VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 11/01/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpKhai mạc Diễn đàn M&A Việt Nam 2024: Nhộn nhịp thương vụ

Khai mạc Diễn đàn M&A Việt Nam 2024: Nhộn nhịp thương vụ

10:40:00 AM GMT+7Thứ 5, 28/11/2024

Chiều 27/11, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2024 (M&A Vietnam Forum 2024) lần thứ 16 do Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra tại Khách sạn JW Marriott Saigon (TP.HCM).

 
MA (1).jpg
Diễn đàn thu hút hơn 400 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam. Ảnh: Việt Dũng

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 16 - năm 2024 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang từng bước phục hồi và thị trường M&A được dự báo sẽ sôi động trở lại sau giai đoạn trầm lắng.

Theo số liệu của Dealogic, các thương vụ M&A được công bố trên toàn cầu tính tới ngày 25/9/2024 đạt 846,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị thương vụ M&A tại châu Á - Thái Bình Dương tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, đạt 273 tỷ USD nhờ một số thương vụ giá trị lớn.

Tuy nhiên, trong bình diện chung đó, khối lượng và giá trị giao dịch trong khu vực Đông Nam Á lại khá ảm đạm. Dù lãi suất được điều chỉnh giảm và các chính sách tiền tệ phù hợp được ban hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song ảnh hưởng từ những thách thức toàn cầu lẫn khu vực, các nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn thận trọng và hạn chế các hoạt động M&A.

Riêng Việt Nam, theo tổng hợp từ KPMG thị trường M&A vẫn đạt tổng giá trị giao dịch 3,2 tỷ USD, với hơn 220 thương vụ, tăng 45,9% (so với mức giảm 11,3% trong tổng giá trị giao dịch của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines). Trong đó, giá trị trung bình của thương vụ 56,3 triệu USD và giá trị cao nhất của thương vụ là 982 triệu USD. 88% giá trị giao dịch đến từ ngành bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp.

Dù hoạt động giao dịch trong 2024 vẫn đang diễn ra một cách thận trọng dưới nhiều thách thực nội địa cũng như toàn cầu, các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng lâu dài vẫn hiện hữu tại Việt Nam. Trong 2025, dự báo sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn, với các giao dịch tạm hoãn trước đây có khả năng trở lại. Nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ, vốn từng dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam dự kiến sẽ quay trở lại từ năm 2025.

Các giao dịch được thúc đẩy bởi niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế ổn định của Việt Nam và các chính sách chủ động, sâu rộng từ Chính phủ. Đặc biệt, các ưu đãi thuế, cải cách quy định kinh doanh, và hỗ trợ chiến lược cho các ngành có tốc độ tăng trưởng cao không chỉ mang tính biểu tượng mà còn là các chính sách thực tế nhằm định vị Việt Nam là một thị trường hấp dẫn cho dòng vốn xuyên biên giới.

Kết hợp với trọng tâm phát triển hạ tầng và số hóa, các yếu tố này có thể tạo động lực lớn thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam và trở thành điểm sáng của ngành tại Đông Nam Á.

MA (2).jpg
Diễn đàn M&A Việt Nam là nơi chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu. Ảnh: Việt Dũng

Với những yếu tố đó, Diễn đàn M&A Việt Nam năm nay tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc của đông đảo nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Với chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ”, Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2024 sẽ thảo luận chuyên sâu về các cơ hội M&A đang trỗi dậy nhờ sự gia tăng của dòng vốn quốc tế, sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích của Chính phủ, định giá doanh nghiệp hấp dẫn. Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của các lĩnh vực tiềm năng như bất động sản, bán lẻ, công nghệ, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính và logistics.

Bên lề Diễn đàn, Ban Tổ chức dành không gian và thời gian cho các hoạt động kết nối đầu tư, gặp gỡ các doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ thông tin, tìm kiếm đối tác. Đặc biệt, Vinh danh các Thương vụ & Nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2023 - 2024.

