VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Tuesday, 24/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủLegal feedbackVCCI_Góp ý Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi)

VCCI_Góp ý Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi)

04:38:00 PM GMT+7Thursday, 17/10/2024

Kính gửi: Tòa án nhân dân tối cao

Trả lời Công văn số 132/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao về việc đề nghị góp ý Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

Về cơ bản, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi) đã đề xuất các Chính sách khá hợp lý, xuất phát từ những vướng mắc của thực tiễn và hướng tới xây dựng quy trình giải quyết phá sản ngày càng nhanh chóng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để các Chính sách đề xuất có tính khả thi và rõ ràng hơn, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

  1. Về Chính sách 1: Xây dựng và hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã

Dự thảo đề xuất xây dựng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh theo hướng độc lập với thủ tục phá sản. Doanh nghiệp, hợp tác xã có nguy cơ mất khả năng thanh toán và chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi nhằm cứu doanh nghiệp, hợp tác xã và bảo toàn tiền, tài sản của mình.

Đây là chính sách thay đổi lớn so với quy định hiện hành. Mục tiêu của quy định “khuyến khích, ưu tiên áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh từ sớm, khi doanh nghiệp, hợp tác xã có nguy cơ mất khả năng thanh toán để thoát khỏi tình trạng khó khăn, khôi phục hoạt động kinh doanh” là hoàn toàn phù hợp và có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được phục hồi, giảm nguy cơ phá sản.

Tuy vậy, để chính sách này có tính khả thi, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn các vấn đề sau:

– Căn cứ để yêu cầu mở thủ tục phục hồi doanh nghiệp là gì? Đây chính là cơ sở để doanh nghiệp hoặc chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi, cũng như Tòa án xem xét thụ lý đơn. Cần thiết kế quy định này hợp lý để tránh tình trạng thủ tục phá sản bị kéo dài, bởi sau khi xem xét theo thủ tục phục hồi doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện phục hồi thì Tòa án sẽ chuyển vụ việc sang thủ tục phá sản. Như vậy, quy trình phá sản của doanh nghiệp sẽ bị kéo dài vì phải trải qua một bước thủ tục phục hồi trước đó. Điều này sẽ cản trở doanh nghiệp lựa chọn phương thức này để rút lui khỏi thị trường.

– Các chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp: Dự thảo đưa ra một số chính sách đặc thù như “cung cấp danh sách các tổ chức nghề nghiệp có chức năng, khả năng hỗ trợ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, hợp tác xã; danh sách các chuyên gia kinh tế có kiến thức, kinh nghiệm có thể hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong quá trình tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh …”. Việc cung cấp danh sách chuyên gia hay tổ chức để hỗ trợ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp có thể thực hiện theo quy định của pháp luật phá sản hiện hành ở quy trình phục hồi doanh nghiệp (vấn đề là doanh nghiệp hoặc chủ nợ có sử dụng các chuyên gia/tổ chức này hay không). Vì vậy, vẫn chưa nhìn thấy điểm đặc thù của chính sách này hơn so với quy định hiện hành.

Tóm lại, đây là một chính sách mới, tuy nhiên các nội dung tại Dự thảo vẫn chưa đủ rõ ràng để có thể đánh giá tính khả thi của chính sách này. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các nội dung để làm rõ hơn về thủ tục phục hồi doanh nghiệp.

  1. Về Chính sách 2: Xây dựng thủ tục phục hồi giản lược, thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, hợp tác xã

Dự thảo đề xuất xây dựng thủ tục phục hồi giản lược, thủ tục phá sản giản lược để tạo cơ chế giải quyết nhanh chóng, hiệu quả thủ tục phục hồi hoặc thủ tục phá sản. Chính sách sách này là hợp lý, nhằm giải quyết nhanh chóng thủ tục phục hồi, phá sản và tạo động lực, thu hút doanh nghiệp lựa chọn thủ tục này khi muốn rút lui khỏi thị trường.

Trong chính sách này, Dự thảo đề xuất giảm thời gian tiến hành các thủ tục phục hồi, thủ tục phá sản giản lược so với thủ tục chung, trong đó “không chỉ định Quản tài viên trừ một số trường hợp nhất định”. Trong thủ tục phá sản, Quản tài viên đóng vai trò rất quan trọng (thống kê tài sản, chủ nợ, giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, là người đại diện của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật, bán tài sản của doanh nghiệp …), không rõ trong trường hợp không chỉ định Quản tài viên, thì chủ thể nào sẽ thực hiện các công việc mà Quản tài viên thực hiện ở thủ tục giản lược? Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung rõ hơn về đề xuất này để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của chính sách. 

Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với đề nghị góp ý Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi). Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Publications

Publications, in-depth reports

Legal document

Link

Internal websites of VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global