Tuesday, 24/12/2024 | English | Vietnamese
09:17:00 AM GMT+7Tuesday, 17/09/2024
Kính gửi: Bộ Tài chính
Trả lời Công văn của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:
Dự thảo đã sửa đổi Điều 5.2.d của Nghị định 132 nhằm loại trừ các giao dịch vay vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp ra khỏi phạm vi “giao dịch liên kết” trong trường hợp hai bên không có mối quan hệ điều hành, kiểm soát hoặc góp vốn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ không bị khống chế chi phí lãi vay tại 30% EBITDA theo Điều 16.3.a và được khấu trừ toàn bộ chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập. Quy định này đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong thời gian qua, phù hợp với thực tế hoạt động vay vốn ngân hàng của nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu quy định này được thông qua và được áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 thì chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của nền kinh tế. Trong hai năm 2022 và 2023, do biến động kinh tế vĩ mô, lãi suất trên thị trường tín dụng tăng mạnh, khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp vượt mức 30% EBITDA. Thực tiễn này, cộng với quy định tại Điều 5.2.d của Nghị định 132 đã khiến nhiều doanh nghiệp bị loại chi phí lãi vay vượt ngưỡng, dù họ không hề có biểu hiện chuyển giá do lãi suất khoản vay ngang với mặt bằng chung của thị trường. Năm 2024, khi mặt bằng lãi suất trên thị trường trở về bình thường, những vướng mắc của doanh nghiệp do sự bất hợp lý của Điều 5.2.d đã giảm rất nhiều.
Trong khuyến nghị của mình, OECD cũng thừa nhận rằng cố định một mức khống chế không phản ánh chính xác sự thay đổi của lãi suất theo thời gian, và đề xuất nên có cơ chế linh hoạt tăng – giảm mức trần chi phí lãi vay trong tình huống lãi suất tăng mạnh bất thường, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp địa phương.[1] Đối với Việt Nam, nếu giữ nguyên mức trần chi phí lãi vay trong các kỳ tính thuế 2022 và 2023 không đảm bảo tính công bằng, phù hợp với nguyên tắc linh hoạt phản ánh theo mức lãi suất thị trường trong tình huống bất thường theo khuyến nghị của OECD. Đồng thời, các doanh nghiệp phải chịu nghĩa vụ thuế bất hợp lý như trên đã phân tích.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cho phép áp dụng nội dung sửa đổi Điều 5.2.d hồi tố cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp 2022 và 2023. Theo đó, nếu doanh nghiệp đã bị loại bỏ chi phí hợp lý của khoản vay vượt ngưỡng thì sẽ được giảm trừ nghĩa vụ thuế vào các năm tiếp theo. Việc áp dụng hồi tố này không trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do không làm tăng nặng trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp.
Hiện tại, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 132 giữ nguyên quy định giới hạn chi phí lãi vay 30% EBITDA tại khoản Điều 16.3.a của Nghị định 132 trước đó. Như vậy, trong trường hợp hai doanh nghiệp liên kết nội địa, không có chênh lệch thuế suất làm ăn với nhau thì giao dịch cho vay lại bị giới hạn chi phí lãi vay. Quy định này không hợp lý vì giữa hai doanh nghiệp nội địa không có chênh lệch thuế suất thì không có nhiều động cơ để chuyển giá.
Thứ nhất, không có cam kết quốc tế nào buộc Việt Nam phải áp dụng bình đẳng mức khống chế chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nội địa và giao dịch liên kết quốc tế. Đây là một hiểu nhầm thường thấy trong các cuộc thảo luận về giao dịch liên kết tại Việt Nam.
Các Hiệp định song phương về tránh đánh thuế hai lần của Việt Nam ký kết với các quốc gia khác có điều khoản về “chống phân biệt đối xử”. Điều khoản này được lấy theo Điều 24.1 (Chương 6) tại OECD Model Tax Convention, nhấn mạnh vào đối xử bình đẳng trong chế độ thuế đối với doanh nghiệp thuộc mọi quốc tịch/nơi cư trú[2]. Tuy nhiên, trong Báo cáo diễn giải chính thức của OECD nhằm hướng dẫn áp dụng các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTAAs), OCED cho rằng các quốc gia của bên vay có thể áp dụng các quy định nội địa về vốn mỏng tuỳ ý muốn mà không vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử doanh nghiệp khi xác định và khấu trừ lợi nhuận chịu thuế tại Điều 24.4, miễn là giao dịch này bảo đảm nguyên tắc giao dịch độc lập (arm’s lenght principle) tại Điều 9.1 hoặc Điều 11.6 của Công ước Thuế mẫu của OECD (OECD Model Tax Convention)[3]. Tức là một quốc gia có thể chỉ áp dụng trần chi phí lãi vay cho các đối tượng có giao dịch liên kết quốc tế, mà không áp dụng cho giao dịch liên kết trong nước, miễn là với mục đích, nguyên tắc chứng minh giao dịch giao dịch độc lập[4].
