Thứ 5, 29/05/2025 | English | Vietnamese
02:46:00 PM GMT+7Thứ 3, 27/05/2025
Quy định phức tạp, nặng về hành chính, khiến nhiều DN lúng túng, thậm chí lo ngại khi thực hiện chi từ quỹ phát triển khoa, học công nghệ. Vì vậy, quy định chi quỹ khoa học, công nghệ trong DN cần sửa đổi theo hướng linh hoạt, giảm thủ tục… để khuyến khích DN sử dụng quỹ.
Doanh nghiệp thiếu vốn, thừa quỹ
Dù được đánh giá là một công cụ tài chính quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp – đúng tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, song sau hơn một thập kỷ triển khai, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp vẫn chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Theo thống kê, trong giai đoạn 2015–2023, tổng số tiền trích lập quỹ vượt 35.000 tỷ đồng, nhưng chỉ khoảng 60% được đưa vào sử dụng, phần lớn còn lại bị "đóng băng" vì vướng cơ chế, thủ tục hành chính và lo ngại rủi ro thuế vụ.
Thực trạng này không chỉ cho thấy khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn triển khai, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi các quy định liên quan, nhằm biến nguồn quỹ hàng chục nghìn tỷ đồng này thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy năng suất, năng lực cạnh tranh và chuyển đổi công nghệ trong doanh nghiệp – đặc biệt là khối tư nhân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo các chuyên gia, việc thành lập Quỹ phát triển hoa học, công nghệ tại DN là một chủ trương đúng đắn, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc khuyến khích DN chủ động đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo - yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả triển khai các quỹ khoa học, công nghệ tại DN còn khá hạn chế. Cho đến nay, sau hơn 10 năm thành lập quỹ nhưng tình trạng thiếu tiền thừa quỹ, tồn quỹ đến hàng chục nghìn tỉ đồng.
Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, trong giai đọa 2015 – 2021, số tiền và số DN trích lập quỹ không nhiều; việc sử dụng số tiền từ quỹ chi cho hoạt động khoa học, công nghệ chỉ đạt 60%. Cụ thể, số tiền trích lập quỹ cả nước đạt trên 23 nghìn tỷ đồng và sử dụng trên 14 nghìn tỷ đồng.
Đến năm 2022, có khoảng 220 DN trích lập và sử dụng quỹ trong năm 2022 với tổng số tiền trích lập khoảng 6.500 tỷ đồng, số tiền quỹ được sử dụng khoảng 3.200 tỷ đồng. Năm 2023 có 170 DN trích lập quỹ với tổng số tiền là 5.879 tỷ đồng, có hơn 200 DN sử dụng quỹ với số tiền sử dụng là 4.363 tỷ đồng.
Doanh nghiệp gặp tình trạng thiếu vốn, nhưng thừa quỹ khoa học, công nghệ cho không tiêu được.
Trong khi nguồn lực dành cho khoa học, công nghệ còn nhiều khó khăn, DN không mặn mà với việc trích lập và sử dụng quỹ, cơ cấu chi của quỹ còn bất hợp lý. Nội dung chi chủ yếu dành cho tổ chức chương trình, đề tài, dự án chiếm tới 84,4%. Các khoản chi cho hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ tại DN đến nay chỉ chiếm 14,5%, mặc dù đây là nội dung chi thiết thực gắn với các DN.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) đánh giá, hiện nay DN đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi sử dụng quỹ phát triển khoa học, công nghệ đã được lập ra. Nguyên nhân do quy định về xây dựng dự toán, định mức chi và kinh phí quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo Thông tư 67 năm 2022 Bộ Tài chính còn chưa phù hợp. Nhiều DN lúng túng, thậm chí lo ngại khi thực hiện chi từ quỹ vì không rõ đâu là chi phí hợp lệ, vấn đề xây dựng các quy định, quy chế nội bộ để quản lý quỹ, vấn đề hành chính để sử dụng quỹ. Đây chính là rào cản lớn khiến quỹ khoa học công nghệ của DN bị đóng băng.
