Hồi sinh sân bay A So

Sân bay A So nằm ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới, cách trung tâm TP Huế khoảng 100 km. Công trình được Mỹ xây dựng từ những năm 1960 nhằm tăng cường tiềm lực quân sự, khống chế hành lang chiến lược phía tây dãy Trường Sơn. Từ tháng 8/1965 đến 12/1970, huyện A Lưới là một trong những nơi bị Mỹ rải chất độc da cam nhiều nhất, trong đó nặng nhất là sân bay A So.

Theo thống kê, A So hứng chịu khoảng 11 kg dioxin, diện tích ô nhiễm 5 ha, chiều sâu trung bình 0,7 m. Tổng khối lượng trầm tích cần xử lý 35.000 m3, trong đó 6.600 m3 đất nhiễm có nồng độ trên 200ppt, mức độ rất nặng. Để hồi sinh vùng đất này, một dự án xử lý chất độc dioxin tại A So được Bộ Tư lệnh Hóa học chủ trì, kinh phí 70 tỷ đồng, thực hiện trong ba năm 2020-2022.

Công trường tẩy rửa sân bay A So. Ảnh: Vạn An

Công trường tẩy rửa sân bay A So. Ảnh: Vạn An

Những ngày tháng 8 thời tiết nắng nóng, trên công trường A So, khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ làm việc liên tục ba ca. Một nhóm chiến sĩ lái máy xúc bóc 0,7 m lớp đất nhiễm dioxin, sau đó nhóm khác trải những tấm nylon dày xuống dưới, ngăn chất độc không thấm xuống lòng đất. Lớp đất ô nhiễm sau khi bóc tách sẽ được xử lý bằng công nghệ sinh học, sau đó chuyển trở lại vị trí được lót nylon.

Thiếu tá Nguyễn Phượng Minh, Phó trưởng phòng sinh học - Viện Hóa học môi trường quân sự, Binh chủng Hóa học, cho hay ưu điểm của phương pháp sinh học là xử lý được triệt để nồng độ dioxin ở trong đất, phục hồi môi trường tốt hơn so với các phương pháp khác.

Quá trình xử lý chất độc dioxin phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn. Bộ Tư lệnh Hóa học đã xây dựng hệ thống tường bao cao 2 m, sử dụng hệ thống tiêu tẩy khử khuẩn chuyên dụng để phun hơi nước nhằm ngăn ngừa chất độc, bụi khí phát tán ra bên ngoài. Các khu vực xử lý cũng bố trí lực lượng cảnh giới để đảm bảo người dân không thể đi lại ở nơi chứa chất độc.

Lực lượng tham gia tẩy rửa sân bay A So phải mang áo quần bảo hộ. Ảnh: Vạn An

Lực lượng tham gia tẩy rửa sân bay A So phải mang áo quần bảo hộ. Ảnh: Vạn An

Theo thiếu tá Minh, quá trình tẩy rửa dioxin ở sân bay A So gặp khó khăn khi nơi đây là vùng thung lũng, có nhiều mạch nước ngầm. Công việc ít nhiều bị gián đoạn thời gian đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ đang đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn thành dự án vào cuối năm nay.

Việc xử lý triệt để ô nhiễm chất độc hóa học tại sân bay A So là mong ước của những người dân xã Đông Sơn và huyện A Lưới. Chủ tịch huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, vùng đất này được tẩy rửa hết chất độc dioxin sẽ tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp. "Nông sản huyện A Lưới sẽ được nhiều người đón nhận và sử dụng khi không còn lo ngại về dioxin", ông Hùng nói.

Theo Võ Thạnh (Vnexpress)

https://vnexpress.net/hoi-sinh-san-bay-a-so-4498734.html