Thứ 5, 01/05/2025 | English | Vietnamese
09:30:00 AM GMT+7Thứ 2, 24/02/2025
Bình luận về mục tiêu tăng trưởng trên 8% các chuyên gia cho rằng, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, sự khả thi này cũng đi kèm với các điều kiện.
Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên đã được các Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, với những diễn biến vĩ mô ở thời điểm hiện tại, khi số doanh nghiệp rời bỏ thị trường vẫn còn cao, nhiều quan điểm vẫn tỏ ra lo ngại cho rằng đây là mục tiêu quá sức.
Tổng cục Thống kê cho hay trong tháng 01/2025 có hơn 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024. Với số doanh nghiệp rời thị trường tăng cao, mục tiêu năm 2025 Việt Nam có 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động khó đạt được.
Để hoàn thành được mục tiêu về số lượng đang hoạt động và giảm thiểu các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economyca Việt Nam khẳng định năm 2025 sẽ phải tiếp tục hoạt động đẩy mạnh việc thành lập doanh nghiệp mới và giảm bớt những doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cách duy nhất đó là cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng tăng trưởng 2025 sẽ tốt hơn 2024 nhưng cũng đi kèm điều kiện.
Nhiều tổ chức quốc tế đã chỉ rõ nhưng cơ hội và thách thức của nền kinh tế năm 2025 là cân bằng. Do đó, ông Hiếu cho rằng kết quả tích cực hay không phụ thuộc vào chữ “nếu”.
“Cụm từ “tăng trưởng tích cực” của năm 2025 vẫn kèm theo chữ “nếu”. Thậm chí là còn tốt hơn nếu chúng ta làm tốt hơn một số việc”, ông Hiếu nói.
Dưới góc nhìn từ người làm chính sách, ông Hiếu cho rằng, xét trên mặt bằng chung, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối diện với một số khó khăn không dễ giải quyết.
Ví dụ như khó khăn về thị trường, khó hơn nữa là tính cạnh tranh quốc tế. Sự phát triển của thương mại điện tử kéo theo sự gia tăng của các phương thức bán hàng, kinh doanh thương mại xuyên biên giới đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa về nhiều mặt. Bên cạnh đó là khó khăn trong tiếp cận vốn, nguồn nhân lực, công nghệ đều là những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt trong năm nay.
Song, từ góc độ quản lý của Chính phủ, mặc dù rất nỗ lực nhưng nhiều khi cũng khó có thể đưa ra được giải pháp mang tính toàn diện, công bằng và hợp lý.
Như vậy, ngoài vai trò của Chính phủ và các cơ quan liên quan, tôi mong muốn rằng, chúng ta cần phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội. Chỉ có hiệp hội mới có thể làm tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; cùng với đó là phát huy vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn trong giải quyết vấn đề này. Bởi theo tôi, họ chính là cầu nối kinh doanh thương mại với thị trường quốc tế, việc mà bản thân doanh nghiệp nhỏ khó có thể làm được.
Đây là những thách thức chúng ta cần phải nhận diện và giải quyết. Nếu không giải quyết kịp thời, doanh nghiệp sẽ bị giảm năng lực cạnh tranh, thị trường bị “xâm chiếm… thời gian dài, càng tạo thêm những vướng mắc cho doanh nghiệp.
Hướng về tương lai, ông Hiếu kỳ vọng rằng, điều tích cực sẽ đến từ các thay đổi trong nước. Cụ thể là những thay đổi về mặt tư duy, cải cách thể chế, từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh.
“Ngoài những cơ hội truyền thống, nếu việc cải cách thể chế được thực hiện đúng như những định hướng hiện nay và thành công sẽ có 2 tác động lớn. Một là tạo ra thêm cơ hội mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hai là sẽ tạo thêm động lực cho những cơ hội mà chúng ta đã có sẵn, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội”, ông Hiếu nói.
TS. Lê Duy Bình cho rằng, mục tiêu tăng trưởng cao hơn so với năm 2024 là hoàn toàn khả thi, nhưng kèm với nó là những điều kiện như chúng ta sẽ phải làm tốt hơn được động lực tăng trưởng cũ.
Đồng thời, phải có những biện pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề về mặt thể chế, về quy định pháp luật, về quá trình hành xử của các cơ quan công quyền đối với các doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, các hoạt động đầu tư sẽ được thuận lợi hơn, hỗ trợ cho các quyết định đầu tư của người dân, của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng hơn.
Điều này sẽ giúp cho quá trình phân bổ nguồn lực của nền kinh tế sẽ hiệu quả hơn và đưa được nhiều nguồn lực hơn vào quá trình phát triển kinh tế thông qua những cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường….
Vì điều đó sẽ đóng góp trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng năm 2025.
“Như vậy, mục tiêu tăng năm 2025 có thể đạt được, nhưng kèm theo đó có sự nỗ lực rất lớn, thậm chí là nỗ lực phi thường của các chủ thể, nhà quản lý kinh tế, gồm có các cơ quan quản lý như Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, của các doanh nghiệp, của các nhà đầu tư và của người dân”, TS Lê Duy Bình nói.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global