Kinh tế Trung Quốc mở bung cửa, coi doanh nghiệp nước ngoài như trong nước - tảng băng đã được phá vỡ?

Kinh tế Trung Quốc mở bung cửa, coi doanh nghiệp nước ngoài như trong nước - tảng băng đã được phá vỡ?
Kinh tế Trung Quốc mở cửa về thể chế - tảng băng đã được phá vỡ? Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ ra rằng, Hiệp hội Xúc tiến thương mại Trung Quốc luôn coi việc phục vụ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là nhiệm vụ cơ bản. (Nguồn: FT)

Trong bài phát biểu trực tuyến tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hiệp hội Xúc tiến thương mại Trung Quốc mới đây (ngày 18/5), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ ra rằng Hiệp hội Xúc tiến thương mại Trung Quốc luôn coi việc phục vụ các doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài là nhiệm vụ cơ bản của mình.

Theo đó, nhiệm vụ của Hiệp hội sẽ là thúc đẩy thương mại và đầu tư, thúc đẩy mở cửa về thể chế, tích cực tìm tòi đổi mới trong các lĩnh vực trọng tài kinh tế, quyền sở hữu trí tuệ, hòa giải thương mại…, liên hệ và trao đổi với các giới công nghiệp và thương mại của các nước, xây dựng cầu nối cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc với quốc tế, tích cực thúc đẩy xu hướng toàn cầu hóa kinh tế phát triển theo hướng cởi mở hơn, bao dung, cùng có lợi, bình đẳng và cùng thắng.

Cởi mở, cùng có lợi và cùng thắng?

Mở cửa thể chế là thực hiện chế độ đãi ngộ quốc dân, phá vỡ thế độc quyền và phá bỏ bảo hộ, tức là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tham gia và cạnh tranh bình đẳng trên cùng một xuất phát điểm, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không còn bị loại ra khỏi một số ngành công nghiệp nhất định.

Điều này cũng có nghĩa là các doanh nghiệp ở Trung Quốc trong tương lai sẽ chỉ khác về bản chất, không có sự phân biệt đối xử, đãi ngộ. Chỉ cần doanh nghiệp nhà nước được làm thì doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng có thể làm.

Tất nhiên, cũng có những điều không được phép, đó là những hạng mục cấm, chỉ cần nằm trong danh sách cấm này, thì các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể chủ động trong kế hoạch của mình, đó cũng là công bằng. Theo đó, ngoài những việc mà chính phủ có quy định không được phép làm, còn lại doanh nghiệp đều được phép làm, tức là "bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm đều có thể làm".

Đây là một tiến bộ và đột phá lớn, bởi động thái này có thể không chỉ làm giảm bớt hoặc nới lỏng ngưỡng quy định cho phép đối với doanh nghiệp, mà còn có thể giúp phát huy hết khả năng đổi mới sáng tạo của họ.

Kiên trì mở cửa là một kinh nghiệm quan trọng cho sự thành công của kinh tế Trung Quốc, bởi việc tham gia vào vòng tuần hoàn kinh tế quốc tế hiện nay quan trọng hơn so với trước đây. Kinh tế Trung Quốc đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, với yếu tố nhu cầu trong và ngoài nước phụ thuộc lẫn nhau và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau.

Thúc đẩy xây dựng một mô hình phát triển mới hoàn toàn không phải là một chu trình khép kín trong nước mà là một chu trình kép trong nước-quốc tế thúc đẩy lẫn nhau và mở cửa, là thông qua phát huy tiềm lực nội nhu, khiến thị trường trong nước và quốc tế liên thông tốt hơn, dùng vòng tuần hoàn trong nước thu hút nguồn vốn toàn cầu, tận dụng tốt hơn thị trường và nguồn lực trong nước và quốc tế.

Trung Quốc tham gia "Hiệp định tiện lợi hóa thương mại" vào năm 2015; Tiếp theo là tích cực tham gia vào hiệp định thương mại điện tử. Nếu được thông qua, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy sự phát triển của thương mại kỹ thuật số và kinh tế kỹ thuật số; Tiến trình mới nhất được ghi nhận vào ngày 8/12/2021, khi Bắc Kinh "tuyên bố về việc hoàn tất đàm phán Quy chế thương mại dịch vụ trong nước. Mặc dù tham gia đàm phán chỉ có 67 nước thành viên, chỉ chiếm 1/3 số thành viên của WTO, nhưng tổng dịch vụ thương mại lại chiếm 90% toàn cầu, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc cũng đi đầu trong việc đề xuất ký Hiệp định tiện lợi hóa đầu tư trong G20.

