Thái Nguyên cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI

Cam kết mạnh mẽ và quyết liệt về chính sách thu hút đầu tư

Với nhiều lợi thế cạnh tranh cùng những cam kết đầy mạnh mẽ và quyết liệt về chính sách thu hút đầu tư, tỉnh Thái Nguyên đã tạo được ấn tượng và sức hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng và đại diện một số Tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã gặp gỡ, trao đổi tại Hội nghị xúc tiến đầu tư do Bộ KH&ĐT phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn tổ chức vào ngày 17/6/2022 tại TP.HCM

Tỉnh Thái Nguyên khẳng định 6 cam kết đối với các nhà đầu tư, tập trung vào: Thường xuyên tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động, cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật; cung cấp đủ hạ tầng viễn thông, điện, nước 24/24 giờ cho các doanh nghiệp; hỗ trợ tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng, áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp trong khung quy định của Chính phủ về miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Đặc biệt trong đó, “Chính quyền tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư bất kể mới hay cũ, đầu tư trong hay ngoài khu công nghiệp đều sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành trong quá trình thực hiện các dự án”. Những cam kết sẽ minh chứng, khẳng định vị thế và chỗ đứng vững chắc của Thái Nguyên trong bản đồ thu hút đầu tư của cả nước.

KCN Sông Công II đã thu hút nhiều nhà đầu tư (ảnh Duy Phường)

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trên các lĩnh vực, coi thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh. Khảo sát chỉ số PCI cho thấy, Chỉ số “tính năng động của chính quyền” tỉnh Thái Nguyên tăng liên tục từ năm 2016 đến nay, trong khi nhóm các chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự kinh doanh thuộc Top đầu cả nước. Trên Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Thái Nguyên đứng ở Top khá toàn quốc. Chỉ số cải cách hành chính PAR index năm 2021, Thái Nguyên ở vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, theo Bảng xếp hạng Vietnam ICT Index mới nhất, Thái Nguyên đứng thứ 4 về Chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin…

Hiện nay, Thái Nguyên đã quy hoạch 12 KCN với tổng diện tích 4.245 ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha,… sẵn sàng chờ đón các nhà đầu tư. Thái Nguyên hiện có trên 170 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư trên 10 tỷ USD; cùng với đó là 846 dự án DDI với tổng số vốn trên 145.000 tỷ đồng.  

Chiến lược thu hút đầu tư của Thái Nguyên trong giai đoạn bình thường mới sau đại dịch COVID-19 là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển khu vực phía Nam của tỉnh (hạ tầng du lịch, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng ở phía Đông dãy núi Tam Đảo, hồ Núi Cốc; phát triển các khu đô thị bám theo đường liên kết vùng Bắc Giang - Vĩnh Phúc và đường Vành đai 5 Hà Nội); chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành và phát triển chuỗi sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận các thông tin về thị trường, đầu tư và doanh nghiệp…

Kết quả đánh giá Chỉ số DDCI và PCI giúp tỉnh nỗ lực không ngừng để đạt Top cao hơn

Việc triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Thái Nguyên có ý nghĩa to lớn với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực điều hành kinh tế cấp sở, ban, ngành và cấp huyện; Thúc đẩy thi đua, nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện nhiệm vụ đối với các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và các phòng, ban, phường, xã, thị trấn; Tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương; Bộ chỉ số DDCI cho điểm sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các địa phương, các sở, ban, ngành thông qua việc chính thức hóa các hoạt động công bố kết quả, khen thưởng và thực hiện đánh giá, giám sát hàng năm.

Dựa trên những khác biệt, đặc thù của địa phương, Thái Nguyên có chỉ số thành phần mới so với chỉ số thành phần của PCI “Mức độ chuyển đổi số” để đánh giá đo lường mức độ phát triển và ứng dụng CNTT của các sở, ban, ngành và địa phương. Năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh tiến hành thực hiện DDCI, do đó, việc lựa chọn đối tượng đánh giá mới ở bước đầu bao gồm 11 sở, ngành và 9 huyện, thành phố. Năm 2021, khảo sát 1.000 doanh nghiệp, HTX đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công của các Sở, ban, ngành và huyện/thị xã/thành phố trong vòng 02 năm vừa qua.

DDCI sẽ cùng doanh nghiệp đóng góp tiếng nói và thực thi vai trò giám sát các hoạt động tham mưu, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và chính quyền cấp huyện, đồng thời sẽ đặt các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước vào tâm thế thường trực luôn luôn cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân, đây là cơ sở quan trọng trong việc xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh Thái Nguyên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến cho biết: “Thực tế, trong những năm qua, với nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, môi trường đầu tư, kinh doanh của Thái Nguyên đã không ngừng được cải thiện và giữ vững, vai trò, vị thế của Thái Nguyên ngày một nâng cao.  Bên cạnh những chỉ số tăng điểm, tỉnh vẫn còn một số chỉ số giảm điểm “Điều đó khẳng định tính bền vững của chỉ số PCI chưa cao. Cần tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để cải thiện từng chỉ số thành phần thì việc nâng hạng thậm trí trụ hạng mới có thể thực hiện được”.

