Thursday, 24/04/2025 | English | Vietnamese
11:46:00 AM GMT+7Wednesday, 23/04/2025
Năm nay là năm đầu tiên kể từ khi lên sàn chứng khoán Ngân hàng OCB trả cổ tức tiền mặt. Nhà băng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 33% và kỳ vọng có sự chuyển mình mạnh mẽ.
Sáng 22/4, Ngân hàng Phương Đông (mã: OCB) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2025. Tại đại hội, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT bày tỏ năm 2025 là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của OCB, ngân hàng đặt ra những mục tiêu chiến lược đầy tham vọng, hướng đến quản trị hiệu quả và tối ưu vận hành.
Về kế hoạch kinh doanh cụ thể, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ, tăng 13%; tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842, tỷ tăng 14%. Đặc biệt, với nền tảng vững chắc từ năm 2024, thông qua sự chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ sang nhóm khách hàng có tiềm năng tăng trưởng tốt, nhà băng dự kiến tổng dư nợ thị trường 1 tăng 16%, đạt 208.472 tỷ. Lợi nhuận trước thuế tăng 33% so với năm 2024, đạt 5.338 tỷ.
Làm rõ hơn cho tham vọng này, ông Tuấn chia sẻ thời gian qua OCB đã hỗ trợ đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp lớn và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Do vậy, trên cở sở này, nhà băng sẽ mở rộng khai thác phục vụ chuỗi giá trị, các nhà cung cấp, kênh phân phối, khách hàng để đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn; phát triển khách hàng bán lẻ thông qua các sản phẩm may đo cho từng khách hàng và định hướng phát triển khách hàng cá nhân thông qua hệ sinh thái của khách hàng doanh nghiệp; đẩy mạnh SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ), lọc lại đối tượng khách hàng thông qua trung tâm dữ liệu, đâu là khách hàng đúng mục tiêu trọng tâm.
Bên cạnh đó, ông Tuấn xác định khối FDI là cơ hội phát triển, khi mà có sự dịch chuyển vốn từ Trung Quốc. Hiện thị trường tập trung FDI lớn, quy mô toàn cầu, tuy nhiên còn cơ hội FDI SME. “Tựu chung lại, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch theo hướng phát triển cân bằng, bền vững”.
Ngoài ra, sau 4 năm đồng hành trong vai trò đối tác chiến lược, Aozora bank, Ltd. đã hỗ trợ OCB xây dựng và phát triển mạng lưới khách hàng doanh nghiệp và cá nhân Nhật Bản, với mức tăng trưởng doanh thu thuần ấn tượng, lần lượt đạt 52% và 43% trong năm 2024. Đồng thời, đối tác hỗ trợ OCB trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên có phiên bản tiếng Nhật cho ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, từ đó nâng cao đáng kể trải nghiệm và mức độ hài lòng của hách hàng Nhật Bản tại Việt Nam.
Trả lời cổ đông về định hướng đầu tư vào công ty chứng khoán, Chủ tịch OCB đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn khi tỷ lệ dân số tham gia chưa cao và cơ hội nâng hạng thị trường lên mới nổi là rất lớn. Đây cũng là lĩnh vực mà các ngân hàng trên hệ thống nói chung và OCB nói riêng khá "tâm huyết" giúp ngân hàng hoàn thiện mảnh ghép trong hệ sinh thái của mình, đẩy mạnh phát triển, đa dạng dịch vụ sản phẩm, đồng thời gia tăng khoản thu nhập ngoài lãi cho ngân hàng.
Tại OCB, ông Tuấn khẳng định ngân hàng cũng cần 1 ngân hàng đầu tư để phối hợp với nhau, phục vụ khách hàng tốt hơn, đặc biệt là nhóm khách hàng ưu tiên. Do vậy, Ban lãnh đạo OCB đã có định hướng sở hữu công ty chứng khoán, nhằm mục tiêu đưa OCB trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường hiện chưa thuận lợi nên ở giai đoạn này, OCB đã triển khai việc hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty chứng khoán VIS. Về dài hạn, có thể tiến tới sở hữu công ty chứng khoán khi điều kiện thuận lợi.
