Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Sửa đổi quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất hóa lý giống nhau theo Thông tư số 44/2017/TT-BTC

Thứ bẩy, 18-09-2018 | 14:12:00 PM GMT+7 Bản in

Tên kiến nghị: Sửa đổi quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất hóa lý giống nhau theo Thông tư số 44/2017/TT-BTC

Tình trạng: Đã phản hồi

Đơn vị kiến nghị: Công ty Cổ phần Đá quý và Vàng Hà Nội

Công văn: 2065/PTM - VP, Ngày: 17/09/2018

Nội dung kiến nghị:

Công ty Cổ phần Đá quý và Vàng Hà Nội có tiền thân là Công ty Đá quý và Vàng Hà Nội, là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng Công ty Đá quý và Vàng Việt Nam (cũ), đuợc thành lập theo quyết định số 1942/ QĐ- TCCB ngày 15.7.1996 của Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương). Năm 2005, Công ty cổ phần hoá theo quyết định số : 2720/ QĐ- BCN ngày 25/08/2005 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) trong đó cổ đông Nhà nước (Tổng Công ty Khoáng sản - VINACOMIN) sở hữu 48,31% cổ phần.

Thời gian gần đây Công ty chúng tôi được biết Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của các địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp… về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất hóa lý giống nhau (Thông tư số 44/2017/TT-BTC). Là doanh nghiệp hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực đá quý Công ty chúng tôi thấy có một số bất cập sau:

- Trong Thông tư số 44/2017/TT-BTC tại mã II20 về Kim cương, Ruby, Saphia mục II200102 và II200201 về giá tính thuế tài nguyên của ruby và saphia trang sức không khuyết tật > 2mm từ 25.000.000 đến 30.000.000 triệu đồng/viên là không hợp lý vì:

+ Ruby và Saphia theo trữ lượng địa chất (241,08kg) cũng như trữ lượng khai thác (299,03kg) đều được tính bằng đơn vị là kilogam (kg) và mỗi kilogam sản phẩm ruby, saphia thô có thể gồm hàng nghìn viên có kích thước từ 2mm đến 10mm và lớn hơn. Thực tế qua công tác thăm dò của Công ty (Kết quả phân loại và phân cấp chất lượng tại Báo cáo thăm dò Ruby-Saphia tại khu vực Đồi Tỷ-Khe Mét, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An do Công ty thực hiện đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản phê duyệt) loại ruby-saphia có kích thước từ 2-3mm chiếm đến 56% (không đếm viên), loại có kích thước từ 3-5mm chiếm 33,69% (không đếm viên). Như vậy có thể thấy loại ruby, saphia có kích thước nhỏ từ 2-5mm chiếm đến 89,69% và theo kết quả phân tích loại này không đếm được số viên nên việc áp giá tính bằng viên là không thực tế. 

+ Ruby và saphia khai thác được có cấp chất lượng từ loại A+B+C+D+E trong đó chỉ có loại A và B là có giá trị trang sức còn cấp D và E không có giá trị về trang sức. Theo kết quả phân loại và phân cấp chất lượng tại Báo cáo thăm dò thì ruby, saphia loại A và B chỉ chiếm 21,5% và nằm ở nhóm có kích thước nhỏ từ 2-5mm (không đếm được số viên). Thực tế loại ruby, saphia có kích thước >5mm và đạt được chất lượng có giá trị trang sức là rất hiếm và không thể xác định được, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố may rủi.

+ Hiện nay theo thực tế kinh doanh của Công ty cũng như trên thị trường giá ruby, saphia thô loại A (loại có giá trị thương phẩm) có kích thước từ 2-3mm chỉ từ 1.000 - 2.000 USD/kg (khoảng 23.500.000 - 47.000.000đ/kg).

