VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 5, 24/04/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpPhản đối giá tạm tính của EVN: DN năng lượng tái tạo có thể từ chối bán điện

Phản đối giá tạm tính của EVN: DN năng lượng tái tạo có thể từ chối bán điện

03:12:00 PM GMT+7Thứ 4, 19/03/2025

Công ty mua bán điện EVN (EPTC) đưa ra mức giá tạm tính đối với hơn 100 dự án điện tái tạo nhằm tháo gỡ vướng mắc, bổ sung dòng tiền, tránh nguy cơ vỡ nợ hàng tỷ USD cho các nhà đầu tư nhưng bị các nhà đầu tư phản đối.

Nhà đầu tư cho rằng “không phải lỗi của doanh nghiệp”

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có buổi đối thoại với gần 80 DN là nhà đầu tư của các dự án điện gió và điện mặt trời sau khi nhóm các doanh nghiệp này cùng ký đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Chính phủ về nguy cơ bị hồi tố giá bán điện, không được hưởng giá ưu đãi (FIT).

Tại buổi đối thoại, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, công ty mua bán điện EVN - EPTC đã đưa ra đề xuất, đối với các dự án đang áp dụng giá bán theo FIT1 (9,35 us Cent/Kwh) mà có ngày chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) sau ngày hết hiệu lực của Quyết định giá FIT1 nhưng trong hiệu lực của Quyết định giá FIT2 (7,09us Cent/kwh) thì tạm điều chỉnh giá bán điện theo FIT2.

Trường hợp các dự án đang áp dụng giá FIT1 hoặc FIT2 mà có ngày CCA sau ngày quyết định FIT2 hết hiệu lực thì áp dụng giá “các dự án chuyển tiếp”(1.184,9 đồng/Kwh).

Đại diện mua bán điện EVN - EPTC nhấn mạnh rằng, đây chỉ là mức “giá tạm tính” theo công thức trên và sẽ được áp dụng trong thời gian chờ hướng dẫn/kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

EVN – EPTC đưa ra giá tạm tính bằng khoảng 70% giá FIT2 đối với các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian chờ hướng dẫn/kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, nhóm các nhà đầu tư khẳng định việc EVN đề xuất áp dụng giá tạm tính là vi phạm hợp đồng mua bán điện (PPA) bởi vướng mắc về chứng nhận nghiệm thu hoàn thành “không phải lỗi của doanh nghiệp”.

“Chúng tôi chưa từng được thông báo về việc bắt buộc phải có chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) trước ngày các quyết định giá FIT hết hiệu lực”, nhóm nhà đầu tư nêu.

Cùng với đó, chủ trương hồi tố giá bán điện cũng là không phù hợp. Do đó, các nhà đầu tư đã đề xuất kiến nghị nếu EVN áp dụng giá tạm tính mà gây tổn thất cho các dự án và sau đó có quyết định khác từ cơ quan quản lý nhà nước, EVN phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Lý giải cho đề xuất nêu trên, EVN cho biết việc đưa ra giá tạm tính căn cứ vào Nghị quyết số 233 năm 2024 của Chính phủ và báo cáo số 321 năm 2024 của Bộ Công thương về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện tái tạo. Đồng thời, tuân thủ kết luận số 1027 năm 2023 của Thanh tra Chính phủ.

Nhìn nhận diễn biến này, một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay đây là một bước gỡ vướng tạm thời đối với các dự án điện gió, điện mặt trời nhằm giúp các nhà đầu tư có dòng tiền, tránh nguy cơ vỡ nợ.

Ngoài ra, với ý kiến phản hồi của nhóm doanh nghiệp thì EVN không có lỗi bởi EVN không đủ thẩm quyền trong việc đưa ra yêu cầu pháp lý cho các dự án, mà phải là cơ quan quản lý nhà nước.

Các DN có thể từ chối ký hợp đồng bán điện

Trả lời Tạp chí Đầu tư Tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoạch – Chuyên gia, thành viên Hội đồng khoa học (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) cho rằng, việc EVN đưa ra giá tạm tính thời điểm này là phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hoà cho các bên gồm cả các nhà đầu tư điện tái tạo, EVN và nhà nước.

Ông Hoạch phân tích, về phía nhà đầu tư, hơn 100 dự án năng lượng tái tạo vì nhiều lý do khách quan đã khiến các dự án từng được công nhận vận hành thương mại (COD), nhưng chưa hoàn tất công việc nghiệm thu công trình.

Bên cạnh đó, kết luật số 1027 năm 2023 của Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra vi phạm của một loạt các dự án điện tái tạo và Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ, nếu các dự án vi phạm do lỗi của doanh nghiệp, không đáp ứng đầy đủ điều kiện hưởng giá FIT thì không được hưởng giá FIT ưu đãi.

