Không để nỗi lo của người lao động kéo dài

Sớm giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài - Ảnh 1.

Người lao động thực hiện thủ tục tại BHXH TP. Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Minh Trang

Hơn 130 doanh nghiệp nợ kéo dài

Theo BHXH TP. Đà Nẵng, tính đến 31/7, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 1.276 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) từ 3 tháng trở lên, với số tiền 115,3 tỷ đồng (nợ gốc); trong đó, 138 doanh nghiệp nợ kéo dài số tiền hơn 82,6 tỷ đồng…

Một số doanh nghiệp có số nợ lớn, kéo dài như Công ty CP Cơ khí - Lắp máy Sông Đà-Chi nhánh 5 tại Đà Nẵng, nợ tổng cộng hơn 12,1 tỷ đồng; Chi nhánh II - Công ty CP Công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng, nợ 8,9 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại 592, nợ hơn 2,3 tỷ đồng...

Lý giải về nguyên nhân nợ đọng, lãnh đạo Phòng Quản lý thu, BHXH Thành phố, cho biết  việc tuân thủ pháp luật về trích nộp BHXH, BHYT, BHTN của chủ sử dụng lao động chưa nghiêm túc; trong khi đó, người lao động (NLĐ) bị áp lực về việc làm, thu nhập nên không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Tình trạng doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc kết luận sau thanh tra, kiểm tra dẫn đến tiếp tục tái nợ. Doanh nghiệp thay đổi chủ sở hữu, người quản lý, không có người làm chuyên trách công tác BHXH, BHYT, BHTN; để nợ đọng kéo dài rồi chuyển trụ sở, địa bàn hoạt động, "lặn" luôn không liên hệ được.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn vướng về cơ chế, quy định xử lý với chế tài mạnh hơn, cụ thể: Chưa có quy định cơ chế xử lý nợ đối với đơn vị đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích.

Về khởi kiện, theo quy định của Luật BHXH 2014 và Luật Công đoàn 2012, tổ chức công đoàn là đơn vị được trao quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động và Luật Tố tụng dân sự hiện có một số bất cập trong quy định về trình tự, thủ tục để tổ chức công đoàn khởi kiện. 

Cụ thể, doanh nghiệp và NLĐ phải qua quá trình hòa giải quyền lợi tại UBND cấp huyện; phải có ủy quyền của toàn bộ NLĐ, cán bộ công đoàn cơ sở là NLĐ hưởng lương tại doanh nghiệp... Đây là những quy định rất khó áp dụng trên thực tế vì số lượng NLĐ ở các doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN, BHYT là rất lớn nên hầu như không thực hiện được.

Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 cũng tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…

Đôn đốc thu nợ BHXH, giảm nỗi lo cho NLĐ

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Giám đốc BHXH TP. Đà Nẵng, việc các doanh nghiệp để nợ đọng kéo dài là hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ và cũng là nỗi lo của cả hệ thống chính trị nói chung, của cơ quan BHXH nói riêng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Trong thời gian tới BHXH Thành phố và BHXH các quận, huyện sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tập trung vào thanh tra đột xuất chuyên ngành đóng các doanh nghiệp có có số nợ lớn, kéo dài và kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính để làm cơ sở tiếp tục các bước xử lý tiếp theo đối với các trường hợp chây ỳ. Dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ thanh tra đột xuất chuyên ngành đóng khoảng 500 đơn vị có số nợ từ 3 tháng trở lên.

Tiếp tục triển khai hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành từ thành phố đến quận, huyện. Dự kiến đến cuối năm 2022, Tổ thu nợ liên ngành sẽ làm việc khoảng 200 đơn vị có số nợ từ 3 tháng trở lên.

Hằng tháng, giao chỉ tiêu giảm nợ cụ thể đối với từng đơn vị, cá nhân và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị liên quan; gửi công văn thông báo, điện thoại, cử chuyên quản làm việc trực tiếp để đôn đốc, yêu cầu trích nộp theo quy định; gắn việc giải quyết chế độ, chính sách và việc cấp thẻ ABTC, đánh giá, nhận xét, phân loại, thi đua, khen thưởng của các tổ chức, cá nhân liên quan với tiến độ trích nộp BHXH, BHYT, BHTN.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức đối thoại nhằm nâng cao nhận thức về quyền của NLĐ, trách nhiệm trích nộp của chủ sử dụng lao động; công khai danh sách các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN lớn, kéo dài trên Cổng TTĐT thành phố, BHXH thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng; tham gia góp ý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định còn vướng mắc, bất cập liên quan mức xử phạt VPHC, lãi suất chậm đóng, khởi kiện, khởi tố đơn vị nợ; giới hạn hoạt động của đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN tham gia đấu thầu, thi công các dự án; thậm chí là rút giấy phép đăng ký kinh doanh, hoạt động…

Về vấn đề quản lý nợ BHXH, BHYT, BHTN, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng đã chỉ đạo đề nghị BHXH TP. Đà Nẵng thường xuyên rà soát, phân loại, theo dõi, đôn đốc, thực hiện tất cả các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan BHXH. Hằng tháng, tiếp tục tổ chức, phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành từ thành phố đến quận, huyện. Chủ trì, phối hợp với Sở LĐTB&XH, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tổ chức thanh tra liên ngành, thanh tra đột xuất chuyên ngành đóng đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

 

Theo Minh Trang (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/khong-de-noi-lo-cua-nguoi-lao-dong-keo-dai-10222083017350107.htm