Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Đề xuất Thủ tướng về chính sách miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

Thứ sáu, 28-03-2018 | 08:22:00 AM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Đề xuất Thủ tướng về chính sách miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

Tình trạng: Đã phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Hội đồng Tư vấn du lịch

Công văn: 0477/PTM - VP, Ngày: 19/03/2018

Nội dung kiến nghị:

Hội đồng Tư vấn du lịch là một tổ chức liên kết các bên liên quan có uy tín trong ngành Du lịch Việt Nam. Vai trò của Hội đồng Tư vấn du lịch là hỗ trợ phát triển ngành Du lịch Việt Nam một cách bền vững về môi trường và giúp đạt được các mục tiêu phát triển du lịch của đất nước. Chúng tôi xin kính gửi tới Ngài và Văn phòng Chính phủ lời chào trân trọng nhất.

Trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã đạt được tiến bộ hết sức ấn tượng trong thực hiện một số sáng kiến nhằm thúc đẩy ngành du lịch – những chương trình đã góp phần đạt mức tăng trưởng đầy ý nghĩa với việc  chúng ta đón được 13 triệu lượt khách quốc tế và đang vững bước hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu cho năm 2020 và những năm tiếp theo.

Trong sự tăng trưởng hết sức mạnh mẽ của số lượt khách quốc tế thì số lượng khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm trên 50% tổng số khách quốc tế đến và thời gian lưu trú bình quân của hai đối tượng khách này là dưới 10 ngày với mức chi tiêu bình quân chưa tới 900 Đô la Mỹ một người. Trong khi đó, khách du lịch từ châu Âu lưu trú trung bình 15 ngày hoặc dài hơn và chi tiêu trực tiếp bình quân của mỗi du khách nằm trong khoảng từ 1.400 tới 1.600 Đô la Mỹ. Khách du lịch đường dài đến từ Bắc Mỹ, Úc và Niu Di-lân cũng có những đặc điểm tương tự như khách du lịch châu Âu – tức là, lưu trú lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Do có một số bất cập tiềm tàng trước mắt về mức tăng trưởng của ngành Du lịch xuất phát từ những hạn chế về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là công suất của sân bay và các hãng hàng không, cũng như nguồn nhân lực, chúng ta cần cố gắng thay đổi cơ cấu khách du lịch quốc tế đến để hướng tới những thị trường có khả năng chi trả cao hơn như 3 thị trường nói trên bên cạnh 5 quốc gia châu Âu đã được phép miễn thị thực trong năm 2016 và các quốc gia châu Âu còn lại. Nghị quyết 08-NQ/TW đã định rõ là đến năm 2020, ngành Du lịch sẽ phải đạt được mục tiêu đón khoảng 18,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế với giá trị xuất khẩu thông qua du lịch là 20 tỷ Đô la Mỹ. Có nghĩa rằng chúng ta cần từng bước tăng chi tiêu trực tiếp bình quân của khách du lịch từ 860 Đô la Mỹ (số liệu năm 2016) lên 1.080 Đô la Mỹ. Giải pháp đơn giản nhất để đạt được mục tiêu này là có một  chính sách hỗ trợ và cởi mở hướng tới khách du lịch từ những thị trường chi trả cao.

