Không để tình trạng vô danh, vô trách nhiệm trên mạng xã hội

Ngoài ra còn những game xấu độc, là nơi xảy ra mâu thuẫn trên mạng, khiến hình ảnh người Việt bị ảnh hưởng nhiều trên internet..., và còn nhiều điều tiêu cực khác, hậu quả là làm nhận thức thay đổi, ảnh hưởng đến phát triển tư duy sau này, nhất là của trẻ em. 

Do vậy, ông Phú đề nghị các bộ ban ngành liên quan có biện pháp siết chặt việc kiểm soát nội dung trên mạng. 

Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời như sau:

Qua công tác quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhận thấy gần đây xuất hiện nhiều nội dung, hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội xuyên biên giới, do nước ngoài cung cấp vào Việt Nam như: Facebook, Youtube, Tiktok. 

Với vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các giải pháp để hạn chế tình trạng này, cụ thể như sau:

- Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, để từng người sử dụng cho các hành xử phù hợp, không cung cấp, sử dụng các nội dung không lành mạnh nên trên.

Các nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội được khuyến nghị: Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.

Bộ quy tắc cũng có những nội dung yêu cầu các cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội, lẫn các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tôn trọng, bảo vệ những "người yếu thế" trong xã hội. Cụ thể:

Các cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội được khuyến khích "vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh".

Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội được yêu cầu: Hướng dẫn người sử dụng mạng xã hội, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của "người yếu thế" trong xã hội (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, trẻ vị thành niên, người khuyết tật…) sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh nhằm tránh bị khai thác, lạm dụng, bạo lực về tinh thần trên mạng xã hội; có biện pháp để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên mạng xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tăng cường hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng

Thời gian qua, Bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không chỉ về các hành vi sai trái, cung cấp thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước mà còn xử lý các vi phạm về nói xấu, bôi nhọ danh dự, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên mạng.

Trường hợp xác định được nhân thân: Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội Youtube, Facebook vi phạm, trong đó đáng chú ý như: Xử phạt kênh Youtube Hoàng Anh-Timmy tại Thành phố Hồ Chí Minh, kênh Hưng blog, Hưng troll tại Bắc Giang, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương. 

Điển hình là trường hợp vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng đã bị xử phạt vi phạm hành chính (7,5 triệu đồng) và bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang thực hiện các quy trình tố tụng theo quy định của pháp luật và sẽ sớm đưa vụ án ra xét xử.

Trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook, Tiktok... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền để từng người dân nâng cao nhận thức, không còn lối suy nghĩ mạng xã hội là "vô danh nên vô trách nhiệm"; tăng cường lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực trên không gian mạng, các thông tin khuyến khích thế hệ trẻ giữ gìn văn hóa truyền thống, bảo tồn bản sắc dân tộc…

Thường xuyên rà quét và yêu cầu các trang mạng xã hội trong nước, các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, không phù hợp với thuần phong mỹ tục nước ta.

Tuy nhiên, để khắc phục được vấn đề này thì cần có vai trò lớn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác xây dựng chiến lược, khuyến khích thế hệ trẻ tham gia giữ gìn ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc, lối sống, văn hóa ứng xử, bản sắc văn hóa của dân tộc để bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại, hội nhập mà không đánh mất đi nguồn cội của mình.

Theo Hải Hoa (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/khong-de-tinh-trang-vo-danh-vo-trach-nhiem-tren-mang-xa-hoi-102220728141739888.htm