Trong khuyến nghị Hành động 4 của BEPS về giới hạn khấu trừ lãi vay, OECD cũng không viện dẫn cam kết quốc tế “chống phân biệt đối xử” trong các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTAAs) như một nghĩa vụ bắt buộc các nước phải bình đẳng trong áp dụng khống chế chi phí lãi vay. Tại Mục 49, Chương 5, báo cáo về Hành động 4 của BEPS – Giới hạn đề xuất về khấu trừ lãi vay, việc khống chế chi phí lãi vay đối với nhóm doanh nghiệp đa quốc gia là phù hợp. Còn đối với các doanh nghiệp trong cùng một nhóm nội địa thì sẽ do các quốc gia chủ động lựa chọn có áp dụng hay không (a country may choose to apply)[5].
Nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia khác, VCCI nhận thấy không ít quốc gia chỉ áp dụng quy định trần chi phí lãi vay cho nhóm doanh nghiệp đa quốc gia mà không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa. Ví dụ, tại Úc, một thành viên OECD, chỉ bắt buộc trần chi phí lãi vay 30% cho 3 đối tượng thường có giao dịch liên kết quốc tế, bao gồm: doanh nghiệp Úc kiểm soát một doanh nghiệp nước ngoài hoặc tiến hành kinh doanh tại hoặc thông qua một cơ sở thường trú ở nước ngoài; doanh nghiệp Úc được kiểm soát bởi một hoặc nhiều doanh nghiệp nước ngoài; hoặc doanh nghiệp nước ngoài.[6] Tương tự, Ấn Độ, tuy không phải là nước thành viên OECD nhưng sở hữu xấp xỉ 100 DTAAs, cũng chỉ giới hạn mức khấu trừ lãi suất ở mức 30% EBITDA đối với bên cho vay có chủ nợ là doanh nghiệp liên kết nước ngoài[7].
Nhìn chung, điểm mấu chốt trong chính sách của rất nhiều nước là chỉ nhắm tới chống chuyển giá đối với giao dịch liên kết quốc tế do đây là giao dịch có rủi ro chuyển giá cao. Điều này không có nghĩa là phân biệt quốc tịch/nơi cư trú doanh nghiệp, mà sẽ phân biệt dựa trên tính chất và nguy cơ của giao dịch liên kết. Ví dụ, giao dịch liên kết quốc tế có thể bao gồm cả doanh nghiệp nội địa có khoản cho vay/đầu tư nước ngoài, theo đó, doanh nghiệp nội địa cũng sẽ bị áp trần chi phí lãi vay.
Thứ hai, một trong những mục đích của việc bị giới hạn chi phí vốn vay tại Điều 16.3 đối với cả giao dịch thuần tuý nội địa, không chênh lệch thuế suất được suy đoán là nhằm chống lại tình trạng “vốn mỏng” của các doanh nghiệp. Hạn chế vốn mỏng giúp bảo đảm an ninh an toàn tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp lớn vay nợ quá nhiều, không bảo đảm các tỷ lệ an toàn và dễ dẫn đến mất thanh khoản khi có biến động ngoài kỳ vọng. Tuy nhiên, sử dụng công cụ quản lý thuế cho mục tiêu chính sách này chưa thực sự phù hợp trong bối cảnh của Việt Nam.
Việc chống “vốn mỏng”, bảo đảm an ninh an toàn tài chính của các ngân hàng và doanh nghiệp lớn nên được thực hiện theo các quy định pháp luật quản lý thị trường tín dụng. Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã có nhiều quy định để khắc phục tình trạng vốn mỏng của doanh nghiệp mà vẫn giúp thị trường tín dụng phát triển lành mạnh. Điển hình như Điều 136 của Luật này đã giảm tỷ lệ cấp tín dụng tập trung của một ngân hàng cho một khách hàng (nhóm khách hàng liên kết). Thêm vào đó, Điều 153 của Luật này đặt ra cơ chế giám sát để bảo đảm các hợp đồng trong giao dịch liên kết cũng phải bảo đảm nguyên tắc độc lập, bình đẳng.
Việc giới hạn chi phí lãi vay bằng một con số cố định (30% EBITDA) sẽ làm méo mó thị trường tín dụng. Ví dụ, trong trường hợp hai bên vay nợ theo đúng lãi suất bình quân của thị trường, giao dịch phù hợp với nguyên tắc arm’s lenght, không hề có biểu hiện gian đối về lãi suất để chuyển giá, nhưng vẫn bị giới hạn bởi mức 30%.
