VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 04/05/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpDragon Capital: 2 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025

Dragon Capital: 2 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025

03:27:00 PM GMT+7Thứ 2, 13/01/2025

Ở kịch bản cao, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao 7,5-9%. Chuyên gia Dragon Capital cũng cho rằng cần mức tăng trưởng tiêu dùng bình quân 10-12%, kết hợp với đà tăng từ đầu tư, nền kinh tế hoàn toàn có thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP hai con số.

Nhiều dư địa từ 3 cấu phần tăng trưởng GDP

Tại hội nghị nhà đầu tư 2025 do Dragon Capital tổ chức với chủ đề "Tăng trưởng cùng Rồng" mới đây, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư của Dragon Capital đánh giá, năm 2024 Việt Nam đã tạo dựng được một nền tảng ổn định với nhiều điểm sáng.

Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt mức khả quan, cùng với những yếu tố tích cực giúp Chính phủ tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng cao, từ 8-10%. Đặc biệt, lạm phát - mối lo ngại lớn của nhiều quốc gia - may mắn chưa trở thành vấn đề đáng lo tại Việt Nam.

Về tín dụng, năm 2023 ghi nhận tăng trưởng thấp trong các quý đầu nhưng bứt phá mạnh mẽ vào cuối năm. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, tín dụng đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định hơn, phản ánh sự điều hành linh hoạt và hiệu quả hơn.

Mặt khác, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng đã khiến đồng VND chịu áp lực. Chỉ số đồng USD (DXY) tăng mạnh từ 101 điểm lên 109 điểm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách tiền tệ trong nước.

Năm 2025, khả năng cán cân thương mại có thể giảm nhẹ, nhưng cấu phần xuất nhập khẩu vẫn sẽ đóng góp tích cực vào GDP. Ảnh:TTXVN.

Bước sang năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ấn tượng, dựa trên 3 cấu phần chính: Xuất nhập khẩu; Đầu tư; Và tiêu dùng nội địa.

Phân tích các cấu phần này, chuyên gia Dragon Capita cho rằng, với xuất nhập khẩu, trong giai đoạn Trump 1.0, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt. Tuy nhiên, với Trump 2.0, tình hình vẫn chưa rõ ràng, khả năng cán cân thương mại có thể giảm nhẹ, nhưng cấu phần xuất nhập khẩu vẫn sẽ đóng góp tích cực vào GDP.

Đối với cấu phần đầu tư, với tỷ lệ đóng góp 31-32% vào GDP, đầu tư là yếu tố quan trọng. Chỉ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) hiện vẫn là thước đo cần chú ý. Khi chỉ số này tăng cao, điều đó cho thấy nền kinh tế phụ thuộc vào vốn đầu tư, do đó, cần tập trung vào chất lượng các dự án đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả như giai đoạn trước, khi ICOR từng chạm mức 41%.

"Việc quản lý chặt chẽ hơn các dự án, đặc biệt là xử lý những dự án "đắp chiếu" nhiều năm, sẽ góp phần cải thiện hiệu quả đầu tư và tăng trưởng GDP một cách bền vững…", chuyên nhận định.

Nhìn lại tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1992-1997, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP ấn tượng 8-9%, nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong cải cách kinh tế, cùng với bài học từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc - nơi GDP từng tăng bình quân trên 10% cho thấy, chỉ số ICOR của họ dao động từ 3-4, Giám đốc Đầu tư của Dragon Capital Lê Anh Tuấn cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao mà Việt Nam đặt ra, ICOR cũng cần nằm trong ngưỡng 2-4.

Về chính sách tài khóa, chuyên gia nhận định Chính phủ sẽ tiếp tục tăng tốc giải ngân đầu tư công, mà dự án Metro và tới đây là dự án sân bay Long Thành, hay nhà ga Tân Sơn Nhất… là một ví dụ điển hình về sự "kỳ tích" vượt tiến độ…

Theo ông Tuấn, đầu tư công không chỉ giữ vai trò chủ đạo mà còn có khả năng dẫn dắt khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế. “Để thúc đẩy đầu tư tư nhân, điều quan trọng là khơi gợi lòng tin và “lòng tham” của khối này. Khi doanh nghiệp tư nhân nhận thấy Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội rõ ràng, họ sẽ sẵn sàng tăng đầu tư."- Chuyên gia phân tích.

Cấu phần thứ ba- tiêu dùng nội địa, theo chuyên gia Vina Capital, cấu phần này đóng vai trò quan trọng, cần được duy trì và nâng cao mức tăng trưởng, đặc biệt sau những tín hiệu phục hồi tích cực từ đại dịch.

“Chỉ cần mức tăng trưởng tiêu dùng bình quân 10-12%, kết hợp với đà tăng từ đầu tư, nền kinh tế hoàn toàn có thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP hai con số…”- ông Tuấn quả quyết.

Năm 2024, tiêu dùng nội địa tăng 9%. Ảnh: CT

Kịch bản nào?

Dựa trên các yếu tố kinh tế vĩ mô và chính sách quốc tế, Dragon Capital đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong năm 2025. Các kịch bản này đều phụ thuộc vào chính sách thương mại của Mỹ giai đoạn Trump 2.0.

Ở kịch bản 1, nếu chính sách thương mại của Mỹ quá cứng rắn và dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ bị thu hẹp, lãi suất có thể tăng 1-1,5%. Khi đó, GDP dự kiến tăng trưởng ở mức 6,5-7%.

Với kịch bản 2, nếu các chính sách của Mỹ được điều chỉnh có mục tiêu và chọn lọc hơn, trong khi chính sách tiền tệ duy trì sự linh hoạt với lãi suất chỉ tăng khoảng +/-0,7%, nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng cao 7,5-9%.

Về lợi nhuận doanh nghiệp, Dragon Capital cũng dự báo 3 kịch bản tăng trưởng. Tăng trưởng thấp (5-8%) nếu các chính sách bảo hộ thương mại được đẩy mạnh; tăng trưởng cơ sở (15-17%); tăng trưởng cao (18-25%) trong trường hợp chính sách tài khóa tích cực và đầu tư công đạt hiệu quả vượt kỳ vọng.

“Với những kỳ vọng tích cực từ tăng trưởng kinh tế và sự chuyển động mạnh mẽ của các yếu tố vĩ mô, Việt Nam đang đứng trước cơ hội bước vào một chu kỳ đầu tư đầy tiềm năng. Đây sẽ là giai đoạn bứt phá mạnh mẽ của nền kinh tế, hứa hẹn mang lại nhiều đột phá trong tương lai…”- Chuyên gia Vina Capital nhấn mạnh.

Ba cấu phần tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 như thế nào?
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 3.692,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 1.019,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng vốn và tăng 5,3%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 2.064,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,9% và tăng 7,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 608,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,5% và tăng 10,6%.
Trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391,0 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm trước (năm 2023 tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9% (năm 2023 tăng 6,8%). So với năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 29,4%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 31,5% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,8%.

TheoThanh Thanh (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global