VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 4, 23/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủLịch sử hình thành và phát triển
Xây dựng và phát triển
Mốc son VCCI
Hành trình 60 năm

Xây dựng và phát triển

 
 
KY1.jpgNăm 2011 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm VCCI và chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
 

60 năm đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân

 

Ngày 29/4/1960, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã thông qua chủ trương thành lập Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua gần ba năm chuẩn bị tích cực, ngày 14/3/1963, đại hội đầu tiên của Phòng Thương mại được tổ chức tại Hà Nội với sự góp mặt của 93 tổ chức hội viên đầu tiên, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đại hội đã thông qua Điều lệ và bầu Ban Trị sự lãnh đạo công tác của Phòng. Ngày 27/4/1963, thay mặt Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 58-CP phê chuẩn bản điều lệ Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 27/4/1963 đã đi vào lịch sử nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là ngày thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - nay đổi tên là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

 
 
KY2.jpg
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho VCCI, Khối trưởng Khối Thi đua các bộ, ngành kinh tế năm 2020 đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước toàn quốc. Từ trái sang: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, nguyên Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, nguyên Phó Chủ tịch không chuyên trách VCCI Nguyễn Hồng Sơn, Phó CT VCCI Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh
 
Gánh vác trọng trách lớn

Ngày đầu thành lập, Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có các chức năng và nhiệm vụ cụ thể:

 

1.     Giao dịch và đặt quan hệ với các tổ chức thương mại, kinh tế và thương nhân nước ngoài. Giúp đỡ các tổ chức kinh doanh hữu quan của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc tiếp xúc giao dịch và đặt quan hệ buôn bán với nước ngoài, giúp đỡ các tổ chức thương mại kinh tế và thương nhân nước ngoài trong việc tiếp xúc giao dịch và đặt quan hệ buôn bán với các tổ chức kinh doanh hữu quan Việt Nam.

2.     Giúp đỡ đương sự của phía Việt Nam cũng như phía nước ngoài về mặt giới thiệu quảng bá hàng hóa.

3.     Cấp giấy chứng nhận xuất xứ đối với những hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chứng thực những giấy tờ thông dụng khác trong thương mại quốc tế theo yêu cầu đương sự phía Việt Nam và phía nước ngoài.

4.     Giúp đỡ giải quyết bằng thương lượng hoặc thông qua trọng tài những việc tranh chấp có thể xảy ra trong khi thi hành các hợp đồng theo yêu cầu của các bên hữu quan.

5.     Tổ chức triển lãm sản phẩm của Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức và tham gia hội chợ quốc tế.

6.     Phát hành những bản tin kinh tế, tạp chí thương hiệu, hoặc dùng mọi hình thức khác để giới thiệu nền kinh tế và khả năng xuất khẩu của Việt Nam với nước ngoài và giúp đỡ các tổ chức kinh doanh hữu quan Việt Nam tìm hiểu thị trường nước ngoài.

 

Thực hiện những chức năng và nhiệm vụ đó, Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã triển khai duy trì và mở rộng quan hệ thương mại, buôn bán giữa Việt Nam với các nước, chủ yếu là các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa với mục đích đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của đất nước. Còn đối với các nước xã hội chủ nghĩa trong khối SEV (Hội đồng Tương trợ kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa) từ những năm đầu thành lập đến thập niên 1970-1980, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước này chủ yếu là thông qua kế hoạch ký kết hằng năm các Nghị định thư và Hiệp định hợp tác kinh tế - kỹ thuật với nhau.

 

Hoạt động của Phòng Thương mại lúc này chủ yếu là tập hợp các văn bản pháp quy, luật lệ của các nước trong khối SEV để phổ biến rộng rãi cho các tổ chức kinh tế - thương mại và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam thực hiện. Trong giai đoạn này, song song với việc thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Điều lệ, Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn gánh vác một nhiệm vụ hết sức quan trọng là thông qua quan hệ giao lưu kinh tế thương mại để mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, phá thế bao vây, cấm vận, phong tỏa về kinh tế, thực hiện sách lược ngoại giao nhân dân, triển khai các hoạt động nghiên cứu thị trường, luật lệ buôn bán quốc tế để chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho việc mở rộng các hoạt động kinh tế, thương mại sau này. Hoạt động của Phòng Thương mại lúc này gắn chặt với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh và đã thực hiện được các nhiệm vụ một cách xuất sắc, góp phần khai thông các thị trường khu vực các nước tư bản chủ nghĩa, phá thế bao vây, cấm vận và đặt nền móng xây dựng quan hệ buôn bán thương mại và hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các nước này.

