết trước đó một vài tháng để thu hút và xây dựng niềm tin cho các thị trường khách mục tiêu nên hiệu ứng thu hút khách quốc tế chưa thể bộc lộ rõ ngay sau khi công bố quyết định mở cửa.

Bên cạnh đó, có sự hạn chế ở khâu truyền thông, xúc tiến, quảng bá chính sách mở cửa du lịch tới các thị trường khách mục tiêu. Mặc dù Chính phủ có tuyên bố mở cửa du lịch quốc tế chính thức từ ngày 15/3/2022, đi kèm từng bước nới lỏng về quy định y tế đối với du khách nhập cảnh vào Việt Nam sau đó, tuy nhiên các hoạt động truyền thông và xúc tiến cho du lịch Việt Nam ở nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức. Việc truyền thông và cung cấp thông tin cho các đối tác quốc tế đang chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện một cách riêng lẻ, phụ thuộc vào năng lực và mối liên hệ của từng doanh nghiệp. Các trang web và các trang mạng xã hội được du khách và các đối tác quốc tế theo dõi, tương tác nhiều, như vietnam.travel hay trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới, đang thiếu cập nhật thường xuyên, trình bày không trực quan, còn khó hiểu.

Ngoài ra, các quy định về y tế của Việt Nam đối với du khách quốc tế sau thời điểm tuyên bố mở cửa du lịch đã có những thay đổi, thích ứng với bối cảnh mới nhưng chưa thật sự theo kịp tình hình, chưa thuận lợi cho du khách và cũng không chứng minh được rõ ràng giá trị đối với mục tiêu “đảm bảo an toàn phòng chống dịch” vì du khách trong nước không cần áp dụng tất cả các quy định này khi đi lại, di chuyển, bao gồm xét nghiệm covid trước khi lên máy bay, bảo hiểm du lịch … do đó sẽ khiến khách quốc tế ưu tiên lựa chọn điểm đến là các nước khác trong khu vực có quy định thuận lợi hơn.

Đồng thời, chính sách thị thực nói chung chưa thực sự được vận hành như trước khi xảy ra đại dịch. Những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch sau dịch, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực. Theo Báo cáo “Tình hình mở cửa du lịch quốc tế và các đề xuất” của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), xu hướng sau Covid-19 khách du lịch thường lưu trú ở một điểm đến dài ngày hơn so với trước đây; Những khách từ thị trường xa (Châu Âu, Bắc Mỹ, Nga, Úc…) thường đi du lịch Việt Nam từ 18-21 ngày; Nhiều khách có nhu cầu kết nối điểm đến Việt Nam với các điểm đến lân cận như Lào và Campuchia rồi lại quay lại Việt Nam ở cuối tour để nghỉ biển sẽ phải xin cấp thị thực mới vào Việt Nam. Đây là những tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của ngành du lịch, tuy nhiên vấn đề thuận lợi hóa visa cho khách du lịch vẫn chưa thực sự được tháo gỡ đã giảm sức cạnh tranh của thị trường du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, các vấn đề như thị thực nhận tại cửa khẩu vẫn phải cần giấy “chấp thuận visa”, cần nhiều loại giấy tờ thủ tục phức tạp hơn so với trước Covid-19; hay thị thực điện tử (e-visa) cũng chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả tự động trên trang web và chưa giải thích lý do vì sao hồ sơ bị từ chối, khiến du khách nhập cảnh vào Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn không đáng có.

Để đạt và kỳ vọng vượt mục tiêu năm 2022 là đón được trên 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam, góp phần giúp du lịch, hàng không và nền kinh tế Việt Nam nói chung có sự bứt phá đáng kể sau bối cảnh đại dịch, Ban IV cùng cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân nhắc chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương một số giải pháp tháo gỡ khó khăn tạo thuận lợi.

