Thứ 3, 21/01/2025 | English | Vietnamese
03:26:00 PM GMT+7Thứ 2, 14/10/2024
Khối kinh tế tư nhân đã để lại nhiều dấu ấn rực rỡ trong bức tranh kinh tế toàn cảnh của đất nước. Và đằng sau sự phát triển đấy chính là sự máu lửa và đậm chất tinh thần dân tộc của con người Việt Nam.
Trong 3 kỳ Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 10 khóa XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kinh tế tư nhân được xem là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Cùng với nhận thức mới về kinh tế tư nhân, dấu ấn của khối kinh tế này trong bức tranh toàn cảnh kinh tế nước nhà ngày càng trở nên đậm nét hơn.
Kinh tế tư nhân, giống như TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính từng nói, đã phải trải qua rất nhiều “cơn đau” mới có thể tồn tại và có được “dáng dấp” như hôm nay. Xuất hiện từ những ngày “Đinh, Lý, Trần, Lê” dưới danh các thương nhân, đến giai đoạn phải dùng “kinh tế dân doanh” để tránh nhạy cảm, kinh qua thời kỳ “xanh cỏ và đỏ rực” và cho đến bây giờ, kinh tế tư nhân đã dần có được vị thế và tiếng nói. Kinh tế tư nhân không còn là khái niệm bị “né tránh” mà giờ đây đã len lỏi trong từng nhịp sống, hơi thở của đất nước.
Trong dòng chảy đó, giai đoạn năm 2000 – 2001 là giai đoạn nảy lửa trong đấu tranh cho quan điểm về sự phát triển của khối kinh tế tư nhân. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), người với gần 25 năm làm việc liên quan đến khu vực kinh tế tư nhân nhắc lại trong khuôn khổ lễ công bố ấn phẩm Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân:
“Giai đoạn 2000 – 2001 là giai đoạn “nảy lửa” trong đấu tranh cho quan điểm sự phát triển của khối kinh tế tư nhân. Thời kỳ đó, có nhiều xung đột đến từ nhiều phía, từng câu từng chữ phải trong các bộ luật cũng phải dùng sao cho chính xác. Nhưng cũng từ những đấu tranh đó, chúng ta dần chính thức hóa, thể chế hóa kinh tế tư nhân. Bộ mặt của khu vực tư nhân cũng đã có những thay đổi đáng kinh ngạc”.
Cũng trong giai đoạn đó, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp tiên phong “vượt rào”, bước qua những vướng mắc về tư duy và pháp lý. “Chính tinh thần tiên phong, khí thế hừng hực, rực lửa lúc bấy giờ của nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đường cho loạt thay đổi trong chính sách liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân của Nhà nước”, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nói.
Đến thời điểm hiện tại, sức vóc của khối kinh tế tư nhân đã hoàn toàn khác biệt. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Trong đó, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…
“Đằng sau sự phát triển của khối kinh tế tư nhân chính là sự máu lửa và đậm chất tinh thần dân tộc của con người Việt Nam. Vậy nên, không sai khi nói rằng kinh tế tư nhân chính là bộ mặt của con người, dân tộc Việt”, TS Võ Trí Thành nhìn nhận.
Song, bên cạnh những gì đã đạt được, vẫn còn nhiều điều còn phải trăn trở khi nói đến kinh tế tư nhân. Theo ông Đậu Anh Tuấn, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn tương đối thiệt thòi.
“Sự phân biệt giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước vẫn còn hiện hữu. Nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn không lớn được bởi tâm lý rất đau lòng – khôn thì dựng trại, dại thì dựng nhà’, tức càng lớn, rủi ro lại càng cao”, ông nói.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng và vẫn còn nhiều điều để doanh nghiệp phải “chạnh lòng”. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang phải vượt qua nhiều định kiến và chưa có nhiều thể chế hỗ trợ.
Đồng quan điểm, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, nếu so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nhiều quốc gia khác tại Đông Nam Á hay châu Âu, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi hơn, không chỉ khó khăn về kinh doanh, quy mô hay sở hữu mà còn phải chịu nhiều phân biệt đối xử.
Theo TS Võ Trí Thành, các doanh nghiệp start-up, doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ và vừa chính là “linh hồn” của một nền kinh tế thị trường và đáng lý phải được quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa.
“Tạo dựng được các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng giống như việc xây một ngôi nhà lớn phải có móng vững chắc. Chỉ khi đó, kinh tế tư nhân mới thực sự phát triển và lớn mạnh, là hình ảnh, bộ mặt của quốc gia”, TS Võ Trí Thành nói.
Những khó khăn mà khối kinh tế tư nhân đang phải đối mặt còn có thể kể đến như chất lượng quản trị chưa cao, các khu vực kinh tế chưa có sự giao thoa và gắn kết, các doanh nghiệp mới chỉ lớn nhưng chưa đủ mạnh,…
“Doanh nghiệp tư nhân không chỉ đóng góp ngân sách mà còn đóng góp vào sự phát triển tích cực của xã hội. Chính các thương hiệu tư nhân này sẽ tạo nên hình ảnh và bộ mặt của quốc gia vậy nên cần có thêm nhiều chính sách và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân. Một khi doanh nghiệp lớn mạnh, đất nước cũng sẽ phồn vinh”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Ông Lê Duy Bình: “Ấn phẩm Đặc san Toàn cảnh Kinh tế Tư nhân đã tiếp cận được vấn đề tương đối rộng, đó là về kinh tế tư nhân chứ không riêng mỗi doanh nhân. Điều này khác biệt so với một số ấn phẩm và công trình nghiên cứu khác mà tôi đã tiếp cận. Đây là một cách tiếp cận hay và cần được ‘nhân rộng’.
Ông Đậu Anh Tuấn: “Tôi có cảm giác rất đặc biệt vì kinh tế tư nhân là một chủ đề rất lớn và khó, nhưng Tạp chí Đầu tư Tài chính đã lựa chọn làm và làm rất công phu, tổ chức lễ ra mắt cho thấy sự trân trọng và nghiêm túc với những ấn phẩm của mình”.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong: “Ấn phẩm Đặc san Toàn cảnh Kinh tế tư nhân của Tạp chí Đầu tư Tài chính mang đến sự nhận diện rõ nét về sự phát triển của đội ngũ doanh nhân ngoài nhà nước thông qua những góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp tư nhân”.
TS Lê Minh Nghĩa: “Ấn phẩm Toàn cảnh Kinh tế tư nhân có thể được xem là tài liệu tham khảo tin cậy, có thể góp phần vào xây dựng đường lối chính sách, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khối kinh tế tư nhân nước nhà”.
10:43:00 AM GMT+7Thứ 3, 21/01/2025
10:40:00 AM GMT+7Thứ 3, 21/01/2025
10:36:00 AM GMT+7Thứ 3, 21/01/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global