Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Kiến nghị của Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (Công ty Luật HiLap, địa chỉ: LK 9-38, Tổng cục 5, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam. (thôn Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội).

Thứ năm, 22-04-2020 | 09:57:00 AM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Kiến nghị của Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (Công ty Luật HiLap, địa chỉ: LK 9-38, Tổng cục 5, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam. (thôn Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội).

Tình trạng: Đã phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Kiến nghị của các Doanh nghiệp

Công văn: 0483/PTM - VP, Ngày: 10/04/2020

Nội dung kiến nghị:

Kiến nghị về việc yêu cầu Ngân hàng ACB tạm dừng giải ngân thanh toán lô hàng nhập khẩu theo như Hợp đồng số 2020-01-02/ LS ngày 02 tháng 01 năm 2020, mua gỗ thông, gỗ sồi xẻ và sấy giữa Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam với đối tác là UAB TC Euro Group tại Lithuania
Liên quan Hợp đồng số 2020-01-02/ LS ngày 02/01/2020, mua gỗ thông, gỗ sồi xẻ và sấy giữa Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam với đối tác là UAB TC Euro Group tại Lithuania, ngày 06/01/2020, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam đã có văn bản đề nghị Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành thư tín dụng và đã được chấp nhận. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng giữa hai bên khộng thực hiện được và hiện tại, Công ty Luật Hilap đã ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý số 317/2020/HĐDV-HILAP với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam về việc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam trong việc yêu cầu Ngân hàng ACB tạm dừng giải ngân thanh toán lô hàng nhập khẩu theo như Hợp đồng số 2020-01-02/ LS ngày 02/01/2020
Công ty Luật Hilap đề nghị Cơ quan VCCI xem xét giúp đỡ trong việc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam đề nghị Ngân hàng ACB tạm dừng giải ngân thanh toán lô hàng xuất nhập khẩu nói trên. Những lý do tạm dừng giải ngân cụ thể như sau:
Thứ nhất: Về mặt chứng từ
Một là, theo Điều 1 Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật: Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, “Gỗ tròn, gỗ xẻ, pallet gỗ, mùn cưa, mùn dừa” thuộc danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật. Theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 33/2014/TT-BNNPTNT về trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, Chủ vật thể nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu tại cơ quan kiểm dịch thực vật. Cơ quan kiểm dịch thực vật sẽ tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì yêu cầu chủ vật thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ; Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể theo trình tự; Kiểm tra sơ bộ và kiểm tra chi tiết. Sau khi kiểm tra, cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với lô vật thể không bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại. “Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật hoặc trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật thì cơ quan kiểm dịch thực vật phải thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch biết”
Theo quy định của luật pháp Việt Nam, thì kết quả chứng nhận kiểm dịch của Bên xuất khẩu là cơ sở để Cơ quan kiểm dịch Việt Nam cho phép Bên nhập khẩu làm thủ tục nhập khẩu. Tuy nhiên kết quả kiểm dịch của bên xuất khẩu cách quá xa ngày lên tàu, do vậy, bên nhập khẩu sẽ gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Hai là, theo điều khoản của LC tại Trường 34T: “Transhipment not allowed”, nghĩa là hàng phải được chuyển trực tiếp từ cảng của Lithuania về cảng của Việt Nam; Tuy nhiên trên thực tế, hàng hóa này đã được chuyển thông qua một cảng nổi của Malaysia, điều này không đúng với quy định của LC.
Ba là, theo quy định của LC tại Trường 44C về ngày muộn nhất hàng lên tàu tại cảng Lithuania là ngày 27 tháng 01 năm 2020. Theo như vận đơn từ phía Ngân hàng gửi cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam, thông tin Ngày lên tàu là 27/01/2020 và Ngày phát hành vận đơn là ngày 04/3/2020 là rất vô lý bởi lẽ muộn nhất 02-03 ngày làm việc kể từ ngày hàng lên tàu là Hãng tàu phải phát hành vận đơn gốc. Bên cạnh đó, theo như Vận đơn số 910145123 mà Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam nhận được thì ngày hàng lên tàu là ngày 30 tháng 01 năm 2020 và ngày phát hành vận đơn là ngày 03/02/2020 là hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa Công ty Luật Hilap cũng đã xác nhận với Đại lý của Hãng tàu MaerskLine tại Việt Nam, thì ngày lên tàu của vận đơn số 910145123 là ngày 30/01/2020. Đối với vận đơn số 910154906, theo như bản vận đơn do Ngân hàng cung cấp ngày hàng lên tàu cũng là ngày 27/01/2020, nhưng qua làm việc xác nhận với Đại lý của Hãng tàu MaerskLine tại Việt Nam, thì ngày lên tàu của vận đơn số 910154906 là ngày 29/01/2020. Như vậy hai vận đơn do Ngân hàng gửi cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam không phải vận đơn chuẩn (có văn bản xác nhận của Đại lý hãng tàu tại Việt Nam và Email xác nhận của hãng tàu quốc tế đính kèm)
