VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 08/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin VCCI“Văn hóa số” trong chuyển đổi số doanh nghiệp

“Văn hóa số” trong chuyển đổi số doanh nghiệp

11:06:00 AM GMT+7Thứ 6, 29/11/2024

Văn hoá kinh doanh là một quá trình xây dựng và giữ gìn trong suốt “cuộc đời” của một doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đã tác động và giúp thúc đẩy phát triển văn hoá doanh nghiệp.

“Văn hóa số” trong chuyển đổi số doanh nghiệp
 

Trong phát biểu tại Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với doanh nghiệp" năm 2024 mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tạo nên sức mạnh mềm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đứng trước những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, chuyển đổi số không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp nâng cấp về công nghệ, cơ sở hạ tầng mà còn liên quan đến thay đổi về cách quản trị, phương thức làm việc và sản xuất, kinh doanh. Vì thế, đi cùng với văn hoá doanh nghiệp hiện đã xuất hiện “văn hoá số”.

Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối nhân tài (Talentnet) cho hay, văn hoá doanh nghiệp là tập hợp niềm tin, giá trị và hành vi của doanh nghiệp, qua phong cách quản trị cũng như các yếu tố vô hình và hữu hình như văn phòng, khách hàng… “Văn hoá số” là áp dụng công nghệ trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, qua đó giúp tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, dám thử nghiệm cũng như nâng tầm quản trị.

Nên theo bà Trinh, “văn hóa số” là một phần mở rộng của văn hóa doanh nghiệp nhưng kích hoạt đổi mới sáng tạo và theo xu hướng của văn hoá doanh nghiệp hiện đại. Khi một người lãnh đạo dẫn dắt doanh nghiệp theo “văn hoá số” thì không phải theo trào lưu mà phải đi theo mục tiêu chiến lược để chuyển đổi doanh nghiệp, đáp ứng các trụ cột chính như đặt khách hàng là trọng tâm, hiệu suất của doanh nghiệp, kích hoạt tinh thần dám đổi mới – dám nghĩ – dám làm của nhân viên để doanh nghiệp không bị tụt hậu với xu thế của nền kinh tế.

Với những định hướng như trên, hiện nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số để vừa nâng cao khả năng xây dựng văn hoá kinh doanh vừa gia tăng năng lực cạnh tranh cho riêng doanh nghiệp.

Ông Alexander Evchenko, Giám đốc điều hành Công ty TNHH 1C Việt Nam đã dẫn ví dụ của Tập đoàn Tonmat, khi ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, doanh nghiệp này có thể quản lý toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ lập kế hoạch, quản lý nguyên vật liệu đến bán hàng, kế toán; qua đó giúp giảm thiểu giấy tờ, tăng tốc độ xử lý công việc…

Hay theo ông Lữ Thành Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA, Công ty quan niệm về văn hóa làm sản phẩm là phải lấy nhu cầu của xã hội, của khách hàng làm trọng tâm. Văn hóa đó thôi thúc đội ngũ làm sản phẩm phải luôn trăn trở để hiện đại hoá, làm ra sản phẩm vượt mong đợi của người dùng về năng suất, chất lượng với giá thành thấp.

Tuy nhiên, một vấn đề trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp nói chung và “văn hoá số” nói riêng là phải thay đổi thói quen và nhận thức từ người nhân viên đến lãnh đạo. Các doanh nghiệp cho hay, đó có thể chỉ đơn giản là việc chuyển thói quen từ ký hợp đồng giấy sang sử dụng chữ ký số hay phức tạp hơn là áp dụng các phần mềm về quản trị doanh nghiệp trong hoạt động…

Nói thêm về vấn đề này, ông Lê Quang Vũ, Giám đốc điều hành của Blue C – doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp về văn hóa doanh nghiệp cho rằng, điều khó khăn nhất trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp là việc có dám làm hay không. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số hiện nay thì văn hóa đóng vai trò định hình cách thức sử dụng công nghệ.

Vào đầu tháng 10/2024, với nguồn kinh phí 33 tỷ đồng từ 5 doanh nghiệp công nghệ lớn, dự kiến sẽ có khoảng 5.100 doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ chuyển đổi số…

Nhưng cùng với hỗ trợ chuyển đổi số, để tạo sự đồng thuận giữa nhân viên và lãnh đạo trong xây dựng văn hoá, đại diện Viện Phát triển Doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) cho rằng, các doanh nghiệp cần tích cực xây dựng và áp dụng các chuẩn mực đạo đức kinh doanh mà VCCI đã công bố bộ tiêu chí từ năm 2022, qua đó xây dựng nền tảng con người của văn hoá kinh doanh.

Hiện đơn vị đang thực hiện Đề án “Thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2024-2030” nhằm tuyên tuyền nâng cao nhận thức của xã hội và của cộng đồng doanh nghiệp về thực hiện qua tắc đạo đức doanh nhân, xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; đồng thời nghiên cứu các nền tảng thiết chế văn hóa của giới doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.... Qua đó giúp các doanh nghiệp áp dụng nhuần nhuyễn giữa chuyển đổi số với xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đáp ứng theo các yêu cầu của thời cuộc, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

TheoHương Dịu (Tạp chí Hải Quan)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global