Tuesday, 24/12/2024 | English | Vietnamese
11:07:00 AM GMT+7Thursday, 01/08/2024
Kính gửi: Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 2122/BTC-TTTN của Bộ Công Thương về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:
Dự thảo đưa ra cơ chế mới để quản lý giá bán xăng dầu, theo đó, doanh nghiệp được quyết định giá xăng dầu nhưng không cao hơn mức trần tại Điều 34. Giá trần tại Điều 34 được tính nguyên tắc chi phí cộng tới, gồm chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và thuế. Như vậy, theo cơ chế được đề xuất, cơ quan nhà nước sẽ công bố các chi phí thành phần, rồi doanh nghiệp tự tính ra giá trần, thay vì như hiện nay là cơ quan nhà nước công bố giá trần.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức, chứ không thay đổi về bản chất việc quản lý giá xăng dầu. Công thức tính giá và các chi phí thành phần cũng không có sự thay đổi đáng kể so với hiện hành. Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành toàn bộ của việc cung ứng xăng dầu. Vì thế đại đa số doanh nghiệp vẫn sẽ phải bán theo giá trần, chứ khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp khác. Như vậy, cơ chế mới này không có khác biệt trên thực tế so với hiện hành.
Dự thảo bổ sung quy định doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục kê khai giá bán xăng dầu với cơ quan nhà nước. Theo phân tích trên, trong trường hợp đại đa số các doanh nghiệp bán xăng dầu với giá trần, thủ tục kê khai giá này không mang lại ý nghĩa quản lý. Nhiều doanh nghiệp lo ngại cơ chế này sẽ tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Mỗi doanh nghiệp sẽ phải kê khai giá từng tuần khi cơ quan nhà nước công bố chi phí tạo nguồn mới, dẫn đến số lượt làm thủ tục rất lớn.
Với các phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc hai phương án sau:
Dự thảo quy định các hợp đồng thuê cảng, kho xăng dầu phải có thời hạn tối thiểu 05 năm là một trong những điều kiện kinh doanh xăng dầu. Việc quy định thời hạn của hợp đồng này không có nhiều ý nghĩa trên thực tế, vì các bên hoàn toàn có thể điều chỉnh hợp đồng sau khi được cấp phép. Nhiều lĩnh vực khác khi quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, pháp luật yêu cầu doanh nghiệp phải có quyền sử dụng cơ sở vật chất và phải duy trì quyền sử dụng đó trong suốt thời gian kinh doanh. Đây là cách tiếp cận hợp lý, bảo đảm doanh nghiệp luôn có đủ năng lực để thực hiện các hoạt động kinh doanh an toàn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng:
Điều 30 của Dự thảo quy định hàng năm, Bộ Công Thương giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho thương nhân đầu mối trên cơ sở dự báo nhu cầu và đăng ký của thương nhân đầu mối. Tổng nguồn tối thiểu của mỗi thương nhân đầu mối không thấp hơn 100.000 m3/năm. Tuy nhiên, Dự thảo chưa làm rõ cơ sở tính toán để phân bổ tổng nguồn này cho các doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn đến sự tuỳ tiện, cơ chế xin cho trong quá trình áp dụng. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cụ thể hơn tiêu chí để tính toán khi phân bổ tổng nguồn tối thiểu cho các doanh nghiệp.
Điều 17 của Dự thảo quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu, trong đó không cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau. Lý giải cho điều này, cơ quan soạn thảo cho rằng nếu cho phép thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau sẽ dẫn đến mua bán lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá xăng dầu lên cao. Lập luận này không có cơ sở và đi ngược lại quy luật thị trường. Các bên trên thị trường bán buôn xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn. Giả sử có một nguồn hàng giá rẻ, nhưng do bị mua bán qua nhiều trung gian khiến giá bán tăng lên, thì người mua sẽ tìm đến tận gốc nguồn hàng để có thể mua rẻ hơn. Thương nhân phân phối nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và phân phối khác có giá rẻ hơn.