Trên đây đều là những biện pháp mở cửa thể chế mang tính biểu tượng nhất kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO cách đây 20 năm. Giới phân tích nhận định, tảng băng đã bị phá vỡ và con đường vận chuyển đã được khai thông, chỉ là nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ bước thế nào trên con đường này, để đóng góp xứng đáng cho sự phát triển chất lượng cao.

Nhu cầu chuyển đổi hay sức ép quốc tế?

Hội nghị Công tác Kinh tế trung ương năm 2018 lần đầu tiên đề xuất việc đẩy mạnh mở cửa toàn diện với thế giới bên ngoài, thích ứng với tình hình mới và nắm bắt đặc điểm mới.

Trước đó, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương năm 2017 đã ghi nhận ý kiến mở rộng hơn nữa phạm vi và mức độ mở cửa nền kinh tế. Điều này thể hiện sự mở cửa với thế giới bên ngoài của Trung Quốc sẽ bước sang một giai đoạn mới và cao hơn, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm kiên định của giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc thúc đẩy mở cửa ở mức độ cao.

Trong hơn 40 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã tập trung vào thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy các doanh nghiệp "vươn ra toàn cầu". Tháng 12/2001, Trung Quốc chính thức trở thành thành viên thứ 143 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử cải cách và mở cửa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kể từ đó, Trung Quốc đã tham gia sâu rộng vào hệ thống thương mại đa phương, thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nước trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, dịch vụ và công nghệ quốc tế; hệ thống thương mại đã từng bước đưa sự phát triển xã hội của Trung Quốc lên một trình độ cao hơn và cải thiện đáng kể năng suất sản xuất của nước này.

Trong 20 năm qua, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng từ vị trí thứ 6 lên thứ hai trên thế giới, thương mại hàng hóa tăng từ vị trí thứ 6 lên số 1, thương mại dịch vụ tăng từ thứ 11 lên thứ 2, việc sử dụng nguồn vốn nước ngoài phát triển ổn định. Năm 2020, Trung Quốc thậm chí còn vượt qua Mỹ trở thành nước đứng đầu thế giới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc cũng từ vị trí thứ 26 leo lên vị trí thứ nhất thế giới, mỗi năm bình quân đóng góp hơn 30% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với tỷ trọng dân số và quy mô kinh tế của Trung Quốc trên thế giới.

Việc chuyển từ mở cửa dựa trên hàng hóa và kênh phân phối sang mở cửa dựa trên quy tắc, thể chế, chủ yếu bao hàm hai ý nghĩa. Thứ nhất, Trung Quốc cần đẩy nhanh quá trình tích hợp các hệ thống và quy tắc trong nước với các tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai, Trung Quốc nên đóng một vai trò tích cực trong quá trình xây dựng và cải thiện các quy tắc quốc tế.

Việc thúc đẩy mở cửa thể chế chủ yếu cũng do hai yếu tố. Đầu tiên là nhu cầu chuyển đổi của nền kinh tế trong nước. Hiện nay, kinh tế Trung Quốc chuyển từ giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao sang giai đoạn phát triển chất lượng cao và đang trong giai đoạn mang tính quyết định để chuyển đổi phương thức phát triển, tối ưu hóa cơ cấu kinh tế, chuyển đổi động lực tăng trưởng, mở cửa cũng phải chuyển từ chú trọng tăng trưởng về số lượng sang nâng cao chất lượng, chuyển sang mô hình phát triển kết hợp.

Thứ hai là do yêu cầu của tình hình kinh tế quốc tế. Một số nền kinh tế phát triển trên thế giới hiện nay đã áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa đơn phương, các quy tắc đa phương của WTO bị bỏ qua, toàn cầu hóa kinh tế gặp phải trở ngại, thậm chí là đảo ngược, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới rất đáng lo ngại.

Với tư cách là quốc gia đang phát triển lớn nhất và là "người bảo vệ" vững chắc trật tự thế giới, Trung Quốc cũng nên tích cực tham gia vào việc xây dựng và hoàn thiện các quy tắc kinh tế và thương mại toàn cầu, đồng thời thúc đẩy việc hình thành một hệ thống quy tắc đa phương phù hợp hơn với tình hình kinh tế quốc tế hiện nay.

Theo Chinaview, TTXVN / Báo Thế giới và Việt Nam

https://baoquocte.vn/kinh-te-trung-quoc-mo-bung-cua-coi-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-nhu-trong-nuoc-tang-bang-da-duoc-pha-vo-184994.html