Chuyên gia Nguyễn Huy Hoạch

Ngoài ra, thực tế giá điện ưu đãi theo FIT1, FIT2 rất có “lợi” đối với các nhà đầu tư. Điều này cũng khiến cho EVN phải mua điện với giá cao, một trong các nguyên nhân khiến EVN lỗ và phải bù lỗ, người dân phải chịu giá điện ở mức cao.

Theo ông Hoạch, phía EVN và các chủ đầu tư dự án nên ngồi lại với nhau để cùng đưa ra phương án trên góc độ thoả thuận giữa hai doanh nghiệp (EVN - Các nhà đầu tư).

“Các DN điện tái tạo cho rằng, trước đây EVN đã công nhận thời điểm vận hành thương mại (COD), trả tiền theo giá FIT ưu đãi nhưng bây giờ EVN đề xuất giá tạm tính và thu hồi lại phần chênh lệch so với giá ưu đãi là không được. Đồng thời, nhấn mạnh nếu có sai phạm sẽ kiện theo hành chính, chứ không được hồi tố”, ý kiến này là chưa hợp lý, ông Hoạch đánh giá.

Vì vậy, ông Hoạch cho rằng, mức “giá tạm tính” của EVN, tương đương với gần 70% giá FIT2 là phù hợp, có lợi cho các bên trong bối cảnh này.

Cũng là năng lượng tái tạo, nhưng EVN mua điện từ các chủ đầu tư thủy điện nhỏ chỉ có giá cao nhất là 1.100 đ/kWh vào giờ cao điểm khi nhu cầu phụ tải của hệ thống điện cao do vận hành thủy điện có tính linh hoạt, trong khi điện gió và điện mặt trời không thể điều độ linh hoạt. Đối với điện mặt trời với khoảng thời gian từ 11 h đến 14 h trong ngày có cường độ bức xạ lớn hay đối với điện gió ban đêm khi cường độ gió mạnh nhưng nhu cầu phụ tải thấp thì EVN vẫn phải mua điện từ hai dạng năng lượng này và giảm huy động công suất các nhà máy điện khác.

Do vậy các nhà chủ đầu tư năng lượng gió và mặt trời cũng nên hiểu rằng giá “tạm tính” mà EVN đưa ra là có căn cứ.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoạch cũng nhận định giải pháp này sẽ giải quyết được các vấn đề. Đầu tiên, các nhà đầu tư có dòng tiền để trả nợ lãi vay và chi phí vận hành, tránh nguy cơ vỡ nợ như kiến nghị. Sau này, sẽ xem xét và tìm ra một giải pháp hợp lý thì bù lại (nếu có).

Về lâu dài, cũng giúp hệ thống điện quốc gia duy trì nguồn cung và sự ổn định trong bối cảnh nguy cơ có thể xảy ra thiếu điện năm 2025 vì một số dự án chậm tiến độ.

"Thủ tướng Phạm Minh Chính khi trao đổi với các nhà đầu tư từng nói “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”. Giá điện ưu đãi đối với năng lượng tái tạo đã “rất tốt”, vì vậy các CĐT nên cân nhắc chấp nhận giá tạm tính bởi chính họ đang có các vi phạm trong nghiệm thu công trình”, ông Hoạch nêu quan điểm.

Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam Đức Long

Đại diện EVN khẳng định việc trao đổi, đối thoại với các nhà đầu tư là tuân thủ quy định của cơ quan nhà nước nhằm tìm giải pháp, hỗ trợ cho các nhà đầu tư dự án điện năng lượng tái tạo.

"Sau khi đối thoại trao đổi thông tin, các DN điện tái tạo có quyền đồng ý hoặc không chấp nhận phương án nhưng nếu không có mức giá, dự án sẽ không thể đưa vào vận hành", đại diện EVN nói với Tạp chí Đầu tư Tài chính.

Một số chuyên gia cũng đồng quan điểm, doanh nghiệp có quyền không bán điện cho EVN và bản chất EVN có thể không mua điện bởi phải tuân thủ theo quy định mới nhất của Bộ Công thương về các thủ tục nghiệm thu và nếu các dự án có vấn đề pháp lý.

“Đang nguy cơ phá sản, thoả thuận bán với giá tạm tính để có thêm dòng tiền là điều tốt giúp cho doanh nghiệp "sống sót". Hoặc DN có thể lựa chọn phương án tiếp tục chờ các quyết định/hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền nhưng chắc chắn thiệt hại sẽ càng lớn”, một vị chuyên gia nói thêm.

TheoXuân Thạch (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global