Nga ngừng trung chuyển khí đốt qua Ba Lan, đường ống Yamal-châu Âu 'đứt đoạn' vì trừng phạt

Nga ngừng trung chuyển khí đốt qua Ba Lan, đường ống Yamal-châu Âu 'đứt đoạn' vì trừng phạt

Nga cấm Gazprom trung chuyển khí đốt qua Ba Lan sau khi ngắt nguồn cung cho nước này từ cuối tháng 4.

Theo đó, lệnh trừng phạt mới đây của Nga với 31 công ty năng lượng bao gồm cả EuRoPol GAZ, một liên doanh giữa Gazprom và tập đoàn khí đốt lớn PGNiG của Ba Lan, sở hữu đoạn Ba Lan của đường ống dẫn khí Yamal - châu Âu.

Lệnh trừng phạt được triển khai theo sắc lệnh được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hồi đầu tháng 5, trong đó, không tổ chức nào của Nga được phép thực hiện các thỏa thuận với những đối tượng nằm trong danh sách trừng phạt, hoặc thậm chí thực hiện các nghĩa vụ của mình theo các thỏa thuận hiện có.

Theo lệnh trừng phạt, tập đoàn Gazprom của Nga sẽ không thể tiếp tục trung chuyển khí đốt tới châu Âu qua đoạn Ba Lan sở hữu.

“Đối với Gazprom, điều này có nghĩa là lệnh cấm sử dụng đường ống dẫn khí đốt thuộc sở hữu của EuRoPol GAZ để vận chuyển khí đốt của Nga qua Ba Lan,” công ty cho biết trên kênh Telegram chính thức.

Theo phát ngôn viên của Gazprom Sergey Kupriyanov, phía Ba Lan liên tục vi phạm quyền của Gazprom với tư cách là cổ đông của EuRoPol GAZ, và cuối tháng 4 đã thêm công ty Nga vào danh sách trừng phạt, chặn khả năng thực hiện quyền đối với cổ phiếu và các chứng khoán khác của liên doanh và nhận cổ tức.

Do đó, “lệnh cấm đã được thiết lập đối với các giao dịch và thanh toán có lợi cho những người bị trừng phạt, đặc biệt là đối với Gazprom”, ông Sergey cho biết.

Đường ống dẫn khí đốt Yamal-Châu Âu đi qua Nga, Belarus, Ba Lan và Đức. Nga cung cấp gần 40% nhu cầu khí đốt tổng thể của châu Âu và tuyến đường này chiếm gần 15% lượng vận chuyển đi hướng Tây của đất nước.

Gần đây, đường ống này đã hoạt động ở chế độ đảo ngược, đưa khí đốt từ Đức đến Ba Lan sau khi Warsaw từ chối chấp nhận yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble của Moscow và bị ngắt nguồn cung.

Trong một diễn biến khác, lệnh trừng phạt mới nhất của Nga cũng khiến áp lực về khí đốt của châu Âu ngày càng tăng cao. 

Đức, khách hàng hàng đầu của Nga ở châu Âu, cho biết một số công ty con của Gazprom Germania không nhận được khí đốt do các lệnh trừng phạt.

"Gazprom và các công ty con của nó bị ảnh hưởng", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với hạ viện Bundestag. "Điều này có nghĩa là một số công ty con sẽ không nhận được thêm khí đốt từ Nga".

Ngày 12/5, Hạ viện Đức cũng đã thông qua phiên bản mới của dự luật nhằm đảm bảo cung cấp năng lượng, bao gồm cả việc có thể tịch thu tài sản và cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng trong trường hợp khẩn cấp, đề phòng Nga ngắt nguồn cung.

Luật mới, vẫn cần thông qua thượng viện, có thể được áp dụng lần đầu tiên nếu không tìm ra giải pháp nào về quyền sở hữu nhà máy lọc dầu Schwedt, do Rosneft của Nga sở hữu đa số cổ phần. Luật cũng cho phép chính phủ kiểm soát việc sản xuất, vận chuyển và phân phối năng lượng của các công ty nếu việc cung cấp có rủi ro.