Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Đề nghị Chính phủ xem xét lại sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài vốn được hưởng ưu đãi rất nhiều. Do vậy, để Doanh nghiệp trong nước phát triển nên có cơ chế, chính sách miễn thuế thuê đất cho Doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho một số lượng lao động nhất định và nộp được số thuế nhất định do Nhà nước qui định. Gắn thuế theo doanh thu, theo thu nhập để quản lý doanh nghiệp thì hiệu quả và khuyến khích được doanh nghiệp trong nước nộp thuế đầy đủ.

Thứ năm, 06-06-2017 | 14:54:00 PM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Đề nghị Chính phủ xem xét lại sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài vốn được hưởng ưu đãi rất nhiều. Do vậy, để Doanh nghiệp trong nước phát triển nên có cơ chế, chính sách miễn thuế thuê đất cho Doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho một số lượng lao động nhất định và nộp được số thuế nhất định do Nhà nước qui định. Gắn thuế theo doanh thu, theo thu nhập để quản lý doanh nghiệp thì hiệu quả và khuyến khích được doanh nghiệp trong nước nộp thuế đầy đủ.

Tình trạng: Đã phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Công văn: 0874/PTM-VP, Ngày: 20/04/2017

Nội dung kiến nghị:

Đề nghị Chính phủ xem xét lại sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài vốn được hưởng ưu đãi rất nhiều. Do vậy, để Doanh nghiệp trong nước phát triển nên có cơ chế, chính sách miễn thuế thuê đất cho Doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho một số lượng lao động nhất định và nộp được số thuế nhất định do Nhà nước qui định. Gắn thuế theo doanh thu, theo thu nhập để quản lý doanh nghiệp thì hiệu quả và khuyến khích được doanh nghiệp trong nước nộp thuế đầy đủ.


Đơn vị phản hồi: Bộ Tài chính

Công văn: 6117/BTC-CST, Ngày: 11/05/2017

Nội dung trả lời:

  1. Về việc xem xét đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

- Về thuế TNDN: Trước khi Luật thuế TNDN số 09/2003/QH12 có hiệu lực thi hành, pháp luật về thuế, về đầu tư có quy định ưu đãi thuế khác nhau giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp trong nước áp dụng ưu đãi thuế TNDN theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài áp dụng ưu đãi thuế TNDN theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Kể từ năm 2003, khi Luật thuế TNDN số 09/2003/QH12 ra đời đã thống nhất điều kiện, mức ưu đãi, thời gian ưu đãi đối với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng lựa chọn mức ưu đãi cao nhất, thuận lợi nhất của Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhằm thu hút vốn đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn theo định hướng của nhà nước.

- Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Trước ngày 01/01/2006 Việt Nam còn đang duy trì một chính sách ưu đãi có phân biệt giữa các doanh nghiệp  trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện chủ trương của Chính phủ trong việc khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thúc đẩy xuất khẩu, tạo một môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Một bằng chứng cụ thể là xuất khẩu của khối các doanh nghiệp này liên tục có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với khối các doanh nghiệp trong nước.

Luật thuế xuất nhập khẩu (XNK) quy định việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu làm tài sản cố định của dự án đầu tư đã giúp cho các nhà đầu tư có điều kiện giảm bớt chi phí đầu tư, góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 mới được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2006) đã thống nhất các quy định về ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng tạo nên sự đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, là bước đi mới và rất cần thiết tạo động lực cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, góp phần cải thiện môi trường đầu tư.

Có thể thấy rằng việc quy định nghĩa vụ thuế và ưu đãi thuế TNDN, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu áp dụng thống nhất cho cả doanh nghiệp  trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vừa tạo ra sự bình đẳng về nghĩa vụ thuế cho tất cả các nhà đầu tư, vừa tạo dựng được môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và là một bước tiến quan trọng trong lộ trình hướng tới xây dựng một mặt bằng pháp lý chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Quy định vẫn thực hiện ổn định từ đó đến nay.

  1. Về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước: Trong giai đoạn 2011-2015, kinh tế Việt Nam có khó khăn, đặc biệt là tình trạng hàng tồn kho lớn, số lượng các doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng nhanh. Do đó Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khoá, trong đó các giải pháp về thuế đã góp phần quan trọng để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương, với VCCI, với Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) và các tổ chức quốc tế, các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp thu thập, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó đề xuất, xây dựng và triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, biện pháp hỗ trợ. Theo đó, nhiều giải pháp tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư đã được triển khai, thực hiện đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tế, trong đó tập trung đề xuất nhiều giải pháp hướng tới tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và doanh nghiệp vừa là những đối tượng dễ chịu tổn thương khi nền kinh tế khó khăn (như giảm thuế TNDN phải nộp cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và DNNVV; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN cho nhóm các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; miễn thuế TNCN; giảm tiền thuê đất phải nộp cho doanh nghiệp; miễn thuế môn bài đối với hộ đánh bắt hải sản, hộ sản xuất muối; lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện; gia hạn nộp tiền sử dụng đất cho dự án đầu tư có khó khăn về tài chính; hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường đã nộp từ ngày 01/01/2012 đến hết ngày 14/11/2012 đối với túi nylon làm bao bì đóng gói sẵn sản phẩm theo quy định tại Nghị định số 69/2012/NĐ-CP ngày 14/9/2012 của Chính phủ; giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi...).