Do đó, Hội đồng tin rằng có luận cứ vững chắc cho việc gia hạn miễn thị thực cho công dân của 5 quốc gia châu Âu cũng như việc nâng thời hạn miễn thị thực lên tới 30 ngày thay vì 15 ngày, để tạo điều kiện thuận lợi cho cả khách du lịch công vụ và khách du lịch nói chung. Từ khi có chính sách miễn thị thực này, mức tăng trưởng trung bình hàng năm của lượt khách từ các quốc gia nói trên đã tăng hơn 20%. Để tạo điều kiện cho ngành Du lịch lập kế hoạch và xúc tiến thị trường tốt hơn, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị về việc gia hạn miễn thị thực này trong 5 năm và không phải xem xét lại hàng năm. Hơn nữa, chúng tôi nhận thấy không có lợi ích hay giá trị gì trong việc hạn chế khách du lịch quay trở lại Việt Nam trong vòng 30 ngày, và rào cản này nên được dỡ bỏ để khuyến khích khách du lịch đi bằng đường không lựa chọn Việt Nam như là một trung tâm trung chuyển trong chuyến bay đến châu Âu và Úc. Bên cạnh đó, điều này rõ ràng hỗ trợ thực hiện Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Chúng tôi tha thiết khuyến nghị rằng cần có một hệ thống thị thực quá cảnh tối đa là 72 giờ để khuyến khích khách dừng nghỉ tại TP. HCM hoặc Hà Nội và trải nghiệm Việt Nam đôi chút trong hành trình của họ. Trong nhiều trường hợp, điều này thường dẫn đến kết quả là khách du lịch sẽ trở lại du lịch lâu hơn. Đây là cơ hội tuyệt vời mà chúng ta cần nắm bắt vì những lợi ích trung hạn có thể sẽ rất đáng kể.

Trong khi việc áp dụng Thị thực điện tử (E-Visa) là một bước tiến quan trọng mà chúng tôi hoan nghênh, có một số vấn đề có thể được giải quyết một cách dễ dàng để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ này; (1) Cần nâng cấp trang web và tốc độ truy cập vì có nhiều trường hợp thời hạn phiên truy cập hết trong khi khách hàng đang cố gắng truy cập (2) Việc truy cập từ nhiều tên miền khác nhau gây ra sự mơ hồ, nhầm lẫn trong thị trường khách du lịch và tạo điều kiện cho các đại lý trục lợi từ sự nhầm lẫn này bằng cách thu thêm phụ phí dịch vụ. Tên miền “evisa.xuatnhapcanh.gov.vn” nên đổi thành “evisa.gov.vn” để tránh nhầm lẫn và làm rõ đây là dịch vụ của Chính phủ (3) Chúng tôi cũng khuyến nghị bổ sung thêm 4 quốc gia/ vùng lãnh thổ tham gia chương trình E-Visa, bao gồm Đài Loan, Hồng Kông, Thụy Sĩ và Bỉ.

Chúng tôi vẫn tin tưởng vững chắc rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đón 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2020 và về lâu dài có thể vượt qua Thái Lan với vị thế  là một điểm đến du lịch.

Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) khẳng định rằng Du lịch và Lữ hành là lực lượng phát triển kinh tế thông qua nhiều kênh đa dạng và hết sức mạnh mẽ. WTTC liên tục tuyên bố rằng việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực sẽ làm tăng thêm từ 8-10% số lượt khách đến và chúng ta đã nhìn thấy điều này trên thực tế khi chính sách miễn thị thực được áp dụng cho công dân của 5 nước châu Âu và số lượng khách du lịch của các quốc gia này đã tăng lên trung bình gần 20%. Đặc biệt:

  • Một ngành Du lịch và Lữ hành phát triển mạnh có thể nâng cao sự tiếp cận các thị trường quốc tế, tăng cường các mối quan hệ kinh doanh và gia tăng các cơ hội thương mại;
  • Sự kết nối tăng lên cùng với Du lịch và Lữ hành có thể thúc đẩy đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài và tăng cường sức hấp dẫn của một khu vực với vị thế như là một nơi để đặt trụ sở chính, một trung tâm phân phối hoặc sản xuất;
  • Đầu tư vào kết cấu hạ tầng công cộng và tư nhân, như xây dựng đường xá, cầu cống và năng lực vận tải hàng không mang lại nhiều lợi ích cho mọi ngành kinh tế cũng như cho các hộ gia đình;
  • Du lịch và Lữ hành hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua các mối liên kết liên ngành, các khoản tiền thu được và bảo tồn di sản văn hóa.

Hội đồng cho là hoàn toàn đúng khi nói  rằng Việt Nam đã có được những lợi ích nêu trên ở những mức độ nào đó, đặc biệt là kết quả của sự tăng trưởng mạnh mẽ của năm sau so với năm trước mà chúng ta đã thấy trong vòng 2 năm trở lại đây.