 

Năm 1975, đất nước thống nhất, Phòng Thương mại mở rộng hoạt động ra phạm vi cả nước. Hoạt động của Phòng trong giai đoạn này không chỉ tập trung vào các lĩnh vực mở rộng hoạt động ngoại thương của Việt Nam mà còn hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước, phát triển các ngành công nghiệp để tái thiết và xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật và phát triển kinh tế sau chiến tranh. Chính vì ý nghĩa lớn lao đó, năm 1982, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được đổi tên thành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với tên giao dịch Vietnam Chamber of Commerce and Industry, viết tắt là Vietcochamber, sau này đổi thành VCCI. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới của Phòng.

 

Năm 1986, công cuộc đổi mới đất nước được khởi xướng đã mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động của VCCI và tạo ra sức sống cho nền kinh tế đất nước phát triển. Với kinh nghiệm tích lũy được trong sự nghiệp thúc đẩy và phát triển thương mại buôn bán với các nước có nền kinh tế thị trường, VCCI là một trong những tổ chức đầu mối đi tiên phong trong việc thực hiện đường lối đổi mới, đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ thương mại, buôn bán và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước, cũng như tuyên truyền, quảng bá rộng rãi Luật đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, kêu gọi các tổ chức kinh tế, kinh doanh nước ngoài thiết lập quan hệ buôn bán và đầu tư tại Việt Nam. Thời gian này, VCCI hầu như là tổ chức đầu mối - cửa ngõ duy nhất nối liền các hoạt động thương mại, hợp tác, đầu tư giữa Việt Nam với nước ngoài. VCCI đã chủ động, tiên phong trong việc khai phá và mở rộng các thị trường trọng điểm, có tiềm năng, kể cả những thị trường tại các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao hoặc chưa bình thường hóa như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel và Đài Loan. VCCI là tổ chức đầu tiên đến Bắc Kinh vào thập niên 1990 để nối lại quan hệ giữa VCCI với Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Bắc Kinh, Trung Quốc.

 

 

Ông Dương Văn Đàm, Chủ tịch VCCI đầu tiên (thứ 5 bên trái) cùng với cán bộ nhân viên năm 1988

 

Năm 1986, công cuộc đổi mới đất nước được khởi xướng đã mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động của VCCI và tạo ra sức sống cho nền kinh tế quốc gia phát triển. Với kinh nghiệm tích lũy được trong sự nghiệp thúc đẩy và phát triển thương mại, buôn bán với các nước có nền kinh tế thị trường, VCCI là một trong những tổ chức đầu mối tiên phong trong thực hiện đường lối đổi mới, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ thương mại, buôn bán và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với các nước, cũng như tuyên truyền, quảng bá rộng rãi Luật đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, kêu gọi các tổ chức kinh tế, kinh doanh nước ngoài thiết lập quan hệ buôn bán, đầu tư tại Việt Nam. Thời gian này, VCCI hầu như là cửa ngõ duy nhất nối liền các hoạt động thương mại, hợp tác, đầu tư giữa Việt Nam với nước ngoài. 

 
 

VCCI đã chủ động, tiên phong trong khai phá và mở rộng các thị trường trọng điểm, có tiềm năng, kể cả những thị trường tại các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao hoặc chưa bình thường hóa như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel và Đài Loan. VCCI là tổ chức đầu tiên đến Bắc Kinh vào thập niên 1990 để nối lại quan hệ với Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Bắc Kinh, TQ. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của việc xây dựng thị trường trọng điểm cho công tác xuất nhập khẩu, hợp tác đầu tư, được sự chấp thuận của Chính phủ, VCCI chủ động đề xuất thành lập các ủy ban hợp tác kinh tế thương mại giữa VCCI với các tổ chức xúc tiến thương mại của Hàn Quốc (KOTRA) và Hiệp hội Thương mại của Đài Bắc, Trung Quốc (CETRA). Dần dần, VCCI thành lập các ủy ban với những nước đã ký các văn bản hợp tác.

 
Bước trưởng thành vượt bậc

Đến năm 1993, được sự đồng ý của Chính phủ, VCCI từ một tổ chức chịu sự quản lý của Bộ trưởng Ngoại thương (theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) đã được tách ra thành một tổ chức độc lập và tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II với đầy đủ bộ máy lãnh đạo chuyên trách gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký. Giai đoạn này, theo Điều lệ mới được Thủ tướng phê duyệt, chức năng của VCCI có sự thay đổi cơ bản là: Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, tham mưu, tư vấn cho Chính phủ và xúc tiến thương mại đầu tư. Việc bổ sung thêm chức năng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của VCCI. Với tư cách này, VCCI đã góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, xây dựng và hình thành đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước và doanh nghiệp cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.


