Thứ 5, 15/05/2025 | English | Vietnamese
10:09:00 AM GMT+7Thứ 3, 06/05/2025
Báo cáo từ S&P Global cho thấy sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế đối ứng, PMI ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm mạnh xuống 45,6 điểm từ mức 50,5 điểm của kỳ trước. Tâm lý kinh doanh cũng đạt mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021.
Chỉ số PMI lại suy giảm
Theo báo cáo từ S&P Global, những thông báo về thuế quan của Mỹ đã khiến ngành sản xuất của Việt Nam suy giảm trở lại trong tháng 4. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đều giảm mạnh, trong khi niềm tin kinh doanh giảm thành mức thấp của 44 tháng khi có những lo ngại về ảnh hưởng tiếp theo của thuế quan lên sản lượng trong tương lai.
Đáng chú ý, tình trạng nhu cầu yếu khiến các công ty tiếp tục giảm giá bán hàng, trong khi chi phí đầu vào chỉ tăng nhẹ.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers' Index™ (PMI) - ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global trong tháng 4 đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm, sau tăng trưởng lần đầu trong 4 tháng.
Cụ thể, PMI ngành sản xuất tháng 4 chỉ đạt 45,6 điểm, giảm tới 4,9 điểm so với mốc 50,5 điểm của tháng 3, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất suy giảm rõ rệt so với tháng trước.
Các điều kiện kinh doanh đã xấu đi với mức độ lớn nhất kể từ tháng 5/2023. Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất giảm đáng kể trong tháng 4, từ đó đảo ngược xu hướng tăng trong tháng 3. Hơn nữa, tốc độ suy giảm là mạnh và nhanh nhất trong gần hai năm.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết tình trạng giảm của số lượng đơn đặt hàng mới phản ánh tác động của việc áp dụng thuế quan của Mỹ và sự biến động của tình hình thị trường quốc tế.
Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới thậm chí còn giảm nhanh hơn tổng số lượng đơn đặt hàng mới trước những tuyên bố về thuế quan. Lần giảm thứ 6 liên tiếp của số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài là đáng kể nhất kể từ tháng 6/2023.
Thuế quan và tình trạng giảm số lượng đơn đặt hàng mới đã khiến sản lượng giảm trở lại sau khi tăng trong tháng 3. Mức giảm sản lượng là đáng kể và nhanh nhất kể từ tháng 1/2023. Các nhà sản xuất cũng lo ngại về ảnh hưởng của thuế quan lên sản xuất trong những tháng tới.
Niềm tin kinh doanh đã giảm mạnh và là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021 - một trong những mức yếu nhất trong lịch sử khảo sát.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đánh giá, việc áp thuế của Mỹ đã đẩy ngành sản xuất Việt Nam vào tình trạng suy giảm trong tháng 4, khi các công ty đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của số lượng đơn đặt hàng mới, xuất khẩu và sản lượng.
Hơn nữa, khả năng tiếp tục xảy ra gián đoạn cho ngành sản xuất do thuế quan bổ sung khiến niềm tin kinh doanh giảm và trở thành một trong những mức thấp nhất từng được ghi nhận.
"Trong một tình hình không ổn định, điều quan trọng là cần theo dõi dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global trong những tháng tới để xem các điều kiện kinh doanh diễn biến như thế nào”, ôngAndrew Harker nói.
Hoạt động mua hàng hoá đấu vào giảm tháng thứ 2 liên tiếp
Phân tích kỹ hơn về các yếu tố khiến PMI tháng 4 giảm mạnh, báo cáo từ S&P Global chỉ ra, lượng công việc tồn đọng giảm mạnh khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm và tốc độ giảm gần như ngang bằng với tháng trước.
Lượng công việc giảm khiến các nhà sản xuất giảm việc làm lần thứ 7 liên tiếp. Hơn nữa, tốc độ giảm việc làm là mạnh nhất trong 3,5 năm. Các công ty cũng giảm mạnh hoạt động mua hàng khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm và yêu cầu sản lượng giảm.
Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã giảm tháng thứ hai liên tiếp và trở thành mức giảm lớn nhất kể từ tháng 5/2023. Kết quả là, tồn kho hàng mua cũng giảm, và mức độ giảm là lớn nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm đã khiến thời gian giao hàng của nhà cung cấp chỉ kéo dài một chút trong tháng 4 và mức độ kéo dài là ít nhất trong 8 tháng. Tuy nhiên, có một số báo cáo về sự chậm trễ giao hàng khi có những vấn đề liên quan đến tốc độ và mức độ sẵn có của phương tiện vận chuyển. Tình trạng nhu cầu suy yếu cũng ảnh hưởng đến giá cả trong tháng 4.
Trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng trong bối cảnh giá một số nguyên vật liệu tăng, tốc độ tăng chỉ là nhẹ và yếu nhất kể từ khi chuỗi tăng chi phí hoạt động hiện nay bắt đầu vào tháng 8/2023. Một số công ty cho hay giá dầu và chi phí vận tải đang giảm.
Đáng chú ý, giá bán hàng đã giảm tháng 4 liên tiếp. Mặc dù chỉ giảm đôi chút nhưng tốc độ giảm này đã là mạnh nhất trong 21 tháng.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global