Cùng chung nhận định trên, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra, quỹ hỗ trợ phát triển KH&CN là vấn đề quan trọng, hỗ trợ được nhiều cho DN. Tuy nhiên, việc giải ngân quỹ còn chậm, quá trình các nhà khoa học nhận được kinh phí từ quỹ để áp dụng nghiên cứu là rất khó khăn. Bên cạnh đó, ngoài quỹ của Nhà nước, quỹ của DN lập ra cho phát triển KH&CN có số lượng thành viên tham gia cũng rất hạn chế.
Chỉ ra điểm nghẽn của tình trạng trên, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, một mặt do tỷ lệ DN thực sự sử dụng quỹ này để đầu tư cho nghiên cứu hay đổi mới công nghệ vẫn rất thấp. Mặc dù mỗi năm các DN đã trích lập hàng nghìn tỷ đồng vào quỹ theo quy định, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó được đưa vào sử dụng đúng mục tiêu. Không ít DN để quỹ “đóng băng” trong tài khoản hoặc xin hoàn nhập sau 5 năm do không có phương án khả thi. Mặt khác, tác động thực sự của quỹ đến năng lực đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm hay nâng cao giá trị chuỗi sản xuất của DN, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn còn rất mờ nhạt.
Quy định sử dụng quỹ cần linh hoạt
Để quỹ phát triển KH&CN thực sự phát huy vai trò là động lực cho đổi mới sáng tạo trong khu vực sản xuất, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức khuyến nghị, trong lần sửa đổi luật KHCN lần này cần linh hoạt hóa các quy định liên quan đến việc sử dụng quỹ. Hiện các thủ tục còn quá phức tạp, nặng về hành chính, giống như quy trình của viện nghiên cứu, không phù hợp với môi trường vận hành linh hoạt của DN. Phạm vi sử dụng quỹ cũng cần được mở rộng, cho phép chi cho nhiều hoạt động thiết thực hơn như: thuê chuyên gia, mua phần mềm, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực hay thử nghiệm sản phẩm... thay vì chỉ giới hạn trong các đề tài nghiên cứu, phát triển (R&D) truyền thống.
Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, viện - trường và DN. Việc DN tự làm R&D trong điều kiện thiếu nền tảng nghiên cứu cơ bản và không kết nối với các đơn vị khoa học là nguyên nhân khiến hiệu quả thấp. Vì vậy, nên thiết kế cơ chế đồng tài trợ, đồng nghiên cứu. Ví dụ như quỹ matching fund, hay hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia từ Nhà nước.
Tiếp đến, cần tháo gỡ tâm lý e ngại từ phía DN trong việc sử dụng quỹ do lo ngại rủi ro về thuế hoặc hậu kiểm. Luật nên quy định rõ ràng, đơn giản và thân thiện hơn, đồng thời chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, với cơ chế giám sát minh bạch nhưng hỗ trợ thay vì gây áp lực.
Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích mạnh mẽ và thực chất hơn. DN chỉ đầu tư cho KH&CN khi thấy rõ lợi ích. Luật nên bổ sung thêm ưu đãi thuế vượt trội, hỗ trợ tài chính, và các chương trình đặt hàng công nghệ từ phía Nhà nước để tạo đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu, nhất là trong bối cảnh thị trường công nghệ trong nước còn non trẻ.
Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Trần Thị Nhị Hà đề xuất trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối đa là 15% thu nhập tính thuế. Riêng đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ chiến lược như chip, AI, dữ liệu lớn, mức tối đa là 20% để tạo dư địa đủ lớn cho đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Đại biểu cũng đề xuất mở rộng danh mục chi từ quỹ như lương cho nhân sự phát triển, nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia mua linh kiện vật tư thử nghiệm, tham dự hội thảo chuyên ngành, mua sắm thiết bị máy móc và các sản phẩm công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu, giao Bộ KH&CN ban hành danh mục cụ thể và quy định không bắt buộc lập đề tài, nhiệm vụ cho từng khoản chi, tạo thuận lợi cho DN sử dụng quỹ theo nhu cầu thực tế và phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global