Chính sách thị thực nhập cảnh là một trong những chính sách của Chính phủ có tác động lớn nhất đến lưu lượng du lịch quốc tế. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và lưu lượng khách du lịch quốc tế, nhiều quốc gia đang từng bước mở rộng diện miễn thị thực để có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường. Điều này đặc biệt đúng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi mỗi quốc gia như Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin đều thực hiện miễn thị thực cho hơn 160 nước, mặc dù không phải tất cả các quốc gia đó đều thực hiện miễn thị thực song phương. In-đô-nê-xi-a chỉ được hưởng miễn thị thực từ 57 quốc gia và con số tương tự cho Phi-líp-pin là 61, tuy nhiên, cả hai nước này đều nhận ra lợi ích đáng kể của việc tạo thuận lợi cho việc cấp thị thực trong một thị trường có nhiều cạnh tranh. Thái Lan cũng chỉ được hưởng miễn thị thực từ 46 quốc gia trong khi nước này miễn thị thực cho 57 quốc gia.

Năm 2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công bố Việt Nam xếp hạng 116/136 quốc gia và đạt 17/100 điểm khi đo lường các yêu cầu về thị thực. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ hạng thấp nhất với chỉ 24 quốc gia được miễn thị thực (ngoại trừ Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma; tuy nhiên, các nước này đã phát triển hệ thống cấp thị thực tại cửa khẩu rất hiệu quả). Ngoài ra, trong khi khách du lịch thường được miễn thị thực trong vòng 30 ngày, thì Việt Nam chủ yếu miễn thị thực cho khách du lịch chỉ trong 15 ngày và không cho phép khách đã được miễn thị thực quay trở lại trong vòng 30 ngày.

Khi xem xét việc miễn thị thực nhập cảnh, điều hết sức quan trọng cần được lưu ý là chúng ta không chỉ đề cập tới khách du lịch, những người thường lên kế hoạch trước cho chuyến đi của họ, mặc dù những chuyến thăm ngắn ngày cũng hay được hoạch định một cách đột xuất như du lịch chơi golf chẳng hạn, mà chúng ta còn đang nói tới những người đi công tác, kinh doanh - những người thường được yêu cầu phải thực hiện chuyến đi trong khoảng thời gian rất gấp, vì vậy ai đó có thể lập luận rằng chỉ mất ba ngày để có một thị thực điện tử, nhưng trong một số trường hợp thì 2 ngày cũng là quá lâu.

Việt Nam có thể được hưởng lợi đáng kể từ việc mở rộng diện miễn thị thực tới các nước phương Tây phát triển như Ca-na-đa, Úc, Niu Di-lân, Thụy Sĩ, Hà Lan và Bỉ. WTTC ước tính rằng việc tạo thuận lợi cho cấp thị thực sẽ tăng số lượt khách tới thăm từ 5 tới 25% (như đã chứng minh bằng mức tăng trưởng lượng khách từ 5 quốc gia châu Âu được miễn thị thực). Bảng mô tả trong Phụ lục 1 cho thấy khá rõ rằng doanh thu trực tiếp tăng thêm 101 triệu Đô la Mỹ - cao hơn rất nhiều so với số tiền phí thị thực thất thu là 17 triệu Đô la Mỹ. Điều đáng lưu ý là nền kinh tế có thể hưởng lợi gấp ba lần từ doanh thu trực tiếp từ du lịch vì thế nước ta sẽ có lợi hơn nhiều với chính sách miễn thị thực này. 

Tất nhiên là có lập luận cho rằng công cụ thị thực điện tử sẽ làm cho việc cấp thị thực điện tử cho mọi đối tượng dễ dàng hơn và vì thế sẽ giảm bớt nhu cầu xin miễn thị thực. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, đây là cách tiếp cận thiển cận và chỉ làm lợi cho những người có lợi ích riêng trong việc giảm thiểu số lượng các quốc gia được miễn thị thực. Có nhiều bằng chứng thực tế được WTTC xác nhận cho thấy là thị thực, thậm chí cả thị thực điện tử, làm giảm số lượng khách du lịch tiềm năng vì nhiều lý do khác nhau.