Để phát huy kết quả đã đạt được, tiến tới nâng hạng chỉ số PCI của tỉnh, năm 2022 và năm tiếp theo, Thái Nguyên đã hiện thực hoá nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “sát cánh” đồng hành cùng doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo PCI tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành và Hiệp hội, Hội doanh nghiệp tỉnh ngày 26/5/2022 để bàn các giải pháp nâng cao chỉ số PCI tỉnh Thái Nguyên năm 2022

Tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình gặp mặt định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp để lắng nghe nhằm kịp thời giải quyết các tồn tại vướng mắc của doanh nghiệp một cách thực chất và có ý nghĩa để tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tổ chức định kỳ mô hình Trà - cà phê Doanh nhân để thúc đẩy hoạt động “ươm mầm” doanh nghiệp, khởi nghiệp, nhằm nâng cao tính năng động của các cấp chính quyền trong việc giải quyết nhanh các vấn đề của doanh nghiệp; các Sở, ngành, địa phương tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường có những vướng mắc như: Chính sách về thuế, đất đai và đền bù GPMB,...; Linh hoạt, hiện đại trong tuyên truyền thu hút đầu tư đến doanh nghiệp thông qua các dạng lưu trữ điện tử, số hóa để thuận tiện cho việc chia sẻ thông tin nhanh nhất. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng và ban hành danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư, giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn khi đến Thái Nguyên.  

Đặc biệt, từng thành viên Ban chỉ đạo bám sát nội dung kiểm điểm, có trách nhiệm triển khai, thực hiện, đề ra các nhóm giải pháp nâng cao chỉ số PCI trên cơ sở phân tích khoa học nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn; cải thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong thời gian tới, chính quyền tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, lắng nghe các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp. “ông Tiến nhấn mạnh”.

Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm đẩy mạnh

Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành một số nội dung quan trọng về chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022. Cùng với việc tập trung xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, với sự thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; Thái Nguyên đặt mục tiêu thu hút các tập đoàn lớn có năng lực tài chính, thương hiệu, có sức lan tỏa đưa khoa học công nghệ và nguồn vốn lớn vào đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Thông qua các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài và các bộ, ngành liên quan, các tổ chức xúc tiến đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Thái Nguyên tới các nhà đầu tư.

Đồng thời, ban hành mới các tài liệu xúc tiến đầu tư như Sách Thái Nguyên - Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư; danh mục các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư bằng 4 thứ tiếng Việt - Anh - Nhật - Hàn. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm và phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tiềm năng thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư trực tuyến, trực tiếp với các đối tác có nguồn lực thực sự đến đầu tư vào tỉnh.

KCN Điềm Thụy – Thái Nguyên nằm trên địa bàn Tp. Phổ Yên và huyện Phú Bình

Với nỗ lực chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã đạt những kết quả đáng tự hào. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 19,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 13,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 70,4% tổng vốn đầu tư của tỉnh), tăng 12,3% so với cùng kỳ; còn lại là vốn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với 6 tháng năm 2021.

Tính đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh đã cấp thành lập mới cho 411 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 4.969,3 tỷ đồng. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8.471 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký khoảng 125.571,2 tỷ đồng. Tổng số dự án đầu tư trong nước ngoài ngân sách được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến hết tháng 5 năm 2022 là 11 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4.962,06 tỷ đồng. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 846 dự án đầu tư trong nước được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với số vốn đăng ký khoảng 147.533,4 tỷ đồng.

Đến nay, tổng vốn đầu của Tổ hợp Samsung vào Thái Nguyên là 7,27 tỷ USD
Thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên) trở thành điểm đến của ông lớn Samsung

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Trong 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thực hiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 02 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 14,5 triệu USD; điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 06 lượt dự án với số vốn đầu tư đăng ký thêm là 1.202,936 triệu USD. Tính đến hết ngày 31/5/2022, tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 170 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9.964,03 triệu USD. Nguồn vốn này thật sự là động lực để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội. 

Mục tiêu của Thái Nguyên là nỗ lực phục hồi kinh tế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2025 từ 8% trở lên. Tỉnh đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, triển khai hỗ trợ dòng tiền, bảm đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp; chủ trương mở cửa nền kinh tế trên cơ sở nhất quán các quy định về lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất an toàn, duy trì hoạt động liên tục, ổn định. Đồng thời, tập trung xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, làm cơ sở thu hút đầu tư,… nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại trong giai đoạn 2020-2025.

Với những cam kết mạnh mẽ và hành động thiết thực, Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những địa phương năng động nhất cả nước về thu hút đầu tư. Và chính sự năng động này của tỉnh đang tạo nên kỳ vọng lớn trong thu hút đầu tư của Thái Nguyên trong thời gian tới.

Theo Kim Dung (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

https://diendandoanhnghiep.vn/thai-nguyen-cai-thien-moi-truong-dau-tu-nang-cao-chi-so-pci-225851.html