Bốn là, theo hợp đồng đã ký kết, thời gian giao hàng là 50 ngày kể từ ngày mở LC là ngày 07/01/2020. Như vậy Công ty UAB TC Euro Group phải giao hàng cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam trước ngày 27/02/2020, tuy nhiên đến nay đã quá 20 ngày so với hợp đồng mà Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam vẫn chưa nhận được hàng. Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam đã gọi điện, gửi email nhiều lần để yêu cầu Bên bán gửi hình ảnh sản phẩm và thông báo kế hoạch giao hàng và thời gian Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam nhận được hàng nhưng Bên bán vẫn không có phản hồi gì. Do vậy, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam đã tìm hiểu một số khách hàng khác đã từng mua hàng của Công ty UAB TC Euro Group và được biết họ đều bị công ty này lừa đảo và có gửi hình ảnh sản phẩm mà công ty này giao cho họ là cỏ, bùn hoặc cát sỏi…
Năm là: Căn cứ UCP600. Theo Điểm ii Khoản a Điều 20 về vận đơn đường biển: Chỉ rõ hàng hóa đã được xếp lên một con tàu chỉ định tại cảng giao hàng quy định trong tín dụng bằng:
Ngày phát hành vận đơn sẽ được coi như ngày giao hàng, trừ khi trên vận đơn có ghi chú đã xếp trên tàu có ghi ngày giao hàng trong trường hợp này, ngày đã ghi trong ghi chú xếp hàng sẽ được coi là ngày giao hàng.
Theo Khoản c Điều 14 Tiêu chuẩn kiểm tra chứng từ: Việc xuất trình một hoặc nhiều bản gốc các chứng từ vận tải theo các Điều 19, 20, 21, 22, 23, 24 và 25 phải do người thụ hưởng hoặc người thay mặt thực hiện không muộn hơn 21 ngày theo lịch sau ngày giao hàng như mô tả trong các quy tắc này.
Do vậy, vận đơn đường biển Ngân hàng gửi cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam số 910145123 là ngày 27/01/2020 được coi là ngày xếp hàng lên tàu và được coi là ngày giao hàng, thời gian phát hành vận đơn, thời gian thực hiện vận đơn là ngày 04/3/2020, tức thực hiện quá 21 ngày kể từ ngày được tính là ngày giao hàng.
Theo Khoản c Điều 14, nếu lấy ngày phát hành vận đơn là ngày giao hàng thì vận đơn hoàn toàn không hợp lệ, tuy nhiên tính từ ngày giao hàng của vận đơn, ngày thực hiện vận đơn quá 21 ngày. Vì vậy, Công ty Luật Hilap cho rằng Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam hoàn toàn có quyền từ chối thanh toán LC số HAN1219ILS301120.
Theo Điều 34 UPC600 quy định về miễn trách nhiệm về tính hợp lệ của chứng từ. Ngân hàng chịu trách nhiệm đối với hình thức, sự đầy đủ, tính chính xác, tính chân thực, sự giả mạo hoặc hiệu lực pháp lý của bất cứ chứng từ nào hoặc đối với các điều kiện chung, điều kiện cụ thể quy định ở trong một chứng từ hoặc ghi thêm vào chứng từ đó.
Do vậy với vận đơn đường biển có sự không chính xác và không chân thực, giả mạo theo Khoản c Điều 14.
Biên bản kiểm dịch số 158335 ngày 14/02/2020 và Biên bản kiểm dịch số 158460 ngày 04/3/2020, hai biên bản này không có tính chính xác về thời gian phát hành so với vận đơn đường biển và không có hiệu lực pháp lý so với bộ chứng từ Ngân hàng đang giữ. Hiệu lực pháp lý của biên bản đăng ký kiểm dịch phải căn cứ vào thời gian hàng lên tàu mới có hiệu lực.
Ngân hàng ACB phải có trách nhiệm về tính pháp lý của chứng từ để Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam có thể nhận được lộ hàng sau khi thanh toán. Trường hợp này nếu Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam có nhận bộ chứng từ đó cũng không nhận được lô hàng này tại Việt Nam do bộ chứng từ không hợp lệ.
Theo Khoản a, b, c, d Điều 16 Chứng từ có sai biệt, bỏ qua và thông báo: Ngân hàng ACB hoàn toàn có thể từ chối thanh toán cho ngân hàng xuất trình bộ chứng từ với các căn cứ trên.
Căn cứ Công ước bảo vệ thực vật quốc tế (International Plant Protection Convention – IPPC). Đối với biên bản kiểm dịch Mục 3.1.1. Về hiệu lực của chứng nhận kiểm dịch. Chứng nhận kiểm dịch số 158335 mà Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam nhận được có thông tin chưa chuẩn xác về ngày phát hành, không có hiệu lực để nhận hàng, thông tin mâu thuẫn với bộ chứng từ nhận hàng cụ thể là mâu thuẫn với ngày xếp hàng lên tàu của vận đơn. Chứng nhận kiểm dịch số 158460 theo bản Ngân hàng gửi cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam quá mờ, không nhìn rõ, dễ gây hiểu nhầm về tính xác thực của bản chứng nhận kiểm dịch và hiệu lực của chứng nhận kiểm dịch này không có hiệu lực pháp lý cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam nhận hàng. Với lý do đó theo Công ước bảo vệ thực vật quốc tế, thì có quyền yêu cầu làm rõ và giải trình về các thông tin trên, như vậy Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam mới có cơ sở và căn cứ để thanh toán cho bộ chứng từ
Thứ hai: Về mặt thực tế
Công ty UAB TC Euro Group là công ty đã bị nhiều đối tác gửi đơn tố cáo về hành vi có dấu hiệu lừa đảo do những sản phẩm Công ty UAB TC Euro Group giao lại cho đối tác là cỏ, bùn hoặc cát sỏi. Bởi vậy, sau nhiều lần gọi điện, gửi email để yêu cầu Công ty UAB TC Euro Group gửi hình ảnh sản phẩm và thông báo kế hoạch giao hàng và thời gian Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam nhận được hàng nhưng Công ty UAB TC Euro Group vẫn không có phản hồi gì, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam cho rằng Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam cũng bị Công ty UAB TC Euro Group lừa dối như các đối tác nêu trên.
Từ những lý lẽ trên Công ty Luật Hilap đề nghị quý cơ quan xem xét, giúp đỡ về việc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam yêu cầu Ngân hàng ACB tạm dừng giải ngân thanh toán lô hàng xuất nhập khẩu theo Hợp đồng mà Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam ký với đối tác là Công ty UAB TC Euro Group nhằm đảm bảo quyền lợi và lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam nói riêng cũng như tránh gây thiệt hại thất thoát tài sản tiền bạc của Nhà nước.


