VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 5, 24/04/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợp‘Cải cách thể chế không chỉ cắt bớt thủ tục mà phải giảm chi phí’

‘Cải cách thể chế không chỉ cắt bớt thủ tục mà phải giảm chi phí’

08:51:00 AM GMT+7Thứ 2, 21/04/2025

Nếu một thể chế không tốt có nguy cơ tạo những rào cản tác động đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, cải cách thể chế không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính mà còn là cắt giảm chi phí tuân thủ.

Năng lực nội tại của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn yếu

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay, kinh tế thế giới đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại - công nghệ, bảo hộ thương mại gia tăng... Điều này, khiến giá cả hàng hóa, lạm phát tăng trở lại, dòng chảy thương mại có nguy cơ gián đoạn, đứt gãy khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại, rủi ro an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng và thiên tai, khí hậu cực đoan vẫn thường trực…

Năng lực nội tại của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn yếu.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4 và sau đó cùng với phản ứng của các nước đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế, thương mại, đầu tư và thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt tác động nhiều đến các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Ở góc nhìn trong nước, số liệu từ Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý I năm 2025 đạt 6,93%. Tính chung quý I/2025, cả nước có hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

“Tuy vậy, theo khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc cho thấy chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đồng thời, mặc dù đã có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% các doanh nghiệp lớn.

Ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, tất cả điều đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) cho rằng, hiện nay năng lực nội tại của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn yếu.

“Năng lực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối hạn chế, từ cạnh tranh về giá, chất lượng cho đến khả năng giao hàng đúng thời hạn, thực hiện đơn hàng lớn, tiếp cận kênh phân phối. Các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19, qua đó ảnh hưởng đến năng suất lao động, và khả năng thích ứng và liên kết với bên ngoài”, bà Minh khẳng định.

Cải cách thể chế: Phải giảm được chi phí 

Là người gắn bó nhiều năm với môi trường kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu thừa nhận đây là thời điểm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bao gồm khó khăn từ thể chế và phi thể chế.

“Thể chế là công cụ duy nhất và cần thiết thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nếu thể chế không tốt có nguy cơ tạo những rào cản tác động đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài thủ tục hành chính mà chúng ta vẫn nhìn thấy là các loại phí, lệ phí; chi phí tuân thủ lớn nhưng đôi khi không được nhận diện; chi phí cơ hội và những chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Vì vậy, cải cách thể chế không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính mà còn là cắt giảm chi phí tuân thủ”, ông Phan Đức Hiếu khẳng định.

Ông Hiếu cũng khẳng định, ở thời điểm hiện tại thì cơ hội và dư địa cải cách thể chế vì thế là rất lớn. Do đó, có 3 việc cần làm ngay là nâng cao chất lượng quy định hiện hành - yêu cầu cấp thiết và quan trọng; nâng cao hiệu quả thực thi quy định pháp luật theo đúng tinh thần của các bộ luật và đảm bảo tính thống nhất và chất lượng các quy định pháp luật được ban hành mới. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước thay đổi, cải cách thể chế không chỉ hướng đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà cần tạo đột phá mạnh mẽ.

Nhắc lại những kết quả tích cực từ việc thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2020, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, việc cần thiết có những cải cách mang tính chất đột phá cả từ tư duy và biện pháp thực thi.

Giai đoạn sau đó, thực thi Luật Doanh nghiệp 2020 với nhiều thay đổi tư duy khi doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm cùng với việc bãi bỏ 161 giấy phép, thời gian thành lập doanh nghiệp từ 15-30 ngày đã thổi bùng khí thế kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ trong 5 năm, từ năm 2020 - 2025 số lượng doanh nghiệp thành lập gấp 10 lần so với trước đó, tạo nền tảng để có lực lượng doanh nghiệp đông đảo như hiện nay.

Với tinh thần cần có cải cách đột phá, ông Phan Đức Hiếu đề xuất:.

Thứ nhất, trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật cho cải cách thể chế, thay vì sửa chữa nên ưu tiên bãi bỏ các quy định, văn bản, nghị định không phù hợp.

Thứ hai, cần có cơ chế bền vững cho cải cách thể chế. Đó là: đưa cải cách thể chế trở thành văn hóa lập pháp, hệ thống, không còn phụ thuộc vào cá nhân, tổ chức nào.

Dẫn kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Úc, Anh, Mỹ…,ông Phan Đức Hiếu thông tin: các quốc gia này đều thành lập cơ quan giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế (ROB). Cơ quan này tại Anh có quyền bác đề xuất chính sách nếu không đạt chất lượng; tại Mỹ gửi lại đề xuất chính sách nếu không đạt chất lượng, kèm theo yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

Trong thời gian tới, Chính phủ nên thành lập cơ quan chuyên môn giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế có thẩm quyền. Cơ quan này có các chức năng chính như kiểm soát chất lượng quy trình soạn thảo; xác định các lĩnh vực trọng tâm để nâng cao chất lượng quy định; nâng cao chất lượng quy định một cách có hệ thống; đầu mối, phối hợp trong soạn thảo, ban hành; xây dựng bộ công cụ, hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo, thực tiễn mới.

TheoKỳ Thư (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global