 

Năm 1997 - Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm và làm việc với VCCI. Từ trái sang: PCT VCCI Phạm Chi Lan, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Thành, PCT Thường trực VCCI Đoàn Ngọc Bông

 

 

 

Bằng ý chí quyết tâm, tinh thần nỗ lực không ngừng của tập thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ công nhân viên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã từng bước đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư. VCCI trở thành người bạn đồng hành thân thiết của doanh nghiệp, đối tác tin cậy của các cơ quan Đảng, Nhà nước và là một tác nhân quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong điều kiện và môi trường hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế.


Thực hiện chức năng tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước về những vấn đề kinh tế thương mại và phát triển doanh nghiệp, VCCI đã tích cực nghiên cứu, tổng kết những vấn đề thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, có kiến nghị với Đảng và Nhà nước các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế vĩ mô; đề ra những giải pháp cụ thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. VCCI còn tham gia thường xuyên vào các ban nghiên cứu, tư vấn, tổ công tác, các nhóm hoạch định và thực hiện chính sách của Nhà nước. Đồng thời, hằng năm thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan hữu quan của Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

 

Là tổ chức xúc tiến, hỗ trợ thương mại và đầu tư cũng như các hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp ở trong và ngoài nước, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động giúp doanh nghiệp mọi thành phần nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư rộng lớn trên nhiều lĩnh vực, bao gồm đào tạo, cung cấp thông tin, tư vấn chắp mối, thiết lập quan hệ kinh doanh, tổ chức khảo sát thị trường, tham gia tổ chức hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, giải quyết các tranh chấp trong thực hiện hợp đồng thương mại thông qua Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh VCCI, cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Các hoạt động này đã giúp cho cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hội nhập quốc tế đạt hiệu quả, thiết thực.

 

Một hoạt động quan trọng của công tác xúc tiến là tổ chức các đoàn ra nước ngoài, nghiên cứu thị trường. VCCI thường xuyên tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài và các đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác. Đặc biệt, VCCI sắp xếp tốt những đoàn doanh nghiệp Việt tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và làm việc tại các nước, tổ chức gặp gỡ giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đoàn doanh nghiệp tháp tùng nguyên thủ quốc gia nước bạn tới thăm, làm việc tại VN. Để chuẩn bị hành trang cho các doanh nghiệp bước vào hội nhập khu vực và thế giới, VCCI tổ chức nhiều khóa đào tạo cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần trong cả nước tìm hiểu về thị trường, luật pháp theo thông lệ quốc tế.

 
Năm 1998 - PCT VCCI Đào Duy Chữ (bên phải) tại Hội nghị APEC, tổ chức tại Malaysia
 

Hiện nay, VCCI đã ký các văn bản hợp tác và có quan hệ chặt chẽ với hầu hết các tổ chức xúc tiến thương mại trên thế giới, góp phần tích cực vào việc đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế của nước nhà, đồng thời thực hiện tốt chiến lược ngoại giao nhân dân của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện và hoàn thành tốt một khối lượng lớn nhiệm vụ công tác được giao, đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng nhiều và đa dạng của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời kỳ mới, từ nhiều năm qua VCCI đã tích cực triển khai công tác đầu tư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cả về chất lượng và số lượng cũng như cơ sở vật chất của mình, coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Với phương châm đó, khi tách ra khỏi sự quản lý của Bộ trưởng Ngoại thương (năm 1993), VCCI có 130 cán bộ công nhân viên, đến nay đã có trên 1.000 cán bộ công nhân viên. Hầu hết tuổi đời còn trẻ, 85% tốt nghiệp đại học và trên đại học từ nhiều trường trong và ngoài nước. Phần lớn có khả năng sử dụng từ một đến hai ngoại ngữ, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong công tác.

 
KY8.jpg
VCCI tôn vinh các doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu
 

Về cơ sở vật chất, với tài sản ban đầu hết sức khiêm tốn, chỉ vẻn vẹn có một trụ sở làm việc với diện tích 600 m2 (năm 1983-1984), đến nay VCCI đã đầu tư xây dựng cả một hệ thống trung tâm xúc tiến thương mại trên cả nước với tổng diện tích trên 40.000 m2. Hình thành một loạt các văn phòng, chi nhánh của VCCI tại các tỉnh, thành như Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Cần Thơ,...