Trước đây, Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định hệ thống phân phối 1:1, tức là thương nhân bán lẻ buộc phải phụ thuộc vào thương nhân phân phối. Trong trường hợp đó, nếu thương nhân phân phối tăng giá bán, thương nhân bán lẻ không thể đổi sang nhà cung cấp khác, nên buộc phải chịu giá cao. Tuy nhiên, từ Nghị định 80/2023/NĐ-CP đã cho phép thương nhân bán lẻ được nhập hàng từ nhiều nguồn. Tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn tăng lên nên tình trạng trên đã không còn diễn ra.
Một số ý kiến cho rằng việc cho phép các thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau có thể khiến số liệu báo cáo về tình hình dự trữ xăng dầu không chính xác. Tuy nhiên, theo dự thảo, nghĩa vụ dự trữ lưu thông chỉ áp dụng cho thương nhân đầu mối, không áp dụng cho các thương nhân phân phối. Thêm vào đó, dự thảo đã bổ sung quy định tại Điều 9.5 về việc thương nhân đầu mối phải kết nối mạng với Bộ Công Thương báo cáo dữ liệu về kho chứa xăng dầu, tồn kho xăng dầu. Do đó, vấn đề dữ liệu tình hình dự trữ xăng dầu đã được xử lý.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Dự thảo theo hướng cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau.
Điều 26 và Điều 27 của Dự thảo quy định về kinh doanh dịch vụ xăng dầu. Hai điều luật này không có nhiều nội dung đáng kể. Việc kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ trước đến nay không có vấn đề vướng mắc phát sinh. Thêm vào đó, nội dung quản lý dịch vụ xăng dầu dường như nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Luật Đầu tư cũng chỉ quy định kinh doanh xăng dầu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, mà không đề cập đến kinh doanh dịch vụ xăng dầu. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các nội dung về kinh doanh dịch vụ xăng dầu ra khỏi Nghị định này.
Điều 29 của Dự thảo quy định về dự trữ lưu thông xăng dầu. Về nguyên tắc, khi đã có dự trữ hàng hoá thì phải có quy định về việc sử dụng hàng hoá đã dự trữ. Nếu không, hàng hoá dự trữ chỉ gây tốn kém chi phí xã hội mà không mang lại lợi ích thực tiễn nào. Trong khi đó, dự thảo chưa có quy định về việc sử dụng xăng dầu dự trữ, cụ thể như sau:
Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cơ chế Nhà nước điều hành lượng dự trữ lưu thông. Ví dụ, khi đứt gãy nguồn cung khiến xăng dầu trong nước thiếu hụt trong ngắn hạn, cơ quan quản lý có thể quyết định hạ mức dự trữ xuống 50% bình thường. Khi đó sẽ có thêm lượng xăng dầu được cung cấp ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đến khi nguồn cung xăng dầu được khôi phục, cơ quan quản lý có thể nâng mức dự trữ lên 100% như bình thường.
Điều 33.2 của Dự thảo quy định giá bán lẻ tại địa bàn miền núi, vùng sau, vùng xa và hải đảo được tăng thêm tối đa 2% so với mức trần tại Điều 34. Địa bàn này được xác định theo Quyết định 1162/QĐ-TTg về Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phản ánh rằng các địa bàn tại Quyết định 1162 chưa phản ánh hết các trường hợp chi phí vận chuyển xăng dầu tăng cao do khoảng cách xa so với nhà máy sản xuất hoặc cảng nhập khẩu xăng dầu như một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một số khu vực cách xa nhà máy hoặc cảng nhập khẩu vào diện được tăng giá thêm 2%. Điều này giúp các doanh nghiệp có thêm động lực để đưa xăng dầu lên các khu vực trên, phục vụ đời sống kinh tế xã hội.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
03:35:00 PM GMT+7Monday, 23/12/2024
04:46:00 PM GMT+7Wednesday, 30/10/2024
04:45:00 PM GMT+7Wednesday, 23/10/2024
Publications, in-depth reports
Internal websites of VCCI
Short link
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global