Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng mô hình kinh doanh xanh, sạch, có trách nhiệm với xã hội

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công. (Nguồn: VCCI)

Thích ứng để phát triển bền vững

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập từ rất sớm vào năm 1967. Trong suốt 55 năm xây dựng và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu lớn với nhiều Hiệp định quan trọng được ký kết như Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA); Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT); Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS); Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA); Các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN.

Đặc biệt vào năm 2015, ASEAN thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), là một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN được thành lập tháng 12/2015. Hai trụ cột còn lại là: Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ASCC).

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, việc ký kết các Hiệp định thương mại trong khối ASEAN đã thúc đẩy hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng mới trong thị trường các nước thành viên tham gia hiệp định, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện để phát triển thương mại nội khối; nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, góp phần giải quyết những thách thức trong nền kinh tế đương đại, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, xây dựng chính sách cạnh tranh…

Các doanh nghiệp Việt Nam gần đây đã hình thành tư duy tích cực trong hội nhập, tích cực tham gia các diễn đàn kinh doanh, hội nghị doanh nghiệp, chương trình hội nhập kinh tế quốc tế…

Thị trường ASEAN là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Nguồn: VnEconomy)

Hướng tới doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng

Cũng theo Chủ tịch VCCI, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, việc tham gia hội nhập ASEAN cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là cạnh tranh diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước thành viên mà ngay cả thị trường trong nước. Đánh giá một cách tổng thể, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tuy đã được cải thiện nhưng chưa đáng kể, độ ổn định còn thấp.

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, thị phần hạn hẹp, tiềm lực khoa học - công nghệ yếu, có ít thương hiệu nổi tiếng; sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu làm gia công, nên phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào; chất lượng nhân lực của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ người lao động qua đào tạo thấp, nhân viên không thông thạo ngoại ngữ, không nắm vững nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, ít am hiểu luật pháp quốc tế……

Trở ngại lớn thứ hai là không có thông tin cụ thể về thị trường. Để tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp luôn có nhu cầu tiếp cận thông tin về thị trường đầu ra của sản phẩm, bao gồm: nhu cầu-thị hiếu, xu hướng tiêu dùng, thông tin liên quan đến đối thủ cạnh tranh trực tiếp/gián tiếp, dự báo về triển vọng của thị trường… Nếu không tìm được đầu ra, mọi nỗ lực của doanh nghiệp về cải tiến sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất… sẽ không có ý nghĩa. Do đó, thông tin cập nhật về thị trường tiêu thụ luôn là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu hiện nay.

Trở ngại lớn thứ ba của doanh nghiệp là tiếp cận vốn và công nghệ. Để tiếp cận được nguồn vốn chính thống, doanh nghiệp phải có sẵn tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh, đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Đây cũng là thách thức của doanh nghiệp vì phần lớn đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn cũng dẫn đến trở ngại khó khăn trong tiếp cận công nghệ hiện đại.

Trở ngại thứ tư của doanh nghiệp chính là vấp phải rào cản thương mại quốc tế, rào cản phi thuế quan, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu, áp lực cạnh tranh từ đối thủ cạnh tranh...

Ngoài ra, hiện nay số lượng không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm hoặc khá hạn chế trong việc nắm bắt thông tin về hội nhập, lợi ích từ các Hiệp định đã ký kết.

Ông Phạm Tấn Công cho biết, VCCI đánh giá việc phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) là rất quan trọng, khẳng định MSMEs là xương sống của Việt Nam và là động lực chính cho giai đoạn phục hồi và phát triển nền kinh tế. VCCI cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy tạo thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy thương mại điện tử, tăng cường tiếp cận tín dụng cho khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp MSMEs cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng việc tham gia các chương trình đào tạo, các khóa tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, MSMEs cần nâng cao hiệu quả, khả năng chống chịu với những biến động và thách thức mới thông qua việc ứng dụng công nghệ, áp dụng chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng mô hình kinh doanh xanh, sạch, thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với xã hội. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với người lao động, với đối tác, với bạn hàng, với xã hội, với cộng đồng hướng tới trở thành doanh nghiệp phát triển bền vững và bao trùm.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc, Kỳ họp thứ III – Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC III) từ ngày 26-29/7/2022. (Nguồn: TTXVN)

VCCI hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được thành lập từ năm 1963 với vai trò là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam.

VCCI đã và đang làm nhiệm vụ tập hợp, liên kết doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, và tham vấn với Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc và xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, sẵn sàng hội nhập một cách bền vững trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Chủ tịch VCCI cho biết, một trong những cơ chế hợp tác đa phương quan trọng nhất mà VCCI hiện đang tham gia với tư cách Chủ tịch phân ban Việt Nam là Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, trong năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, theo phân công của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, VCCI được giao đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN BAC và chủ trì tổ chức các sự kiện liên quan đến doanh nghiệp.

VCCI đã chủ trì và phối hợp tổ chức thành công 40 hội nghị lớn nhỏ khác nhau dưới các hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp, trong số đó có nhiều sự kiện lớn và quan trọng.

ASEAN BAC Việt Nam cùng với các Hiệp đồng doanh nghiệp hỗn hợp (JBC) cũng đã đưa ra báo cáo “Con đường phục hồi và hy vọng cho ASEAN”, bao gồm 225 khuyến nghị chi tiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hợp tác giữa các cơ chế liên quan đến y tế và kinh tế để ứng phó với Covid-19 khi ASEAN đang dần mở cửa lại. Báo cáo này hoàn toàn phù hợp với các định hướng đã được đề ra trong Kế hoạch Hành động Hà Nội và được các Lãnh đạo cấp cao ASEAN nhiệt tình hoan nghênh.

Ngoài ra, trên cương vị Chủ tịch của ASEAN BAC, VCCI đã chủ trì và triển khai dự án di sản của ASEAN BAC- Mạng lưới khởi nghiệp Công nghệ số (Digital STARS), qua đó tạo dựng một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ trong ASEAN và đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp trong khu vực.

Theo Vân Chi (CỔNG THÔNG TIN ASEAN VIỆT NAM)

https://aseanvietnam.vn/post/chu-tich-vcci-doanh-nghiep-can-chu-djong-xay-dung-mo-hinh-kinh-doanh-xanh-sach-co-trach-nhiem-voi-xa-hoi