Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Biết thắng và quyết thắng!

Thứ ba, 27-09-2022 | 10:06:00 AM GMT+7 Bản in
Làm nông sản sạch là khao khát của tôi. Trước tiên, để phục vụ cuộc sống của chính chúng ta, sau đó xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hiền Lê (Hiền Lê Group) bày tỏ khao khát đưa nông sản Việt ra thế giới.

Doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hiền Lê(Hiền Lê Group). Nhiếp ảnh: Thiên Hùng

Chia sẻ về quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền cho biết, tôi vốn xuất thân là một nông dân, từng được đi nhiều nơi trên thế giới, đến những nơi mà người dân cũng làm nông nghiệp nhưng họ lại rất giàu có. Ngược lại, người nông dân nước mình lam lũ, vất vả quanh năm nhưng vẫn nghèo.

“Nhìn họ tôi thấy chạnh lòng và thầm nghĩ, tại sao người dân Việt Nam không làm được như vậy? Mặt khác, nhu cầu về thực phẩm sạch đã qua chế biến của các nước rất lớn. Trong khi, công nghệ chế biến đang là khoảng trống của nông nghiệp Việt Nam. Nếu được đầu tư cho chế biến sâu thì dư địa thị trường rất lớn, doanh nghiệp và nông dân đều được hưởng lợi. Từ đó, tôi quyết tâm đầu tư vào nông nghiệp sạch, với việc ứng dụng công nghệ cao”, doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền nói.

Sau nhiều năm tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở các nước tiên tiến đi trước, năm 2015 doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao với việc đầu tư nhà máy chế biến rau quả tại Hải Dương và phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn tại Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình… Tập trung vào các sản phẩm chính như khoai sọ, đậu tương, vải thiều…

Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, doanh nghiệp của doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Đầu tiên là ruộng đất manh mún, khó đưa công nghệ, máy móc vào sản xuất. Ngoài ra, tư duy của người nông dân vẫn theo tập quán sản xuất cũ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật “vô tội vạ”, cho nên đồng đất 100% là nhiễm hóa chất. Điều này khiến công ty phải mất 3 năm cải tạo đất, tiêu tốn một khoản vốn không nhỏ.

Thời điểm này, công ty vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, cải thiện đồng đất và thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân. Đưa máy móc, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó hướng vào sản phẩm xuất khẩu để có thể đi đường dài.

Theo doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền, đã làm doanh nghiệp thì ai cũng phải tính toán nhưng nếu vì cái lợi trước mắt mà không tính đến hiệu quả lâu dài thì sẽ rất khó thành công. Là một người từng trải trên thương trường doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền hiểu rất rõ những khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp. Khởi nghiệp đã khó, nhưng khởi nghiệp nông nghiệp còn khó hơn gấp trăm lần.

Thực tế, đã có nhiều người bắt tay khởi nghiệp trong lĩnh vực này nhưng đều thất bại, nguyên nhân vì họ có tư duy “ăn xổi”, không kiên trì. Doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền chia sẻ, khi quyết định đầu tư vào nông nghiệp, chúng tôi xác định đây sẽ là một “cuộc chiến trường kỳ”, sẽ phải có đủ trí và lực để đi đường dài và không thể bỏ cuộc giữa chừng.

Với phương châm, uy tín và chất lượng chính là yếu tố quan trọng để thâm nhập các thị trường kỹ tính. Do đó, Hiền Lê Group đã không ngại đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Công ty đã hợp tác với các chuyên gia đến từ Tập đoàn Nosui (Nhật Bản) hỗ trợ trong tất cả các khâu, như trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến...

Đối với vùng sản xuất, công ty hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa để giảm sức lao động, sản xuất theo quy trình sạch. Đây cũng là lý do nhiều năm qua không chỉ đậu tương, rau, mà cả khoai sọ hay vải Thanh Hà thành phẩm đều chiếm được cảm tình của các đối tác nước ngoài. Hiện sản phẩm nông nghiệp của Hiền Lê Group đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Ghi nhận sự đóng góp trong lĩnh vực kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao vị thế và tiếng nói của phụ nữ trong cộng đồng và trong kinh doanh, năm 2018, doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2020 được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba.

Doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền cũng được nhận nhiều danh hiệu và giải thưởng khác, như  Đại sứ thương mại toàn cầu tại LosAngeles tại Mỹ; Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu tại Philippines... Doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền là một trong những cá nhân tiêu biểu được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021. 

Chương trình bình xét, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cũng là một nội dung được VCCI triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông tìm chọn, giới thiệu và thời hạn đề cử là đến 31/8/2022.

Ba bước tiếp theo trong quy trình bình xét là sơ tuyển, thẩm định thực tế và vòng chung tuyển sẽ thực hiện trong tháng 9/2022. Danh hiệu sẽ được trao tặng đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Bên cạnh việc bình xét trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, căn cứ hồ sơ các ứng viên trong vòng chung tuyển, Hội đồng bình xét sẽ đề xuất danh sách những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống đại dịch COVID-19 để tuyên dương tại Lễ công bố và trao danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực để ghi nhận và tôn vinh những doanh nhân đã có đóng góp xuất sắc cho cuộc chiến chống dịch trong hơn 2 năm qua. 

 

Theo Nguyễn Việt (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

https://diendandoanhnghiep.vn/biet-thang-va-quyet-thang-231178.html

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)