VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Tuesday, 05/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủLegal feedbackVCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng

VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng

11:17:00 AM GMT+7Tuesday, 01/10/2024

Kính gửi: Bộ Xây dựng

Trả lời Công văn số 5089/BXD-VLXD của Bộ Xây dựng về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Rà soát danh mục hàng hoá nhóm 2 và một số chỉ tiêu trong QCVN 16:2023/BXD

Một số doanh nghiệp phản ánh danh mục hàng hoá nhóm 2 và các chỉ tiêu tại QCVN 16:2023/BXD hiện chưa phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, gây khó khăn, tốn kém cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá quy định “Sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (sau đây gọi là sản phẩm, hàng hoá nhóm 2) là sản phẩm, hàng hoá trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường”. Luật Quy chuẩn và Tiêu chuẩn kỹ thuật quy định: “Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.” Như vậy, việc đưa một hàng hoá và danh mục hàng hoá nhóm 2 và đưa chỉ tiêu kỹ thuật vào QCVN phải dựa trên cơ sở mức độ rủi ro mất an toàn của hàng hoá đó.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, một số mặt hàng trong danh mục hàng hoá nhóm 2 về vật liệu xây dựng và một số chỉ tiêu kỹ thuật trong QCVN 16:2023/BXD chưa thoả mãn các quy định trên, cụ thể như sau:

  • Đối với mặt hàng gạch ốp lát, đá ốp lát

Trong một số tình huống cụ thể, gạch ốp lát, đá ốp lát cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng. Tuy nhiên, các trường hợp này không phổ biến, tương đối hiếm gặp, mức độ ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng cũng không lớn. Do đó, một số doanh nghiệp cho rằng việc đưa mặt hàng này vào diện hàng hoá nhóm 2 dẫn đến chi phí thử nghiệm, chứng nhận vượt quá lợi ích xã hội thu được.

  • Đối với mặt hàng vật liệu trang trí và hoàn thiện (như giấy dán tường, sơn tường, tấm thạch cao, ván gỗ)

Đây là các mặt hàng chỉ sử dụng để trang trí, hoàn thiện, mà không ảnh hưởng đến kết cấu, độ bền công trình xây dựng. Các chỉ tiêu như thôi nhiễm kim loại nặng, hoá chất độc hại, formaldehyt là rất cần thiết để bảo vệ sức khoẻ người sử dụng công trình. Tuy nhiên, các chỉ tiêu khác về độ bền, độ giãn nở có thể cân nhắc bỏ khỏi QCVN 16 do vấn đề này có nguy cơ mất an toàn không cao.

Lưu ý, việc loại bỏ mặt hàng hay chỉ tiêu ra khỏi QCVN 16 không đồng nghĩa với việc hàng hoá kém chất lượng sẽ tràn làn. Đây là việc trao quyền cho người mua và người bán tự quyết định cân đối giữa các yếu tố về chất lượng (cao cấp hay bình dân) với giá cả và các yếu tố khác phù hợp hơn khi mua bán hàng hoá. Điều này theo đúng nguyên tắc pháp lý, Nhà nước tôn trọng sự tự do thoả thuận của các bên khi sự thoả thuận này không ảnh hưởng đến lợi ích công cộng hay sự an toàn.

Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát danh mục hàng hoá và các chỉ tiêu trong Quy chuẩn 16 để bỏ những nội dung không đáp ứng các quy định trên của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

  1. Về việc bổ sung thêm một số loại hàng hoá vào danh mục hàng hoá nhóm 2

Dự thảo đề nghị bổ sung một số mặt hàng vào danh mục hàng hoá nhóm 2 gồm kính gương tráng bạc, gạch gốm ốp lát ép bán khô không tráng men, gạch gốm ốp lát ép bán khô đã tráng men, sản phẩm bê tông bọt và bê tông khí không chưng áp. Do chưa có Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng nên các mặt hàng này sẽ áp dụng TCVN đã có sẵn cho đến khi ban hành Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (Điều 13.4 của Dự thảo).

Việc bổ sung mặt hàng vào danh mục hàng hoá nhóm 2 cần được thực hiện hết sức thận trọng do việc này tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu không được chuẩn bị kỹ, chính sách này có thể phát sinh nhiều vướng mắc và gây tác động tiêu cực như doanh nghiệp phải ngừng sản xuất kinh doanh, thiếu hụt nguồn cung hàng hoá, giá cả tăng, ách tắc hoặc chi phí cao do độc quyền trong khâu đánh giá sự phù hợp. Bên cạnh đó, các vấn đề về lộ trình áp dụng, thời hạn chuyển tiếp cũng chưa được nghiên cứu tại dự thảo.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo chưa bổ sung thêm mặt hàng vào danh mục hàng hoá nhóm 2 trong lần sửa đổi này. Điều này, nếu cần thiết, sẽ được thực hiện sau khi có nghiên cứu đánh giá đầy đủ hơn về tác động của chính sách mới trong các lần sửa đổi sau.

  1. Phân loại các hàng hoá nhóm 2 theo quản lý rủi ro

Hiện nay, việc quản lý hàng hoá nhóm 2 tại các bộ ngành khác đã có sự phân loại theo quản lý rủi ro. Theo đó, dù cùng là hàng hoá nhóm 2, nhưng một số mặt hàng có mức độ rủi ro thấp sẽ được áp dụng các biện pháp quản lý đơn giản hơn. Cụ thể, những mặt hàng rủi ro thấp được áp dụng chế độ kiểm tra chất lượng sau thông quan, được giảm tần suất kiểm tra nếu có lịch sử tuân thủ tốt. Thêm vào đó, một số mặt hàng rủi ro thấp đã được chuyển sang cơ chế doanh nghiệp tự công bố hợp quy mà không phải làm thủ tục đăng ký bản công bố hợp quy (như nhiều mặt hàng thực phẩm thông thường tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP). Đây là phương pháp quản lý tiên tiến, hiện đại, vừa giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm kiểm soát độ an toàn tương ứng với rủi ro có thể xảy ra. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các biện pháp quản lý đơn giản hơn đối với một số loại mặt hàng vật liệu xây dựng có rủi ro thấp ví dụ như một số loại vật liệu sử dụng làm vách ngăn, ốp lát, trang trí, thiết bị vệ sinh…

  1. Lộ trình áp dụng và quy định chuyển tiếp

Dự thảo hiện chưa có quy định về lộ trình áp dụng và quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp đã được chứng nhận hợp quy, đã được chỉ định hoặc đăng ký tổ chức chứng nhận hợp quy và tổ chức thử nghiệm. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về lộ trình áp dụng và quy định chuyển tiếp để bảo đảm các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, không phải phản ứng đột ngột, giật cục, gây chi phí xã hội không đáng có.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Publications

Publications, in-depth reports

Legal document

Link

Internal websites of VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global