Đơn vị phản hồi: Ngân hàng Nhà nước VN

Công văn: 3989/NHNN - TD, Ngày: 02/06/2020

Nội dung trả lời:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo kêt quả xử lý kiến nghị của Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp kiến nghị Ngân hàng TMCP Á Châu tạm dừng giải ngân thanh toán lô hàng nhập khâu gô thông, gỗ sồi xẻ và sấy của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam từ đối tác là UABTC Euro Group tại Lithuania như sau:

Ngày 15/4/2020, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 2646/NHNN - TD gửi Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp; Công văn sô 2647/NHNN-TD gửi Ngân hàng TMCP Á Châu yêu cầu rà soát hồ sơ, chứng từ, quy trình nghiệp vụ liên quan đến việc phát hành, thanh toán L/C theo đúng thẩm quyền, quy định pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế; đồng thời chủ động trao đổi với các bên liên quan để giải quyết vấn đề đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mỗi bên.

Ngày 5/5/2020, Ngân hàng TMCP Á Châu có Công văn số 1490/CV- TTNN20 báo cáo Ngân hàng Nhà nước về nội dung này; theo đó, Ngân hàng TMCP Á Châu đã kiểm tra bộ chứng từ thanh toán L/C phù hợp với điều khoản và điều kiện của L/C và thông báo yêu cầu khách hàng thanh toán L/C. Trước ngày đến hạn thanh toán, khách hàng yêu cầu dừng thanh toán do hàng hóa được giao không đúng yêu cầu, đối tác lừa đảo. Ngân hàng TMCP Á Châu đã xem xét, phối hợp và đưa ra các biện pháp phù hợp để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, do khách hàng không thể cung cấp các chứng từ như quy định nên Ngân hàng TMCP Á Châu đã phải thanh toán cho ngân hàng nước ngoài theo đúng thông lệ quốc tế.

Ý kiến bạn đọc (0)