Nhìn lại 2024, ông Tuấn đánh giá tình hình thế giới đã có diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định nhưng sau đó dần ổn định lại. Trong bối cảnh đó, OCB nhanh chóng có những bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững. Ngân hàng đã triển khai loạt chương trình tín dụng ưu đãi với tổng hạn mức hơn 65.000 tỷ đồng, giúp 15.000 khách hàng doanh nghiệp và cá nhân nhằm hỗ trợ những nhóm khách hàng cá nhân và SME tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, lãi suất cạnh tranh.
Ngoài ra, ngân hàng cũng thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ giúp rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng. Những hoạt động này đã giúp OCB giữ được mức tăng trưởng tín dụng thị trường 1 đạt gần 20%, cao hơn trung bình ngành (15,08%), trong đó dư nợ tín dụng của khách hàng cá nhân tăng 11,4%, SME tăng 51,7% so với đầu năm. Nhờ vậy, tổng tài sản của OCB cải thiện đáng kể, đạt 280.712 tỷ đồng tăng 17% so với năm 2023.
Huy động thị trường 1 đạt 192.413 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2023, hoàn thành 98% kế hoạch về quy mô của năm 2024. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi từ khách hàng dân cư và tổ chức kinh tế đạt 13,1% cao hơn mức trung bình của toàn ngành. Tiền gửi từ khách hàng cá nhân tiếp tục tăng trưởng ổn định với tốc độ xấp xỉ 16%, đóng góp 65% tổng quy mô tiền gửi khách hàng. Năm 2024, mặc dù thị trường có dấu hiệu gia tăng lãi suất nhưng OCB vẫn tiếp tục duy trì nền lãi suất huy động thấp nhằm hỗ trợ cho tín dụng. Từ đó, lãi suất cho vay cũng được giảm đáng kể, góp phần thúc đẩy các sản phẩm tín dụng tăng trưởng bền vững theo đúng định hướng từ Chính Phủ.
Nhờ đó, tổng thu thuần của OCB đạt 10.069 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; riêng thu thuần từ lãi đạt 8.607 tỷ đồng, tăng 27,2% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2023.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc lý giải kết quả kinh doanh năm 2024 chưa đạt như kỳ vọng lý do chính đến từ nợ xấu tăng, cụ thể là nợ của khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chủ động tăng đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, chuyển đổi số phục vụ phát triển dài hạn và tăng dự phòng rủi ro tín dụng, củng cố bộ đệm dự phòng.
“Mặc dù, ở giai đoạn ngắn hạn có thể làm giảm lợi nhuận của ngân hàng nhưng về dài hạn, đây được xem là chi phí tốt, nhằm tạo đà phát triển bền vững cho OCB và thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn sắp tới”, ông Hải nói.
Với kết quả đạt được, HĐQT trình chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 7%, tương đương số tiền 1.726 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên OCB thực hiện chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán. Trước đó, ngân hàng chủ yếu sử dụng phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, trước sự cần thiết phải tăng vốn, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 26.631 tỷ đồng, tỷ lệ 8% từ nguồn vốn chủ sở hữu. Nguồn tiền giữ lại dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay và mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất. Sau khi tăng vốn, Aozora bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn duy nhất của OCB với tỷ lệ sở hữu 15%, không thay đổi so với các năm trước.
Cuối cùng, đại hội tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên BKS nhiệm kỳ 2025 – 2030. Cụ thể, HĐQT nhiệm kỳ 2025 – 2030 OCB sẽ gồm 7 thành viên bao gồm: ông Trịnh Văn Tuấn, ông Ngô Hà Bắc, bà Trịnh Thị Mai Anh, ông Yoshizawa Toshiki, ông Segawa Mitsuhiro, ông Phan Trung và ông Dương Kỳ Hiệp.
Số lượng thành viên BKS có 5 thành viên, tăng 2 thành viên so với nhiệm kỳ 2020 – 2025, gồm có: bà Đặng Thị Thanh Huyền, bà Đặng Thị Quý, ông Nguyễn Văn Hải, ông Nguyễn Trọng Hải, ông Phạm Quang Vinh. Ngân hàng cho biết việc bổ sung này nhằm phù hợp quy mô và nhu cầu về quản trị trong giai đoạn mới.
Internal websites of VCCI
Short link
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global