VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 08/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpXây dựng các mô hình phát triển lúa đem lại giá trị cao

Xây dựng các mô hình phát triển lúa đem lại giá trị cao

09:38:00 AM GMT+7Thứ 6, 29/11/2024

Cây lúa vốn là biểu tượng của sản phẩm trồng trọt Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp gây khó khăn cho sản xuất lúa. Cùng với đó là những hạn chế trong khâu liên kết chuỗi giá trị, dẫn đến thu nhập của người trồng lúa chưa ổn định.

 
Xây dựng các mô hình phát triển lúa đem lại giá trị cao- Ảnh 1.

Năng suất lúa vụ hè thu 2024 đạt từ 6,3 - 6,6 tấn/ha

Trước bối cảnh đó, Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" sẽ giúp tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp triển khai 7 mô hình thí điểm thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh).

Hiệu quả mô hình lúa chất lượng cao

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, diện tích đất trồng lúa của tỉnh khoảng 395.000ha, chiếm 62% diện tích tự nhiên. Từ lâu, lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh Kiên Giang, sản lượng hàng năm trên 4,4 triệu tấn. Riêng năm 2024 sản lượng lúa đạt khoảng 4,6 triệu tấn.

Thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Kiên Giang triển khai 2 mô hình thí điểm trên 2 vùng sinh thái khác nhau. Trong đó, 1 mô hình tại huyện Tân Hiệp đã cho thu hoạch. Năng suất mô hình sạ hàng + vùi phân đạt 5,43 tấn/ha, sạ cụm + vùi phân đạt 5,26 tấn/ha, sạ bằng drone đạt 5 tấn/ha (so với đối chứng đạt 4,89 tấn/ha), chênh lệch năng suất giữa mô hình trình diễn và đối chứng khoảng 340kg/ha.

Chi phí điểm trình diễn giảm hơn 3,3 triệu đồng và lợi nhuận đạt hơn 25 triệu đồng/ha, tăng so với đối chứng trên 6 triệu đồng/ha và tăng 32% so với ngoài mô hình. Kết quả giảm phát thải tại mô hình thí điểm từ 7,56 đến 8,11 tấn CO2/ha. Còn lại 1 mô hình 10ha trên vùng đất lúa - tôm tại xã Đông Thạnh, huyện An Minh hiện lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông, phát triển tốt.

Ông Nghĩa cho biết thêm, trong thực hiện các mô hình thí điểm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn gặp một số khó khăn do thiếu máy móc, thiết bị gieo sạ tập trung, một bộ phận nông dân còn chưa mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất. Trước thực trạng trên, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động từ các địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ đảm bảo cho việc thực hiện thí điểm Đề án.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp với diện tích 43,1ha vụ thu đông 2024 tại ấp 4, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười như sau: lượng giống 70kg/ha (giảm 80kg/ha so với ngoài mô hình), sạ hàng và sạ cụm kết hợp vùi phân, giảm 26kg - 50kg/ha phân bón tùy loại, giảm thuốc bảo vệ thực vật 1 lần trừ sâu, 2 lần trừ rầy, 2 lần trừ bệnh. Quản lý nước ướt khô xen kẽ, rút nước thành công 3/4 lần.

Kết quả mô hình tại Đồng Tháp giảm 4,92 tấn CO2 tương đương/ha, đạt năng suất 6,1 tấn/ha, giảm chi phí 1,6 triệu đồng/ha, giảm giá thành sản xuất 399 đồng/kg, được công ty thu mua giá 8.300 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn 4,3 triệu đồng/ha.

Qua đánh giá, mô hình đã đạt các mục tiêu của đề án 1 triệu ha lúa về canh tác bền vững (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón hóa học, giảm thuốc bảo vệ thực vật..), về tổ chức lại sản xuất (liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã), về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh (thu gom rơm khỏi đồng ruộng, giảm tỉ lệ phát thải khí nhà kính).

Không chỉ riêng tỉnh Kiên Giang hay tỉnh Đồng Tháp, theo Trung Tâm Khuyến nông Quốc gia, tổng kết tại các mô hình thí điểm cho thấy năng suất lúa vụ hè thu 2024 đạt từ 6,3 - 6,6 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 0,2 - 0,7 tấn/ha. Năng suất lúa vụ thu đông 2024 đạt từ 6,2 - 6,5 tấn/ha, cao hơn đối chứng ngoài mô hình từ 0,0 - 0,4 tấn/ha.

Tổng chí phí đầu vào giảm 10 - 15% so với đối chứng, trong đó giảm 40 - 50% lượng giống gieo sạ, giảm 3 - 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30 - 40% lượng nước tưới. Hiệu quả kinh tế tăng từ 2,3 - 7,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Giảm phát thải khí nhà kính trung bình 5 - 6 tấn CO2 tương đương/ha.

Thống nhất quy trình canh tác của các địa phương

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT cho biết, để mở rộng diện tích thực hiện Đề án đòi hỏi các địa phương tham gia cần thống nhất thực hiện đúng quy trình canh tác đã được các địa phương, nông dân áp dụng tại các mô hình thí điểm vừa qua và sự tham gia liên kết của doanh nghiệp, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Thanh, liên kết giữa các bên có vai trò quan trọng đến việc triển khai thực hiện Đề án để đạt được các tiêu chí, nâng được giá trị, thương hiệu lúa gạo của ĐBSCL và cả nước. Vì vậy, thời gian tới, cần hình thành được liên kết cụ thể giữa các bên liên quan trong tham gia thực hiện Đề án. Các địa phương cần chú trọng công tác đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ các tổ khuyến nông cộng đồng. Đồng thời có chính sách hỗ trợ kinh phí phù hợp để họ an tâm công tác, gắn bó hỗ trợ nông dân canh tác đạt hiệu quả cao nhất.

"Cùng với đó, các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nông dân tích cực tham gia Đề án. Bởi khi nông dân vào cuộc tích cực cùng sự chung tay của doanh nghiệp và các cấp chính quyền mới có thể thực hiện hiệu quả Đề án", ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Sở NN&PTNT các tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc triển khai các nội dung hoạt động của Đề án tại địa phương. Hệ thống khuyến nông, đặc biệt là khuyến nông cơ sở cần phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Tăng cường sự phối hợp, hợp tác giữa khuyến nông, địa phương với doanh nghiệp.

Ông Thanh cho biết thêm, ngành nông nghiệp cũng đang triển khai dự án Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024-2024 (bắt đầu từ vụ thu đông 2025) có quy mô là 600ha. Địa bàn triển khai là 5 tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và TP Cần Thơ.

Mục tiêu dự án sẽ có 600ha lúa chất lượng cao, năng suất bình quân lớn hơn 6,2 tấn/ha; Chi phí đầu vào giảm tối thiểu 15% so với sản xuất đại trà; Thu gom hết rơm rạ ra khỏi đồng ruộng, xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học; Giảm phát thải khí nhà kính CH4; Tiêu thụ hơn 60% sản phẩm của mô hình; Hiệu quả kinh tế tăng 15% so với canh tác theo sản xuất đại trà.

TheoBáo Chính phủ
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global