VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 3, 08/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpĐánh thuế hàng trung chuyển 40%: Chưa biết Mỹ tính toán, điều tra xuất xứ thế nào

Đánh thuế hàng trung chuyển 40%: Chưa biết Mỹ tính toán, điều tra xuất xứ thế nào

11:13:00 AM GMT+7Thứ 7, 05/07/2025

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quốc Việt bày tỏ: "Chúng ta vẫn phải thận trọng, nhất là khi Mỹ đánh thuế đối ứng với hàng xuất khẩu trung chuyển lên tới 40% và chưa biết họ tính toán và điều tra xuất xứ như thế nào và các mức thuế bổ sung đánh vào từng mặt hàng cụ thể".

Thuế đối ứng sẽ có tác động nhất định

Tối 2/7 (giờ Việt Nam), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) dẫn bài đăng mới nhất trên mạng xã hội Truth Social của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cung cấp một số thông tin chi tiết về thỏa thuận thương mại với Việt Nam.

Theo TTXVN, ông Trump viết: “Tôi vô cùng vinh dự thông báo rằng tôi vừa đạt được một Thỏa thuận Thương mại với Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau khi trao đổi với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư đáng kính của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây sẽ là một thỏa thuận hợp tác tuyệt vời giữa hai quốc gia chúng ta".

TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia kinh tế.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, Việt Nam sẽ chịu mức thuế 20% cho mọi hàng hóa đưa vào lãnh thổ Hoa Kỳ và chịu mức thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển.Đổi lại, Việt Nam sẽ làm điều chưa từng làm trước đây: Trao cho Hoa Kỳ quyền tiếp cận toàn diện vào thị trường của mình để giao thương. Nói cách khác, sẽ “mở cửa thị trường cho Hoa Kỳ”, nghĩa là chúng ta sẽ có thể xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam với mức thuế bằng KHÔNG.

Chia sẻ với VietnamFinance, TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia kinh tế nhận định định, tác động của thuế đối ứng ít nhiều vẫn ảnh hưởng, dù rằng lần này có yếu tố tích cực là nằm trong vòng dự đoán của cả Chính phủ Việt Nam lẫn cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt diễn biến giữa các quốc gia/khu vực có thương mại/đầu tư qua lại lớn với Hoa kỳ là Trung quốc và EU.

Dẫn nguồn phân tích của nhóm nghiên cứu kinh tế và chính sách vĩ mô (VEPR) của Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Việt cho rằng, nếu thuế đối ứng lên đến 46%, tác động giảm tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 sẽ có thể từ 1 - 2% tuỳ theo các kịch bản tác động.

Do lo ngại không những là thuế đối ứng mà cả sự bất ổn định do chính sách thương mại của chính quyền Trump mà các tổ chức quốc tế cũng dự báo giảm tăng trưởng toàn cầu 2025 và Việt Nam cũng không ngoại lệ, so với dự báo cuối 2024, thì các dự báo cập nhật gần đây đã hạ trung bình từ 0,3-0,5 điểm tăng trưởng của năm 2025, xuống còn trung bình 6,25% cho năm 2025.

Tuy nhiên, với kịch bản thuế đối ứng 20%, có thể thấy là điều kiện có thuận lợi hơn so với kịch bản xấu nhất, và trong bối cảnh nếu triển vọng kinh tế 2025 vẫn tích cực như đầu năm, thì tăng trưởng thực của Việt Nam sẽ thường cao hơn tương đối so với kịch bản tăng trưởng từ các dự báo của tổ chức Quốc tế, vốn dĩ khá thận trọng.

“Trong năm 2024, tăng trưởng thực của Việt Nam cao hơn 0.9% so với con số trung bình dự báo của các tổ chức quốc tế nên với kịch bản thuế đối ứng này, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng về một tín hiệu tích hơn cho tăng trưởng”, ông Việt nói.

Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Chứng khoán SSI nói: 20%, không phải nhượng bộ, mà là bước tiến. Việt Nam đã “đóng deal” khi thế giới còn thương lượng.

Doanh nghiệp vẫn phải thận trọng

Khuyến nghị cho doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, ông Việt cho rằng doanh nghiệp thời điểm hiện tại vẫn phải rất thận trọng và đề phòng những diễn biến khó lường bởi thuế đối ứng vốn dĩ gây xung đột trực tiếp và ảnh hưởng lớn tới các vấn đề vĩ mô của Hoa Kỳ, và họ có thể quay ra mở rộng các rào cản phi thuế quan.

"Chúng ta vẫn phải thận trọng, nhất là khi Mỹ đánh thuế đối ứng với hàng xuất khẩu trung chuyển lên tới 40% và quan trọng hơn là chúng ta chưa biết họ tính toán và điều tra xuất xứ như thế nào và các mức thuế bổ sung đánh vào từng mặt hàng cụ thể", ông Việt phân tích.

Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp vẫn phải thận trọng.

Do đó, ông Việt cho rằng doanh nghiệp cần chú trọng vào các công cụ quản trị sản xuất nhằm đảm bảo chứng nhận, xuất xứ sản phẩm, đổi mới quy trình công nghệ để nâng cao giá trị đầu vào trong nước (qua đó vừa giảm rủi ro bị điều tra, vừa hướng các chính sách mới sẽ hướng tới thúc đẩy xuất khẩu gắn với xuất xứ trong nước).

Chia sẻ về những chuẩn bị để ứng phó với tác động từ thuế đối ứng, bà Lê Hằng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, trường hợp thuế đối ứng cao hơn 10% thì ngành thủy sản sẽ rất khó khăn khi “thuế chồng thuế” bởi ngoài thuế đối ứng, ngành tôm còn chịu thuế chống bán phá giá.

Với ngành dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu dệt may nên rất khó để thay thế.Vì vậy, để hạ giá thành trong trường hợp thuế đối ứng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp tập trung vào tăng năng suất lao động thông qua đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao và đầu tư vào thiết bị hiện đại.

Đặc biệt, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đa dạng thêm là nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, trong đó mua những vải có xuất xứ nguồn gốc bông từ Mỹ.

"Khi chứng minh được sản phẩm làm từ vải nguồn gốc từ Mỹ thì là điểm cộng trong việc giảm mức thuế nhập khẩu vào nếu thuế đối ứng tăng trong thời gian tới", ông Việt dự báo.

TheoKỳ Thư (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global