Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Người lao động bị động kinh, công ty có quyền cho nghỉ việc?

Thứ tư, 29-01-2020 | 15:35:00 PM GMT+7 Bản in
Bạn đọc có email ngatax@xx gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Công ty tái cơ cấu muốn cho nhân viên nghỉ việc, nhưng người đó bị bệnh động kinh, có giấy chứng nhận của bác sĩ là phải chữa bệnh từ 2-3 năm và không muốn nghỉ việc. Trường hợp này có chịu sự tác động của Điều 39 Bộ luật Lao động 2012 về trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:

Điều 44 Bộ luật Lao động 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế như sau:

1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của bộ luật này.

2. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của bộ luật này.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của bộ luật này.

3. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

Đây là điều luật độc lập với Điều 38 của Bộ luật Lao động 2012, do đó không chịu tác động của Điều 39 Bộ luật Lao động 2012 về trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nói cách khác, trong trường hợp công ty thực sự tái cơ cấu và người lao động đó nằm trong diện phải cho nghỉ việc vì không thể đào tạo để tái sử dụng thì công ty được quyền cho nhân viên đó nghỉ việc.

Tư vấn pháp luật

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 - gọi đường dây nóng: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến số 6 Phạm Văn Bạch, Hà Nội và 198 Nguyễn Thị Minh Khai, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp vào các ngày thứ Ba, thứ Sáu hàng tuần.

Theo NAM DƯƠNG(Báo Lao động)
Ý kiến bạn đọc (0)