 

KY4.jpg
 
VCCI đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
 

Ngoài ra, VCCI đã xây dựng website, mạng thông tin nội bộ, thành lập cơ quan báo chí để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá cũng như gắn kết doanh nghiệp, doanh nhân của  VCCI. Nhận thức sâu sắc sự nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gắn chặt mật thiết với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân nên ngay từ đầu, VCCI đã tích cực vận động các tổ chức kinh tế, các nhà doanh nghiệp, doanh nhân, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia làm hội viên của VCCI. Những năm 1963-1984, số lượng hội viên của VCCI chỉ vẻn vẹn 90 tổ chức kinh tế, chủ yếu là các tổng công ty, các doanh nghiệp của nhà nước. Hiện nay, hội viên của VCCI đã lên đến con số hơn 200.000 hội viên bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp trên cả nước thuộc mọi thành phần kinh tế.

Năm 2004 đánh dấu những mốc son hết sức quan trọng đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở đề xuất của Chủ tịch VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. 7 năm sau, vào ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị nước ta đã thông qua Đề án “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do VCCI chủ trì biên tập. Căn cứ vào Đề án, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta có nghị quyết riêng về doanh nhân Việt Nam.   

 
 
Năm 2014 VCCI đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Nghị quyết số 09-NQ/TW là bước ngoặt, đột phá về mặt nhận thức, khẳng định vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đề ra các giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với VCCI và đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để chỉ đạo và phổ biến, xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết trên và khẳng định, Đảng và Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ, tôn vinh, giúp doanh nghiệp, doanh nhân phát triển bền vững. Đây là định hướng có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự nghiệp phát triển cộng đồng doanh nghiệp nói chung và của VCCI nói riêng.

 

Tầm nhìn - sứ mệnh mới

Tiếp nối những thành tựu đạt được, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức vào ngày 30, 31/12/2021, đã thống nhất quan điểm, định hướng hoạt động của VCCI phải đồng bộ với định hướng phát triển của đất nước. Tầm nhìn của VCCI là “Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng”. Sứ mệnh của VCCI là liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, cùng phấn đấu xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc. 

 

 

Đại hội thông qua quyết định đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tên gọi tắt và tên tiếng Anh vẫn giữ nguyên là VCCI - Vietnam Chamber of Commerce and Industry; sửa đổi và thông qua Điều lệ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Kết quả nhiệm kỳ VI là nền tảng vững chắc để VCCI triển khai tiếp các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ VII (2021 - 2026) nhằm đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra với 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

 
KY11.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026 và chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Chấp hành VCCI. Ban Chấp hành VCCI khóa VII hầu hết là những doanh nhân tiêu biểu, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, đầu ngành có đóng góp quan trọng đối với kinh tế - xã hội của đất nước.
 

6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh; Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển hiệp hội doanh nghiệp và hội viên; Phát triển đội ngũ doanh nhân; tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; Tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của VCCI.

 

VCCI cũng xác định 3 đột phá chiến lược, gồm tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh; Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa của doanh nhân Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp; Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh.

 
 

KY10.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Bằng khen và trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công (thứ hai bên trái), tặng Bằng khen và trao Huân chương Độc lập hạng Nhì của Chủ tịch nước cho nguyên Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (đầu tiên bên trái), tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho PCT VCCI Nguyễn Quang Vinh

 

Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân cả về số lượng và chất lượng; tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Trong xây dựng văn hóa kinh doanh, hình thành và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực chung về đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp. Xây dựng hệ giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam bao gồm các giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc và các giá trị chuẩn mực của thế giới, nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững, vì lợi ích con người và cho các thế hệ mai sau. Xây dựng, củng cố niềm tin xã hội đối với doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam.

 

60 năm qua đi, trải qua 7 kỳ Đại hội: Lần thứ I - năm 1963, lần thứ II - năm 1993, lần thứ III - năm 1997, lần thứ IV - năm 2003, lần thứ V - năm 2008, lần thứ VI- năm 2015; lần thứ VII- 2021; bằng những cống hiến, thành tích đã đạt được trong những chặng đường xây dựng và phát triển của mình, đặc biệt là những đóng góp quan trọng trong thời kỳ đổi mới, VCCI đã được Đảng và Nhà nước, Chính phủ tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều bằng khen cho tập thể và cá nhân của VCCI. 60 năm, một chặng đường nhìn lại rất đáng tự hào về truyền thống vẻ vang của một tổ chức phi chính phủ của giới doanh nhân, được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo thành lập.

 
Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global