Về khách du lịch thông thường, ngày càng có nhiều khách du lịch đi lẻ từ các quốc gia có mức chi tiêu cao hơn nhờ sự phát triển của internet, các hãng hàng không giá rẻ, các giải pháp của mô hình kinh tế chia sẻ và điện thoại thông minh, khách du lịch thường tự đặt chỗ trực tuyến cho các chuyến đi của họ hơn là thông qua các đại lý du lịch. Họ cũng thích đặt chỗ ngay tức thì và có nhiều khả năng chọn điểm đến với chi phí phải chăng và không đòi hỏi thị thực nhập cảnh.

Đối với doanh nhân, quả là “nhiêu khê” nếu phải xin thị thực, ngay cả là trực tuyến, khi họ có thể đang trong một chuyến công tác và quyết định hoặc được yêu cầu phải bổ sung Việt Nam vào hành trình của họ và trong một số trường hợp, họ chỉ biết về yêu cầu phải có thị thực nhập cảnh khi họ cố gắng lên một chuyến bay tới Việt Nam và bị từ chối khi làm thủ tục lên máy bay.

Đối với khách du lịch, đặc biệt là các gia đình, việc đăng ký thị thực trực tuyến vừa mất thời gian vừa tốn kém vì phí làm thị thực cho một gia đình 4 người tương đương với chi phí cho một hoặc hai đêm lưu trú thêm ở các điểm đến như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia hoặc Lào.

Nếu điều này chưa phải là trở ngại đối với khách du lịch đến Việt Nam lần đầu thì chắc chắn nó không khuyến khích khách quay trở lại. Họ có thể sẽ chọn việc quay trở lại hoặc tham quan các điểm đến khác được miễn thị thực.

Với sự quan ngại ngày càng tăng về an ninh dữ liệu, nhiều khách du lịch tiềm năng, nhất là các thế hệ lớn tuổi – những người ngày nay đi du lịch nhiều hơn và có thu nhập sau thuế cao hơn, mối quan tâm về an ninh dữ liệu và thẻ tín dụng có thể khuyến khích họ đến các quốc gia cấp thị thực tại cửa khẩu hoặc miễn thị thực.

Hội đồng tư vấn du lịch tin tưởng Việt Nam đang đi đúng hướng với các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của chúng ta. Về vấn đề thị thực, chúng tôi tin chắc rằng cần cải thiện chính sách miễn thị thực cùng với thị thực điện tử và cấp thị thực tại cửa khẩu và KHÔNG thay thế chính sách miễn thị thực với các hình thức khác. Chúng tôi tin rằng đề xuất của chúng tôi là chính đáng và hợp lý và không ảnh hưởng xấu tới an ninh của Việt Nam. Mặc dù doanh thu từ lệ phí thị thực bị giảm nhưng đảm bảo là những khuyến nghị của chúng tôi sẽ làm tăng tổng doanh thu chi tiêu trong nước tới mức lớn hơn rất nhiều so với khoản thất thu từ phí thị thực như có thể thấy từ kết quả của việc miễn thị thực cho 5 quốc gia châu Âu. Điều này sẽ mang lại sự tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm và thịnh vượng cho các cộng đồng của chúng ta.


Đơn vị phản hồi: Bộ Ngoại Giao

Công văn: 1458/LS - PL, Ngày: 04/05/2018

Nội dung trả lời:

-Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, giải quyết (công văn số 2790/VPCP-QHQT ngày 27/3/2018 của Văn phòng Chính phủ - kèm theo) nội dung vê “kiến nghị của Hội đồng Tư vẩn du lịch liên quan đên chinh sách miễn thị thực cho du khách quốc tế đến Việt Nam” (nêu tại mục 4 Phụ lục 1 công văn số 047/PTM-VP).

- Tại Nghị quyết số 19-2018/NQQ - CP năm 2018 đã tiếp thu nội dung kiến nghị của Hội đồng tư vấn du lịch và quy định trong nội dung của nghị quyết về danh sách thị thực cho khách du lịch một số nước.

Ý kiến bạn đọc (0)