VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 3, 08/10/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpChuyển đổi xanh: Muốn nhanh thì phải từ từ

Chuyển đổi xanh: Muốn nhanh thì phải từ từ

09:16:00 AM GMT+7Thứ 4, 02/10/2024

Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ cho rằng chậm mà chắc là hướng đi tối ưu hơn cho doanh nghiệp dệt may Việt trong hành trình xanh hóa. Doanh nghiệp nên làm “đến nơi đến chốn” để hoàn thành từng mục tiêu xanh hóa thay vì đặt ra nhiều mục tiêu nhưng không hoàn thành mục tiêu nào.

Tận dụng xu hướng “xanh hoá”

Kinh tế thế giới đang chứng kiến xu hướng chuyển đổi xanh mạnh mẽ nhằm đối phó với thách thức biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng cũng không nằm ngoài cuộc cách mạng xanh này.

Tại Việt Nam, ngành dệt may trong những năm gần đây đang tích cực tham gia vào làn sóng xanh hóa toàn cầu bằng cách áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, sử dụng nguyên liệu bền vững và thực hiện các chiến lược tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi xanh của ngành còn tồn tại nhiều khó khăn khi chưa có lộ trình bài bản cũng như định hướng đúng đắn cho các chiến lược xanh hóa.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Đặng Triệu Hoà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK), cho biết so với các ngành trụ cột của Việt Nam, việc xanh hóa ngành dệt may được đánh giá không dễ dàng vì cần nhiều nhiên liệu, nhân công và hoá chất.

Theo đó, nguồn cung nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may hiện vẫn bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu ở nhiều khâu trong quy trình sản xuất. Hiệp hội dệt may (VITAS) ước tính, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may Việt Nam năm 2023 mới chỉ đạt khoảng 51,87%. Ông Đặng Triệu Hoà cho rằng việc phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu (đặc biệt là sợi, vải) từ Trung quốc sẽ khó đạt được yêu cầu chuyển đổi xanh của các khách hàng thương hiệu.

Bên cạnh đó, nguồn cung năng lượng tái tạo ở Việt Nam cũng còn hạn chế, gây khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may trong việc chuyển đổi nguồn cung năng lượng và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Các cơ sở thu gom chất thải nhựa đã qua sử dụng còn khá manh mún nên chi phí để sản xuất hạt nhựa tái chế (nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất sợi tái chế) tại Việt Nam chưa cạnh tranh so với nguồn nhập khẩu.

Ông Đặng Triệu Hoà, Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ

Ngoài ra yêu cầu của EU đối với kinh tế tuần hoàn sẽ thúc đẩy nhu cầu tái chế sợi từ quần áo đã qua sử dụng. Ông Đặng Triệu Hoà cho rằng việc hiện thực hóa việc tái chế quần áo đã qua sử dụng đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực khoa học công nghệ cũng như nguồn vốn lớn.

Khó khăn và thách thức là không thể phủ nhận, tuy nhiên Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ nhận định nếu có thể chuyển mình và tận dụng xu hướng “xanh hoá”, doanh nghiệp dệt may sẽ không chỉ có cơ hội đẩy mạnh doanh thu, gia tăng lợi nhuận mà còn phát triển theo hướng bền vững hơn. Đặc biệt khi làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, cùng lợi thế từ các hiệp định FTA, Việt Nam sẽ là lựa chọn hấp dẫn trong nhóm các nước châu Á.

“Chậm mà chắc là hướng đi tối ưu hơn cho doanh nghiệp Việt. Tại Sợi Thế Kỷ, chúng tôi không đặt ra nhiều mục tiêu để đẩy nhanh tiến trình xanh hóa nhưng với mỗi mục tiêu đặt ra chúng tôi cố gắng làm hết sức mình, làm “đến nơi đến chốn” thay vì đặt ra nhiều mục tiêu mà không hoàn thành mục tiêu nào”.

Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ, ông Đặng Triệu Hoà

Để chuyển đổi xanh một cách hiệu quả, ông Đặng Triệu Hoà cho rằng doanh nghiệp dệt may cần có chiến lược bài bản để tránh làm mất đi các ưu thế cạnh tranh. “Tôi cho rằng chậm mà chắc là hướng đi tối ưu hơn cho doanh nghiệp Việt. Tại Sợi Thế Kỷ, chúng tôi không đặt ra nhiều mục tiêu để đẩy nhanh tiến trình xanh hóa nhưng với mỗi mục tiêu đặt ra chúng tôi cố gắng làm hết sức mình, làm “đến nơi đến chốn” thay vì đặt ra nhiều mục tiêu mà không hoàn thành mục tiêu nào”, ông Hoà cho biết.

Theo ông, chuyển đổi xanh là con đường tất yếu mà doanh nghiệp dệt may phải đi trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn, cần xem xét theo lợi thế, tình hình hiện tại cũng như đặc điểm của doanh nghiệp để ban lãnh đạo đưa ra chiến lược kinh doanh và hoạt động phù hợp nhất. Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ nhấn mạnh, chuyển đổi xanh không phải khiến doanh nghiệp bị cố định trong khuôn khổ mà vẫn có sự linh hoạt với tình hình kinh tế, tình hình thị trường, ngành và doanh nghiệp.

Khó tiếp cận tín dụng xanh

Để phục vụ cho việc chuyển đổi xanh hiệu quả, doanh nghiệp dệt may cần tận dụng các nguồn vốn tín dụng xanh từ khối ngân hàng. Nhiều nhà băng lớn như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank),… đều đang dành hàng nghìn tỷ đồng tín dụng xanh cho các doanh nghiệp và các dự án xanh. Riêng với ngành dệt may, BIDV đã triển khai gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng với các ưu đãi về lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp dệt may cho biết việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xanh này vẫn còn nhiều khó khăn và trên thực tế, nhiều đơn vị vẫn đang thực hiện chuyển đổi xanh bằng nguồn vốn tự có.

Sợi Thế Kỷ là một trong những doanh nghiệp dệt may đã tiếp cận thành công với nguồn vốn tín dụng xanh. Theo chia sẻ của ông Đặng Triệu Hoà, Sợi Thế Kỷ đã huy động thành công 52,5 triệu USD vào đầu năm 2023 để tài trợ dự án đầu tư mở rộng Unitex từ khoản vay hợp vốn được tài trợ bởi 5 ngân hàng nước ngoài tại châu Á. Khoản vay được huy động thành công nhờ vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, triển vọng kinh doanh của dự án đầu tư cũng như những thành tích tốt về ESG. “Kinh nghiệm của Sợi Thế Kỷ cho thấy doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận “tín dụng xanh” nếu chú trọng hoạt động ESG”, ông Hoà cho biết.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ cho rằng ngành ngân hàng cũng cần chủ động tìm kiếm và cung cấp thêm các cơ hội tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp dệt may đang có kế hoạch chuyển đổi xanh với lộ trình rõ ràng, phù hợp nhưng còn đang thiếu vốn, tài trợ tín dụng cho các dự án xanh của ngành dệt may. Theo TS Lê Bá Chí Nhân, khối ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Những gói tín dụng xanh cần mức lãi suất ưu đãi khoảng 5-6%, thay vì lãi suất thị trường 8-9%. Cùng với đó, thời gian vay vốn cũng cần được kéo dài khoảng 24-36 tháng để phù hợp hơn với các dự án xanh của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong lúc chờ các chính sách về vốn ở trong nước, doanh nghiệp dệt may có thể tìm kiếm nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế, tương tự như Sợi Thế Kỷ. Ở chiều ngược lại, đại diện của các định chế tài chính quốc tế cũng cho biết đang tiếp cận thị trường Việt Nam với các khoản tín dụng xanh có chi phí vốn thấp, điều khoản trả nợ ưu đãi.

TheoNgọc Thu (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global