VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Monday, 23/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủEnterpriseCác start-up công nghệ đang dần mất đi lợi thế

Các start-up công nghệ đang dần mất đi lợi thế

09:01:00 AM GMT+7Monday, 23/12/2024

Tương lai đầy thử thách, khắc nghiệt cho start-up công nghệ, đòi hỏi các start-up phải chuyển mình, bắt kịp xu thế để tồn tại và tìm kiếm cơ hội thành công.

Trong những năm gần đây, “vùng đất hoang” màu mỡ dành cho các start-up công nghệ đã trở nên cằn cỗi và khắc nghiệt. Các start-up công nghệ đang mất đi lợi thế. Một điều dễ nhận thấy nhất là khi nhìn vào app của các ngân hàng, hay là app xanh của Vin, gần như không còn khoảng cách giữa công ty công nghệ và các tập đoàn đa ngành lớn.

Rất nhiều kỹ sư công nghệ đã đầu quân cho các tập đoàn lớn để nhận mức lương tốt hơn nhiều so với đãi ngộ tại các start-up, môi trường làm việc cũng thuận lợi và ít rủi ro hơn rất nhiều. Trong ngành này, chỉ cần có người tài, tạo điều kiện và lắng nghe họ, thì doanh nghiệp lập tức sẽ thu ngay được kiến thức, kinh nghiệm trải nghiệm mà các start-up công nghệ mất cả chục năm trời để học và thử nghiệm.

Các start-up công nghệ đang tụt lại trong cuộc đua thay đổi thói quen của khách hàng. Một tập đoàn lớn khi đã lên sàn thì rất khó để giải thích với cổ đông là tại sao lại chi một số tiền lớn cho sản phẩm và marketing tới khách hàng. Trong khi start-up với sự trợ lực đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thì việc thay đổi thói quen khách hàng là lợi thế lớn, góp phần rất nhiều vào việc thay đổi hành vi online của khách hàng. Đặc biệt, khi một chị bán trà đá dùng app ngân hàng thành thạo, hay một bác xe ôm chuyển sang dùng Grab, thì đủ để thấy các doanh nghiệp lớn với nguồn lực tài chính mạnh sẽ dễ dàng thay đổi thói quen khách hàng như thế nào.

Người chiến thắng không thể làm chủ hoàn toàn sân chơi. Cách đây khoảng 10 năm, khẩu hiệu “Winner take it all” là một định luật tất yếu trong giới start-up. Ví dụ như Google trong lĩnh vực tìm kiếm, Facebook trong lĩnh vực mạng xã hội. Tuy nhiên, càng ngày kẻ chiến thắng càng nhận được ít hơn, bởi rào cản gia nhập ngành công nghệ không còn nhiều. Grab chiến thắng Uber, gần như ở vị thế độc tôn trên thị trường gọi xe, thì bỗng xuất hiện thêm Gojek, Be, Xanh. Mỗi đối thủ lại có một nhóm khách hàng với những định vị khác nhau. Cán cân trước đây lệch về cơ hội, nay lại ẩn chứa thêm nhiều rủi ro. Start-up càng thành công thì sẽ càng nhanh chóng có nhiều đối thủ.

Thế giới ngày một trở nên nhỏ bé hơn. Trước đây, cứ có mô hình nào ở nước ngoài thành công là các start-up Việt bắt chước ngay lập tức, nhưng hiện nay, các start-up Việt có thể đi trước mấy bước. Lợi thế của sản phẩm nội địa cũng thể hiện rõ rệt qua ví dụ Grab đánh bay Uber ra khỏi Đông Nam Á. Tuy nhiên, những lợi thế này đang dần mất đi. Giờ đây các start-up công nghệ phải đối đầu trực tiếp với các đối thủ như Google, Microsoft, đặc biệt là trong mảng phần mềm quản lý, CRM, ERP… Làn sóng AI tuy mới diễn ra cũng chứng kiến các AI đến từ nước ngoài xử lý ngôn ngữ tiếng Việt cực kỳ tốt và thành thạo. Cuộc cạnh tranh ngày một trở nên khốc liệt, chính các start-up nước ngoài cũng đang chứng kiến cảnh các ông lớn công nghệ mua bán - sáp nhập (M&A), hoặc bắt chước ngược lại để đánh bại đối thủ từ trong trứng nước.

Các quỹ mạo hiểm đã bớt mạo hiểm. Khi tham gia gọi vốn cho start-up, có thể thấy, các quỹ giờ đây quan tâm nhiều vào khả năng kiếm tiền của start-up. Đã có quá đủ bài học về việc nhiều start-up “chi tiền đến chết” mà không tạo ra giá trị thực tế gì cả. Việc này gây nên mâu thuẫn lớn là start-up vừa phải chứng minh khả năng kiếm tiền, lại phải chứng minh cả khả năng tăng trưởng và mở rộng tốt, trong khi thực tế là những gì dễ đã được khai thác hết rồi, hoặc nếu có còn thì tập đoàn lớn, ông lớn công nghệ với nguồn lực tài chính mạnh, R&D tốt đã và đang làm rồi. Đây là một trong những bài toán thách thức nhất mà các start-up phải tìm cách giải.

Ngoài những thách thức kể trên, cũng có nhiều sự dịch chuyển lớn đang diễn ra, là điều cần thiết để các start-up có thể sinh tồn được trong thời kỳ khó khăn và thử thách sắp tới. Có thể thấy rõ nhất là sự dịch chuyển từ trải nghiệm tốt sang mô hình kinh doanh tốt. Đã từng có thời trải nghiệm tốt là điều sống còn của các sản phẩm công nghệ, nhưng ngày nay một sản phẩm trải nghiệm tốt không còn là lợi thế cạnh tranh quá khác biệt so với việc có một mô hình kinh doanh sáng tạo vượt trội.

Sự dịch chuyển từ ngõ vào trong ngách. Trước đây, các start-up đã ý thức về việc phát triển thị trường ngách, nhưng bây giờ càng phải đi vào ngõ sâu hơn, đặc thù hơn, khai thác những thị trường bé, những “miếng mồi” không đủ hấp dẫn với các tập đoàn, “ông lớn” công nghệ.

Sự dịch chuyển từ B2C sang B2B ngày càng trở nên mạnh mẽ. Thay vì đốt tiền marketing để đổi lấy người dùng, thì các start-up đang hướng đến việc nâng cao hiệu quả bán hàng và khai thác các network có sẵn.

Có thể thấy, thị trường đang bước sang một trang mới với nhiều khó khăn. Những start-up thành công trong thời kỳ này thực sự là những start-up xuất chúng, với đội ngũ giỏi, sắc bén và thông minh. Quá trình khủng hoảng và khó khăn của start-up cũng giúp mỗi người nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, trở nên khiêm tốn hơn, cởi mở hơn để học hỏi các kiến thức mới.

TheoN.Hương (Báo Đầu tư)
Copy link

Legal document

Link

Internal websites of VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global