Trên thực tế, chi phí lãi vay cao là đặc điểm tự nhiên thường thấy trong các khoản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và hạ tầng. Do đây là hai nhóm ngành có mức đòn bẩy tài chính cao hơn trung bình, một hình thức tài trợ phổ biến trong các tập đoàn kinh tế là để doanh nghiệp mẹ cho vay doanh nghiệp con hoặc bảo lãnh khoản vay cho doanh nghiệp con nhằm đảm bảo dòng vốn cho các dự án lớn mà doanh nghiệp con đang thực hiện. Nếu cứng nhắc áp dụng một mức khống chế chi phí lãi vay, sẽ vô tình tạo ra rào cản đối với các tập đoàn, tổng công ty nội địa trong việc huy động vốn nội bộ để triển khai các dự án có quy mô vốn lớn, thời gian hoàn vốn dài hạn. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ cạnh tranh của các mô hình kinh tế tập đoàn trong phát triển sản xuất và xây dựng hạ tầng – hai lĩnh vực trọng yếu đối với tiến trình công nghiệp hoá của bất cứ quốc gia nào, trong khi đó, không chắc chắn đây là một gánh nặng cần thiết để cải thiện tình trạng “vốn mỏng” bên cạnh những quy định hiện hành về kiểm soát tín dụng.
Theo như phân tích, một số lợi ích của quy định như tuân thủ cam kết quốc tế, chống “vốn mỏng” chưa được chứng minh rõ ràng, nhưng tác hại tới đầu tư sản xuất và hạ tầng là không nhỏ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc miễn trừ giới hạn chi phí lãi vay đối với các giao dịch liên kết thuần túy nội địa, không có sự chênh lệch về thuế suất.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] https://www.oecd.org/en/publications/limiting-base-erosion-involving-interest-deductions-and-other-financial-payments-action-4-2016-update_9789264268333-en.html, điều 112-114, trang 58
[2] “Công dân của một Nước ký kết sẽ không phải chịu tại Nước ký kết kia bất kỳ chế độ thuế nào hoặc yêu cầu bất kỳ liên quan đến chế độ thuế đó, hoặc yêu cầu đó khác với hoặc nặng hơn chế độ thuế và các yêu cầu liên quan hiện đang hoặc có thể áp dụng đối với công dân của Nước ký kết kia trong cùng những hoàn cảnh như nhau”.
[3] https://www.oecd.org/en/publications/model-tax-convention-on-income-and-on-capital-2017-full-version_g2g972ee-en.html, điều 74, Chương bình luận về Điều 24 liên quan đến nguyên tắc không phân biệt đối xử
[4] Khoản 6, Điều 11: “Khi do có mối quan hệ đặc biệt giữa người trả tiền và chủ sở hữu hưởng lợi (hoặc giữa cả hai và một bên khác), số tiền lãi liên quan đến khoản nợ mà lãi được trả vượt quá số tiền mà hai bên có thể đã thỏa thuận nếu không có mối quan hệ này, thì các quy định của Điều này chỉ áp dụng cho số tiền lãi đã được đề cập. Trong trường hợp này, phần vượt quá sẽ vẫn bị đánh thuế theo luật của mỗi quốc gia ký kết, có tính đến các quy định khác của Công ước này.”
Khoản 1, Điều 9: “Khi: a) một doanh nghiệp của một Quốc gia Ký kết tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quản lý, kiểm soát hoặc vốn của một doanh nghiệp thuộc Quốc gia Ký kết khác, hoặc b) cùng một nhóm người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quản lý, kiểm soát hoặc vốn của một doanh nghiệp thuộc Quốc gia Ký kết và một doanh nghiệp thuộc Quốc gia Ký kết khác, và trong cả hai trường hợp, các điều kiện được thiết lập hoặc áp đặt giữa hai doanh nghiệp trong mối quan hệ thương mại hoặc tài chính khác với những điều kiện sẽ được thiết lập giữa các doanh nghiệp độc lập, thì bất kỳ khoản lợi nhuận nào lẽ ra đã phát sinh cho một trong hai doanh nghiệp nếu không có các điều kiện đó, nhưng do các điều kiện đó mà không phát sinh, có thể được bao gồm vào lợi nhuận của doanh nghiệp đó và bị đánh thuế theo quy định.”
[5] https://www.oecd.org/en/publications/limiting-base-erosion-involving-interest-deductions-and-other-financial-payments-action-4-2016-update_9789264268333-en.html, điều 49, trang 38
[6] https://www.ato.gov.au/businesses-and-organisations/corporate-tax-measures-and-assurance/thin-capitalisation/understanding-thin-capitalisation/thin-capitalisation-rules
[7] Điều 94B của Đạo luật Thuế Thu nhập, 1961
03:35:00 PM GMT+7Monday, 23/12/2024
04:46:00 PM GMT+7Wednesday, 30/10/2024
04:45:00 PM GMT+7Wednesday, 23/10/2024
Publications, in-depth reports
Internal websites of VCCI
Short link
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global