Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Mức hưởng BHYT khi khám bệnh tại nơi đến công tác

Chủ nhật, 01-05-2016 | 10:55:00 AM GMT+7 Bản in
(Chinhphu.vn) – Công ty của ông Cao Xuân Trung có trụ sở tại TP. Hà Nội, nhưng Công ty đang xây dựng công trình tại tỉnh Thanh Hóa. Khi ông Trung đi chữa bệnh viêm gan B tại Bệnh viện đa khoa Hợp Lực Thanh Hóa thì được nhân viên Bệnh viện cho biết, ông phải điều trị nội trú mới được thanh toán BHYT.

Khi ông Trung làm xét nghiệm định lượng virut viêm gan B thì chỉ được thanh toán 320.000 đồng khi điều trị nội trú, còn điều trị ngoại trú ông vẫn phải trả 1.250.000 đồng tiền xét nghiệm (chưa tính tiền thuốc). Ông Trung đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, trường hợp của ông có được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh không? Ông phải làm gì để được hưởng BHYT đúng quy định?

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau: 

Bệnh viện Hợp Lực là bệnh viện đa khoa tư nhân hạng II được xếp hạng tương đương tuyến tỉnh, trường hợp ông Trung tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại bệnh viện này thì ông chỉ được hưởng 60% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi mức hưởng (80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người lao động) theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 22 Luật BHYT.

Theo điểm g, mục 4 Công văn số 2384/BHXH-CSYT ngày 30/6/2015 của BHXH Việt Nam hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc trong thực hiện BHYT, trường hợp người bệnh đến khám bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu sau đó được chỉ định vào điều trị nội trú thì các chi phí xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh được tổng hợp vào chi phí điều trị nội trú và được thanh toán trong phạm vi được hưởng với mức hưởng là 60% đối với bệnh viện tuyến tỉnh.

Để hiểu rõ về các chi phí phải chi trả trong quá trình điều trị,  đề nghị ông Trung liên hệ với Bệnh viện Hợp Lực để được giải thích và hướng dẫn.

Theo thông tin ông cung cấp, công ty của ông tại TP. Hà Nội, nếu thẻ BHYT của ông có nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu là một cơ sở y tế tại TP. Hà Nội thì khi đi làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh ông phải tới một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại địa phương nơi làm việc tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT và khi đi khám bệnh, chữa bệnh ông phải xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh và giấy công tác hoặc giấy chứng minh tạm trú theo quy định tại Khoản 8, Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT.

Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc (0)