Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đối với các dự án đã có trong quy hoạch thì không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và giao Bộ Công Thương thẩm định, quyết định đầu tư dự án.

Thứ năm, 08-06-2017 | 15:46:00 PM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đối với các dự án đã có trong quy hoạch thì không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và giao Bộ Công Thương thẩm định, quyết định đầu tư dự án.

Tình trạng: Đã phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Công văn: 0874/PTM-VP, Ngày: 20/04/2017

Nội dung kiến nghị:

- Đối với các dự án quan trọng quốc gia: kiến nghị Thủ thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán của công trình. Các hạng mục phụ trợ, ủy quyền EVN thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán.

- Có cơ chế đặc thù đối với dự án điện cấp bách (thay thế cơ chế 2014) để đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các công trình điện theo chỉ đạo của Chính phủ.


Đơn vị phản hồi: Bộ Công thương; Bộ Xây dựng

Công văn: 4044/BCT - KH, Ngày: 09/05/2017

Nội dung trả lời:

  • Bộ Công thương

    - Về lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án đã có trong quy hoạch:

    + Đối với các dự án thuộc danh mục các công trình điện cấp bách: Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện cấp bách trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Văn bản số 1637/BCT-TCNL ngày 01 tháng 3 năm 2017), trong đó đã kiến nghị nội dung “Đối với các dự án nhóm A đã có trong quy hoạch và kế hoạch đầu tư xây dựng, cho phép chủ đầu tư triển khai ngay công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, không phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, không phải lập hồ sơ chủ trương đầu tư”. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét phê duyệt.

    + Đối với các dự án không thuộc danh mục các công trình điện cấp bách do Thủ tướng Chính phủ quyết định, đề nghị vẫn phải lập BCNCTKT và trình duyệt theo quy định.

    - Về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án:

    + Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công: thẩm quyền quyết định dự án quan trọng quốc gia, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo và các chương trình, dự án khác theo quy định của Chính phủ là của Thủ tướng Chính phủ. Còn lại, Bộ Công Thương sẽ thẩm định, phê duyệt các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C.

    + Đối với dự án sử dụng vốn không phải là vốn đầu tư công: tùy vào nguồn vốn và quy mô nguồn vốn, đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng.

    + Đối với dự án quan trọng quốc gia: Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 82 của Luật Xây dựng năm 2014: "Người quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế ba bước; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế hai bước. Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp thiết kế ba bước". Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ sẽ là người quyết định phê duyệt thiết kế, dự toán của công trình quan trọng quốc gia.

    Đối với các hạng mục phụ trợ: Bộ Công Thương đồng ý với kiến nghị của EVN về việc ủy quyền cho EVN thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán.

    - Về cơ chế đặc thù đối với dự án điện cấp bách:

    Như đã nêu trên, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện cấp bách trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Văn bản số 1637/BCT-TCNL ngày 01 tháng 3 năm 2017). Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét phê duyệt cơ chế.

  • Bộ xây dựng: Việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư nói chung được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công Riêng đối với dự án đầu tư xây dựng, theo quy định tại Điều 52 Luật Xây dựng năm 2014, khoản 1 Điều 7 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP thì trường hờp các dự án nhóm A (trừ dự ặn quan trọng quốc gia) đã có quy hoạch được phê duyệt bảo đảm các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP) thì không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Như vậy, quy định của pháp luật về xây dựng đã đáp ứng như kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Chính phủ đưa vào Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng (sẽ có hiệu lực vào ngày 01/6/2017). Theo đó, khoản 10 Điều 1 của Nghị định số 42/2017/NĐ-CP quy định cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán các công trình của dự án thuộc chuyên ngành do mình quyết định đầu tư; trường hợp tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có đủ điều kiện năng lực và có đề nghị được tổ chức thẩm định, Bộ trưởng Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thẩm định thiết kế, dự toán của công trĩnh từ cấp II trở xuống của dự án do tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư thuộc chuyên ngành do Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành quản lý.
Ý kiến bạn đọc (0)