Hoàn thiện thể chế quản lý thuế hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước
Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế giúp doanh nghiệp và người dân dễ dàng tuân thủ nghĩa vụ thuế. Ảnh minh họa

Thống nhất với pháp luật liên quan, phù hợp thông lệ quốc tế

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Quản lý thuế đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của đất nước và đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển, hội nhập, biến động nhanh của kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đã phát sinh một số điểm cần được nghiên cứu, rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Theo đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (thay thế).

Nâng cao hiệu quả thu ngân sách khi quản lý thuế điện tử

Khi công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, việc thực hiện quản lý thuế sẽ được thực hiện bằng các phương thức điện tử, giúp doanh nghiệp và người dân dễ dàng tuân thủ nghĩa vụ thuế, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại Hội nghị rà soát sửa đổi toàn diện Luật Quản lý thuế được tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, việc hoàn thiện pháp luật về tài chính - ngân sách, nhất là pháp luật trong các lĩnh vực như ngân sách nhà nước, quản lý thuế..., luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo để tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, việc xây dựng Luật Quản lý thuế (thay thế) nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi số và hiện đại hóa việc quản lý thu thuế, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp.

Đồng thời việc sửa đổi luật nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý thuế theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, công tác quản lý thuế thống nhất, công khai, minh bạch dựa trên ba nền tảng cơ bản: thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế.

Luật sửa đổi sẽ khắc phục các bất cập; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan. Đặc biệt, việc sửa đổi luật nhằm góp phần phục vụ chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước đã đề ra; phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về thuế và chuẩn bị cơ sở pháp luật để phục vụ hội nhập trong giai đoạn tới.

Theo Phó Cục trưởng Đặng Ngọc Minh, việc sửa đổi luật nhằm đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất, đảm bảo phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thực hiện quản lý thuế điện tử, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Khi luật được sửa đổi cũng sẽ nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan với cơ quan thuế trong việc thực hiện pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điểm nhấn quan trọng trong dự án luật mới là việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế. Việc này sẽ được thực hiện thông qua việc đơn giản hóa quy trình quản lý thuế, đổi mới các nội dung và điều luật nhằm đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điểm nhấn quan trọng trong dự án luật mới là việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế. Việc này sẽ được thực hiện thông qua việc đơn giản hóa quy trình quản lý thuế, đổi mới các nội dung và điều luật nhằm đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

Thúc đẩy sự tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, tại dự thảo luật, Bộ Tài chính đã đề xuất 17 chính sách, nhằm hoàn thiện các quy định chung trong công tác quản lý thuế; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý thuế; sửa các nội dung về đăng ký thuế; sửa đổi các nội dung về khai thuế, tính thuế; hoàn thiện quy định về nộp thuế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế; sửa đổi quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế để đảm bảo đồng bộ với pháp luật mới ban hành có liên quan…

Để tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật, Cục Thuế đã tổ chức loạt các hội nghị, hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong nước, nước ngoài; Cục Thuế cho biết, đến nay đơn vị đã nhận được 47 ý kiến tham gia, trong đó có 28 đơn vị nhất trí, thống nhất và 19 đơn vị có ý kiến bổ sung với dự thảo luật.

Nêu quan điểm định hướng xây dựng luật, Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành khẳng định, trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đặt ra những nhiệm vụ quan trọng liên quan đến công tác quản lý thuế. Trong bối cảnh phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số, đòi hỏi ngành Thuế phải sửa đổi luật để đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới.

Theo đó, luật sẽ được sửa đổi phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tôn trọng người nộp thuế; thúc đẩy sự tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế, từ đó hướng tới đẩy mạnh chuyển đổi số, thống nhất, công khai, minh bạch trong quản lý thu thuế.

Góp ý vào dự thảo luật, đại diện Cục Thuế và các chi cục thuế khu vực đề xuất, cần bổ sung quy định về thời gian kiểm tra, thanh tra thuế phù hợp với tính chất vụ việc, theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Đồng thời, cần có quy định thống nhất và khả thi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, đặc biệt đối với hóa đơn điện tử; cần áp dụng mức phạt tăng nặng đối với hành vi tái phạm nhiều lần.

Góp ý cho dự thảo luật, đại diện Hội Tư vấn thuế Việt Nam đề xuất, cần quy định rõ hộ kinh doanh có doanh thu cao phải thực hiện thủ tục ấn định thuế, hoặc bắt buộc chuyển sang hình thức doanh nghiệp để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế và phù hợp với thực tiễn quản lý thuế hiện nay.

Bà Pia Buller - đại diện Liên minh châu Âu tại Việt Nam góp ý, luật mới cần xây dựng đảm bảo các quy định quản lý thuế phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, đồng thời tạo nền tảng pháp lý vững chắc để Việt Nam tham gia sâu hơn vào các sáng kiến về thuế toàn cầu.

Tạo thuận lợi cho người nộp thuế đăng ký thuế lần đầu

Dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế) sửa đổi, bổ sung Điều 32 quy định về địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu của người nộp thuế. Theo đó, người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế là địa điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định.

Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế được quy định như sau: Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan thuế nơi tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đó có trụ sở; Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức, cá nhân đó; Hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ thuế nơi phát sinh thu nhập chịu thuế, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú hoặc nơi phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Đối với cá nhân ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập đăng ký thuế thay cho bản thân và người phụ thuộc nộp hồ sơ đăng ký thuế thông qua tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập. Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm tổng hợp và nộp hồ sơ đăng ký thuế thay cho cá nhân đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức, cá nhân chi trả đó.

Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi quy định về địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế hồ sơ đăng ký thuế lần đầu nhằm phù hợp với nội dung sửa đổi ở Điều 30 quy định về đối tượng đăng ký thuế và cấp mã số thuế./.