Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Kiến nghị điều chỉnh quy định tại Điều 50 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải về số lượng ô tô yêu cầu phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp

Thứ năm, 13-01-2017 | 11:04:00 AM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Kiến nghị điều chỉnh quy định tại Điều 50 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải về số lượng ô tô yêu cầu phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp

Tình trạng: Chưa phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Công ty TNHH sản xuất bao bì nhựa Vĩnh Phát, Long An

Công văn: , Ngày: 13/01/2017

Nội dung kiến nghị:

Công ty TNHH sản xuất bao bì nhựa Vĩnh Phát (Công ty Vĩnh Phát) sản xuất sản phẩm bao bì nhựa phục vụ cho ngành thủy sản, nông lâm sản, thực phẩm.

Theo yêu cầu của khách hàng trong nước và đối tác nước ngoài ngành thủy hải sản cũng như đáp ứng tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO9001:2015, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn HACCP, đòi hỏi các sản phẩm bao bì nhựa của Công ty Vĩnh Phát phải được vận chuyển kịp thời, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng phương tiện vận chuyển có thùng kín sạch sẽ, không thôi nhiễm với các loại hóa chất hay mùi của sản phẩm khác. Do đó, Công ty Vĩnh Phát đã trang bị 07 xe ô tô tải (có khối lượng hàng chuyên chở cho phép từ 1,1 tấn đến 3 tấn) loại thùng kín để vận chuyển hàng hóa của Công ty sản xuất giao cho khách hàng. Công ty không nhận chở hàng hóa cho bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào khác.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp  và quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 50 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải: “Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó”; “Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi có từ 05 xe trở lên”, việc Công ty Vĩnh Phát mua ô tô tải để dùng chuyên chở sản phẩm của mình giao cho khách hàng được hiểu là đang hoạt động “kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp” và với quy định về số xe ô tô của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT, Công ty phải được cấp “Giấy phép kiunh doanh vận tải bằng xe ô tô”.

Trên thực tế, Công ty Vĩnh Phát là một công ty có quy mô nhỏ và vừa, cũng như hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đang nỗ lực, cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong nền kinh tế hội nhập, tham gia sân chơi WTO và tuân thủ các hiệp định thương mại, đang dốc sức tập trung nguồn lực cho cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi hệ thống quản lý để tồn tại, ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động. Với những quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Điểm c Khoản 1 Điều 50 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT nêu trên, Công ty Vĩnh Phát mặc dù không kinh doanh ngành vận tải ô tô nhưng vẫn trở thành một doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Thực hiện các quy định này, Công ty Vĩnh Phát phải tiến hành hàng loạt  công việc và thủ tục như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, phải tốn thêm nhiều nguồn lực về nhân sự, hệ thống quản lý, kinh phí cho công việc kinh doanh vận tải. Hệ quả là tăng thêm chi phí, giảm cơ hội cạnh tranh và không còn động lực dành cho đầu tư đổi mới công nghệ và máy móc thiết bị.

Công ty Vĩnh Phát kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh các quy định liên quan cho doanh nghiệp để “tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh”, giảm bớt các khó khăn và tốn phí cho doanh nghiệp. Cụ thể Công ty đề nghị:

  1. Xem xét nghiên cứu và báo cáo với Chính phủ để đề xuất hủy bỏ quy định về “kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp”
  2. Hoặc, điều chỉnh quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 50 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT theo hướng: nếu doanh nghiệp trang bị xe thùng kín thì không thuộc đối tượng của quy định, với xe không thùng kín thì từ 10 xe trở lên mới thuộc đối tượng của quy định.


Đơn vị phản hồi: Bộ Giao thông Vận tải

Công văn: , Ngày:

Nội dung trả lời:

Ý kiến bạn đọc (0)