Thứ 6, 25/07/2025 | English | Vietnamese
10:40:00 AM GMT+7Thứ 4, 23/07/2025
Các chuyên gia đánh giá, thị trường EFTA (khối các quốc gia Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein) rất tiềm năng cho những doanh nghiệp xuất khẩu có năng lực, sản phẩm chất lượng.
Trường Đại học Ngoại thương (FTU) và Sở Công Thương TP. Đà Nẵng vừa phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại công - tư với chủ đề "Tiềm năng thị trường khối EFTA trong bối cảnh đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EFTA".
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Tiểu dự án "Thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EFTA" thuộc Dự án SWISSTRADE do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ.
Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EFTA đang trong giai đoạn đàm phán và và kỳ vọng sớm được ký kết. EFTA được đánh giá có nhiều điểm tương đồng với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký trước đó, như CPTPP, EVFTA hay UKVFTA.
Đây là lợi thế quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng thích ứng và vận dụng những kinh nghiệm sẵn có trong việc tuân thủ cam kết, nâng cao chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất.
Theo bà Trâm, đối với thị trường EFTA, dù quy mô không quá lớn so với các khối FTA khác, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa TP. Đà Nẵng với các nước trong khối còn khá hạn chế. Nhưng đây lại là khu vực có thu nhập cao, yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe và rất tiềm năng cho những doanh nghiệp có năng lực, sản phẩm chất lượng.
"Các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, thủy sản, dệt may, thiết bị điện tử, hàng tiêu dùng cao cấp, vốn là thế mạnh của doanh nghiệp miền Trung, hoàn toàn có cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng EFTA nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược phù hợp", bà Trâm cho hay.
Tương tự, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) đánh giá, thị trường EFTA (bao gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein) có dân số chỉ khoảng 14 triệu người nhưng GDP bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới. Đặc biệt, thị trường này có đầy tiềm năng, quốc gia giàu có, yêu cầu cao về chất lượng, tính bền vững và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Dẫn chứng về các sản phẩm cụ thể, ông Lăng cho biết, đối với các sản phẩm như tôm, cá tra chế biến, thị trường EFTA có nhu cầu thực phẩm tiện lợi, chất lượng cao, bền vững. Do đó, doanh nghiệp có thể thâm nhập kênh bán lẻ với sản phẩm giá trị gia tăng (ready-to-cook); thị trường ngách cho sản phẩm hữu cơ.
Ngoài ra, sản phẩm đồ gỗ nội thất, doanh nghiệp sẽ có cơ hội xuất khẩu sản phẩm có thiết kế hiện đại, phù hợp thị hiếu Bắc Âu; nhu cầu cao về sản phẩm bền vững. Hay sản phẩm dệt may, da giày cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, khi Thụy Sĩ bỏ thuế hàng công nghiệp; thị trường ngách cho sản phẩm từ vật liệu tái chế, hữu cơ…
TS. Vũ Thị Phương Mai, Đại học Ngoại Thương Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn vào thị trường cao cấp EFTA. Tuy nhiên, để vào thị trường này, doanh nghiệp Việt cần chủ động nâng cao năng lực hội nhập.
Trong đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu quy tắc xuất xứ, thị trường EFTA, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh ATTP; chuẩn bị nguồn lực, công nghệ, truy xuất nguồn gốc, bao bì bền vững, năng lực sản xuất sạch.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng thương hiệu, gắn với ESG, truyền thông thương hiệu phù hợp thị hiếu châu Âu; đa dạng kênh phân phối, Kết hợp truyền thống và số hóa (thương mại điện tử, sàn quốc tế).
Bà Mai cũng kiến nghị cho từng ngành hàng, như dệt may và da giày cần phải tự chủ nguyên phụ liệu, hiểu rõ quy tắc xuất xứ, tăng xúc tiến tại Thụy Sỹ, Na Uy; thu hút FDI, xây dựng thương hiệu nội địa chất lượng cao.
Hay ngành điện tử, phát triển công nghiệp phụ trợ, liên kết doanh nghiệp FDI và nội địa, ứng dụng đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0; dược phẩm cần bám sát quy định SHTT và tiêu chuẩn dược châu Âu, cung cấp dịch vụ hậu mãi, khai thác thế mạnh y dược Việt.
Ngoài ra, nông - lâm - ngư nghiệp cần phải đầu tư sản xuất hữu cơ, thân thiện môi trường, liên kết vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận…
Trong khi đó, để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng xuất khẩu vào thị trường EFTA, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu như: Chương trình xúc tiến thương mại, chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách hỗ trợ chương trình OCOP, quảng bá sản phẩm...
Đặc biệt, việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng được kỳ vọng trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao, tạo động lực lan tỏa đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; trở thành một mắt xích quan trọng kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.
Đối với doanh nghiệp, bà Trâm đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia các chương trình tư vấn, đào tạo, khai thác sâu hơn các thị trường FTA, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và năng lực quản trị.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global