Ngoài các giải pháp trên, Quốc hội cũng đã xem xét sửa đổi, bổ sung một số Luật về thuế, trong đó có những nội dung cải cách cơ bản vừa góp phần thực hiện mục tiêu ổn định ngân sách, vừa tạo môi trường khuyến khích đầu tư, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, cá nhân như:

- Về thuế TNCN: giai đoạn này, chính sách thuế TNCN được sửa đổi, bổ sung cũng từng bước tiến tới thực hiện tốt chức năng điều tiết để thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội. Cụ thể: (i) từ 01/7/2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN số 26/2012/QH12 đã sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc để phù hợp với thực tiễn của nước ta; (ii) Từ 01/01/2015 để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cải cách thủ tục hành chính, Luật số 71/2014/QH13 đã sửa đổi quy định về thuế khoán đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo hướng đơn giản để cá nhân có thể tự khai, tự nộp. Theo đó quy định cá nhân có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế TNCN; đồng thời quy định cụ thể việc thu thuế đối với cá nhân kinh doanh theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

- Về thuế TNDN: Từ năm 2013 để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh, Luật thuế TNDN đã được sửa đổi, bổ sung (Luật số 32/2013/QH13 có hiệu lực từ 01/01/2014, một số chính sách ưu đãi thuế có hiệu lực sớm ngay từ 01/7/2013), trong đó có nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút và khuyến khích đầu tư, như: (i) Giảm nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp bằng việc điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22% từ 01/01/2014, đồng thời quy định lộ trình áp dụng thuế suất 20% từ 01/01/2016, theo đó từ năm 2016 mức thuế suất phổ thông chỉ còn 20% - đây là mức thuế suất khá cạnh tranh so với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó còn bổ sung quy định các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20% từ 01/7/2013 nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; (ii) mở rộng diện ưu đãi thuế và điều chỉnh nâng mức độ miễn giảm, ưu đãi thuế; (iii) sửa đổi đối tượng ưu đãi căn cứ theo “dự án đầu tư” thay vì ưu đãi theo pháp nhân, qua đó diện ưu đãi thuế cũng sẽ được mở rộng khá nhiều.

Tiếp đó Luật số 71/2014/QH13 được ban hành một mặt để sửa đổi bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, mặt khác cũng bổ sung thêm các chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy đầu tư như bổ sung quy định ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ; bỏ quy định khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ...

Bên cạnh các chính sách ưu đãi thuế quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN như nêu trên, một số chính sách tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT cũng góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: quy định mức doanh thu để xác định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh không chịu thuế GTGT (doanh thu năm từ 100 triệu đồng trở xuống) và bổ sung cơ chế ngưỡng doanh thu nộp thuế theo phương pháp khấu trừ (doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm) đồng thời với việc sửa đổi phương pháp tính thuế. Việc sửa đổi này nhằm giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, nhất là đối với các đối tượng nộp thuế có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, thông qua việc giảm bớt thủ tục, hồ sơ kê khai, nộp thuế, góp phần đơn giản hóa công tác quản lý thuế. Đây cũng là phương thức được nhiều nước trên thế giới áp dụng để cải cách thuế GTGT. Bên cạnh đó, cũng quy định các giải pháp giảm thuế GTGT (áp dụng ngay từ 01/7/2013) nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà ở và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

- Về thuế tài nguyên: Để giải quyết các vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước (các nước cho rằng miễn thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp là một hình thức trợ cấp của Chính phủ), đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đồng thời đảm bảo ổn định đời sống người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi quy định “miễn thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp” thành quy định “không thu thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp”.

- Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: đã thực hiện điều chỉnh hàng năm các mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) theo đúng lộ trình cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kể từ khi gia nhập và nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế, trong đó có nghĩa vụ cắt giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo lộ trình. Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam đã được xây dựng và điều chỉnh hàng năm phù hợp với cam kết cắt giảm thuế quan trong WTO, từ mức thuế bình quân năm 2005 là 17,4% đến nay xuống còn 10,4%; đồng thời điều chỉnh kịp thời các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo sát với tình hình sản xuất trong nước, tình hình xuất, nhập khẩu và sự biến động của giá cả hàng hoá trên thế giới và trong nước.

Ngoài ra, các quy định về miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế nhập khẩu đã được quy định rõ ràng, minh bạch theo đúng định hướng phát triển lĩnh vực kinh tế, địa bàn sản xuất, kinh doanh của Đảng và Chính phủ, trong đó đã tập trung ưu đãi theo lĩnh vực hoặc địa bàn đầu tư; khuyến khích mở rộng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất và nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt tạo chuyển dịch kinh tế về các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, qua đó giảm bớt sự chênh lệch thu nhập trên cả nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động và từ đó thu hút được đầu tư, vốn để cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực kinh tế khó khăn. Bên cạnh việc thu hút đầu tư, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội thì thuế nhập khẩu cũng góp phần kiểm soát chặt chẽ hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của người dân.

Cùng với các chính sách khác, chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã tạo môi trường pháp lý cho việc quản lý và thúc đẩy sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu theo định hướng của Nhà nước, tăng cường hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt là quan hệ với các đối tác thương mại lớn như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngày 6/4/2016, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, với hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016. Luật có nhiều điểm mới đảm bảo tính đồng bộ, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật, đáp ứng các yêu cầu của quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, hội nhập quốc tế như hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với các hiệp định thương mại tự do (FTA); khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước.

Nhìn chung, các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đều nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế cải cách thuế của thế giới và bảo đảm lộ trình của Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020; đồng thời cũng đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thuế và việc hiện đại hoá công tác quản lý thuế. Ngoài ra, những vướng mắc trong thực hiện các luật thuế cũng đã được kịp thời xử lý, góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Ý kiến bạn đọc (0)