Theo đó, Ban IV đề xuất Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch), các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra quốc tế. Các thông tin chính sách, quy định liên quan, cần được cập nhật thường xuyên, trực quan, dễ hiểu trên đầy đủ các kênh, bằng các ngôn ngữ phổ biến, để đạt được tính kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần chủ động, đổi mới hình thức, đa dạng hóa các thị trường nguồn để tiếp thị, quảng bá du lịch; chú trọng hợp tác công - tư trong các chiến dịch truyền thông quốc tế đặc biệt tìm cơ chế phát huy mạnh mẽ vai trò của các Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số nước (như Anh, Úc - đã được TAB và các doanh nghiệp du lịch chủ động phát triển bước đầu); tăng cường hoạt động e-marketing và cần gắn kết các sự kiện có ý nghĩa như SEAGAMES 31 trong các chiến dịch truyền thông để lan tỏa hình ảnh, văn hóa, giá trị nổi bật của Việt Nam tới du khách các nước.

Ban IV cũng đề xuất Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan sớm giảm thiểu các rào cản, yêu cầu đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, như: bỏ yêu cầu khách du lịch quốc tế xét nghiệm trước khi xuất cảnh, chỉ cần test nhanh tại cửa khẩu nếu khách có các triệu chứng như sốt, ho; liên quan đến bảo hiểm cho khách du lịch, bỏ yêu cầu “bao gồm nội dung dành cho điều trị Covid”.

Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện chính sách thị thực/thị thực điện tử theo hướng: mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan,... nhằm đa dạng hóa thị trường, không để bị lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, nhất là các thị trường chi phối trong khu vực nhưng du khách chưa sẵn sàng đi du lịch trở lại như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và các nước Bắc Âu) từ 15 ngày lên 30 ngày; áp dụng thị thực xuất-nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn nhằm thu hút và giữ chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn, qua đó tăng doanh thu cho ngành du lịch; giảm bớt giấy tờ và thủ tục với các doanh nghiệp lữ hành hoặc trực tiếp với du khách, đơn giản hóa thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu để phát huy hiệu quả hơn nữa các hình thức thị thực này.

Cũng theo đề xuất của Ban IV và các doanh nghiệp du lịch, các địa phương phân công rõ 1 đầu mối cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các quy định/quy trình ứng xử liên quan cho doanh nghiệp với tinh thần công - tư phối hợp chặt chẽ để gia tăng hiệu quả thực thi chủ trương của Chính phủ; công khai thường xuyên và đảm bảo tính cập nhật trên các trang thông tin điện tử của tỉnh để doanh nghiệp lập và thực hiện các kế hoạch với du khách thực sự thuận lợi, hiệu quả, tránh tình trạng hiện nay còn tồn tại việc viện dẫn, hướng dẫn, thực thi các quy định chưa đồng bộ hoặc không rõ ràng ở các sở, ngành, đầu mối khác nhau, nên doanh nghiệp gặp không ít khó khăn ở khâu triển khai với đối tác, du khách quốc tế.

Để có căn cứ thực hiện các giải pháp nêu trên, ngoài nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương, về phía khu vực tư nhân, Ban IV, TAB cùng các doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực du lịch, lữ hành, hàng không và dịch vụ du lịch xin cam kết sự đồng hành, chung tay bằng nhiều hình thức trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, Ban IV kiến nghị trong giai đoạn cao điểm chuẩn bị cho mùa du lịch 2022, đề xuất Thủ tướng xem xét thành lập một Tổ công tác đặc biệt đa thành phần bao gồm đại diện của khu vực công, khu vực tư nhân hoạt động điều hành trực tuyến dựa trên các số liệu, dữ liệu thực tế, thường xuyên cập nhật tình hình để đưa ra các quyết định kịp thời.

Tổ công tác sẽ thực hiện hoặc hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các báo cáo hàng tháng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi các Bộ, ngành, địa phương liên quan để đúc kết các bài học, đề xuất cải thiện các quy định cho mở cửa du lịch quốc tế được thông thoáng và thuận lợi hơn./.