Song hành với Diễn đàn, Báo Đầu tư chính thức phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam 2024”. Đặc san được xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh trong tháng 11/2024, cập nhật đầy đủ thông tin về hoạt động M&A tại Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm về M&A từ các thương vụ và những xu hướng, lĩnh vực mới trong thời gian tới.

Phiên 1: Thị trường M&A: Những chuyển động lớn từ bối cảnh vĩ mô và xu hướng dòng vốn quốc tế

Dưới sự điều phối của ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành, Công ty Luật Baker McKenzie, các diễn giả sẽ tập trung phân tích bối cảnh vĩ mô, sự thay đổi về chính sách, các xu hướng lớn toàn cầu ảnh hưởng đến thị trường M&A và dòng vốn quốc tế; Tác động của tăng trưởng GDP, lạm phát, chính sách tiền tệ đến M&A; Các thay đổi về luật pháp, giới hạn sở hữu nước ngoài và ưu đãi thuế.

Nội dung phiên thảo luận này cũng tập trung đánh giá về xu hướng đầu tư quốc tế. Trong đó, nhận định nhà đầu tư ngoại đang tìm kiếm điều gì? Những lĩnh vực nào tại Việt Nam đang thu hút dòng vốn quốc tế?; Dự báo tăng trưởng M&A trong các thị trường và lĩnh vực chủ chốt.

Phiên 1 sẽ có sự xuất hiện của các diễn giả: ông Dominic Scriven, OBE, Chủ tịch Công ty Dragon Capital Việt Nam; ông Tamotsu Majima, Giám đốc cấp cao, RECOF Corporation; bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch, Công ty Luật VILAF; ông Đinh Thế Anh, Thành viên điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn Tài chính doanh nghiệp, KPMG Việt Nam; ông Oh Hsiu-Hau, Luật sư điều hành, Công ty Allen & Gledhill (Việt Nam); ông Lee Leong Seng, Giám đốc Bộ phận Phát triển Bất động sản Nhà ở, Khối Bất động sản, Keppel Việt Nam.

Phiên 2: Giải mã nhu cầu và chiến lược thành công trong các thương vụ M&A

Phiên thảo luận này được điều phối bởi Nhà báo Phùng Huy Hào, Thư ký Tòa soạn Báo Đầu tư. Các diễn giả sẽ thảo luận các chiến lược thực tiễn, nhu cầu của các bên tham gia (bên mua, bên bán), và các bước để thực hiện thương vụ thành công.

Những doanh nghiệp nào đang tìm kiếm đối tác M&A để mở rộng thị trường hoặc thoái vốn? Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nào đang trở thành mục tiêu hấp dẫn? Sự khác biệt trong chiến lược M&A giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế?.

Chiến lược xây dựng năng lực tài chính mạnh mẽ và huy động vốn hiệu quả để chuẩn bị cho các giao dịch M&A; Các rào cản pháp lý, thách thức văn hóa doanh nghiệp sau sáp nhập; Chia sẻ từ các thương vụ thành công, các bài học về cách tối ưu hóa giá trị và tích hợp sau M&A; Làm thế nào để tránh các rủi ro pháp lý và văn hóa trong quá trình M&A?

Phiên 2 sẽ có sự xuất hiện của các diễn giả: ông Angus Liew, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Gamuda Land Việt Nam; bà Bình Lê Vandekerckove, Tổng giám đốc, Trưởng Bộ phận Mua bán & Sáp nhập, Công ty Tư vấn thương vụ ASART; bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Tổng Giám Đốc Công ty cổ phần Đầu Tư & Xây dựng Phúc Khang; bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Kim Oanh Group; bà Nguyễn Trần Thục Anh, Giám đốc đầu tư, Covestcons; ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch, Tập đoàn BCG; ông Phạm Duy Khương, Luật sư điều hành, Công ty Luật ASL.

TheoTrọng Tín (Báo Đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global