- Việc dùng đơn vị tính là viên cũng bất hợp lý vì hàm lượng đá quý Ruby - Saphia được tính bằng g/m3 và trữ lượng được tính bằng kilogam (kg):   Báo cáo thăm dò Ruby-Saphia tại khu vực Đồi Tỷ-Khe Mét, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản có Quyết định số 143/QĐ-HĐTL/CT công nhận chỉ tiêu tạm thời tính trữ lượng Ruby-Saphia tại khu vực Đồi Tỷ-Khe Mét, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An: Hàm lượng tối thiểu ruby+saphia+corindon cỡ hạt >2mm, theo khối trữ lượng > 4g/m3. Báo cáo thăm dò của Công ty đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản thông qua tại Biên bản họp ngày 15 tháng 1 năm 2009 và sau đó trữ lượng của mỏ đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản phê duyệt theo Quyết định số 647/QĐ-HĐTLKS ngày 26 tháng 02 năm 2009, theo Quyết định này thì mỏ Đá quý Ruby-Saphia Đồi Tỷ-Khe Mét, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An có trữ lượng đá quý (Ruby-Saphia) loại A+B+C+D+E là 241,08 kg.

- Về giá bán sản phẩm: Dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh của mỏ Đá quý Quỳ Châu những năm trước đây của Công ty Đá quý và Vàng Nghệ An (nay là Xí nghiệp Đá quý và Khoáng sản Nghệ An trực thuộc Công ty Cổ phần Đá quý và Vàng Hà Nội) từ năm 1992-1995 với giá bán trung bình của 1kg đá quý thô khai thác được là khoảng 437.000.000đ/kg – tương đương khoảng 39.700 USD/kg, trong đó có 01 viên giá trị nhất có trọng lượng 56carat (11,2g) bán được 560.000USD (khoảng 6.160.000.000 đồng theo tỷ giá thời điểm đó), đồng thời căn cứ mức độ trượt giá và mức tăng giá chung  của Việt Nam đến thời điểm lập Dự án để chúng tôi tạm tính giá bán trung bình của 1kg đá quý thô là 600.000.000đ/kg. Thời điểm hiện tại Công ty chúng tôi kỳ vọng sẽ bán được từ 800.000.000 – 960.000.000 đ/kg sản phẩm ruby-saphia khai thác được.

Từ các số liệu trên cho thấy giá của ruby và saphia trang sức không khuyết tật > 2mm từ 25.000.000 đến 30.000.000 triệu đồng/viên theo Thông tư số 44/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính chỉ áp dụng được đối với ruby-saphia loại A có kích thước >5mm và đã được chế tác (không thể xác định được trong khai thác do yếu tố may rủi) còn để áp giá tính thuế tài nguyên của ruby và saphia là không phù hợp với thực tế và không thể thực hiện.

Qua các ý kiến và phân tích trên đây Công ty Cổ phần Đá quý và Vàng Hà Nội kiến nghị Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính sửa mã II20 về Kim cương, Ruby- Saphia về giá tính thuế tài nguyên của ruby và saphia của Thông tư số 44/2017/TT-BTC:

- Dùng đơn vị tính là kilogam (kg).

- Gộp các mã nhóm II200102 với II200103 thành mã nhóm II200102; Các mã nhóm II200201 với II200202 thành mã nhóm II200201.

- Áp giá tính thuế tài nguyên chung đối với ruby và saphia: Giá tối thiểu: 800.000.000đ/kg và giá tối đa là 960.000.000đ/kg (Giá này tương đối phù hợp với đề xuất của UBND tỉnh Nghệ An tại Công văn số 2857/UBND-KT ngày 03 tháng 5 năm 2018 gửi Bộ Tài chính và Tổng cục thuế đề nghị Bộ Tài chính bổ sung 02 danh mục: Mã II200105: Ruby thô với mức giá là 800.000.000 đ/kg và Mã II200205: Saphia với mức giá là 800.000.000 đ/kg).

Công ty Cổ phần Đá quý và Vàng Hà Nội kính đề nghị Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đưa ra khung giá tính thuế tài nguyên đối với ruby và saphia với đơn vị tính là kilogam (kg) và mức giá từ 800.000.000 -960.000.000 đ/kg như kiến nghị của Công ty nhằm tạo điều kiện giúp đỡ Công ty sớm được hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước cũng như nộp tiền cấp quyền khai thác, hoàn tất Hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác mỏ tại khu vực Đồi Tỷ-Khe Mét, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An và được cấp Giấy phép khai thác mỏ trong thời gian gần nhất để CBCNV Công ty có việc làm, có thu nhập giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.


Đơn vị phản hồi: Bộ Tài chính

Công văn: 2571/BTC - CST, Ngày: 07/03/2019

Nội dung trả lời:

Bộ tài chính đang tổng hợp nghiên cứu, giải trình tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo thông tư

Ý kiến bạn đọc (0)