VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 11/01/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợp'Nhiều tài sản tham nhũng thất thoát nghiêm trọng, khó thu hồi'

'Nhiều tài sản tham nhũng thất thoát nghiêm trọng, khó thu hồi'

10:37:00 AM GMT+7Thứ 5, 28/11/2024

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, tài sản tham nhũng được thu hồi có tiến bộ nhưng chưa đạt mong muốn, nhiều tài sản thất thoát rất nghiêm trọng, khả năng thu hồi khó khăn.

Quốc hội vừa mới thảo luận ở hội trường về công tác phòng chống, tham nhũng. Qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy, năm 2024, các cơ quan công an đã khởi tố 919 vụ án trên 1.905 bị can, đề nghị truy tố 856 vụ trên 2.686 bị can; Viện kiểm sát các cấp đã thụ lý trong giai đoạn truy tố 1.186 vụ trên 3.869 bị can; Tòa án đã xét xử 917 vụ trên 2.418 bị cáo về các tội tham nhũng và có những bị cáo bị tuyên mức phạt cao nhất là tử hình.

Về thu hồi tài sản tham nhũng, báo cáo của Chính phủ chỉ ra đã thu hồi được trên 868 tỷ đồng, 16.695 m2 đất và 967,4 ha đất; tạm giữ, kê biên, giải tỏa, ngăn chặn giao dịch trên 1.184 tỷ đồng và nhiều bất động sản, tài sản có giá trị khác.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại, bất cấp. Trong đó, có ý kiến đại biểu cho rằng, việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng lớn nên đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: QH

Lãng phí có ở khắp nơi, gây thất thoát không kém tham nhũng

Tham gia ý kiến, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) cho biết, một trong những vấn đề khó khăn trong đấu tranh chống các tội phạm tham nhũng chức vụ trong giai đoạn hiện nay là có một số đối tượng sau khi phạm tội đã trốn ra nước ngoài. Việc truy bắt một số đối tượng này vẫn chưa hiệu quả là có nguyên nhân do giữa nước ta vào một số nước khác chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp.

Do đó, việc ký các hiệp định tương trợ tư pháp cần được đặt ra như thế nào thì báo cáo của Chính phủ cũng chưa nêu rõ. Đồng thời, Chính phủ chưa đặt ra việc tổng kết, việc triển khai Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký với các nước khác để từ đó đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng tham nhũng đang trốn ở nước ngoài.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới nội dung này trong thời gian tới.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà). Ảnh: QH

Phát biểu tranh luận, đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho rằng, trong nhiều năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ và toàn diện hơn, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế lớn được điều tra làm rõ, xét xử kịp thời, nghiêm minh, cử tri rất đồng tình.

Tuy nhiên, đại biểu đánh giá, tội phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp như trong báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra. Trong đó, nổi lên là vi phạm về quy hoạch xây dựng năng lượng, đấu thầu mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai.

Đại biểu dẫn chứng, báo cáo của cơ quan thẩm tra chỉ ra tội tham ô tài sản tăng 45,61%. Vấn đề này theo đại biểu cần phải được tổ chức nghiên cứu nghiêm túc để làm rõ nguyên nhân, điều kiện tội phạm, kiểm tra, rà soát chặt chẽ để phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về kinh tế, đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý dự án đầu tư để giúp cho việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hơn.

Bày tỏ sự đồng tình với kết quả đã đạt được, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, tài sản tham nhũng được thu hồi có tiến bộ nhưng chưa đạt được mong muốn, nhiều tài sản thất thoát rất nghiêm trọng, khả năng thu hồi khó khăn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: QH

Tội phạm thường là những nơi công vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực giữa người có quyền và người cần sự trợ giúp, do đó, phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng thanh tra, kiểm toán khách quan, trung thực để phòng ngừa, để họ không dám, không lạm dụng, không tham nhũng, đó là bề nổi của "tảng băng chìm" trong tham nhũng, tiêu cực.

Đối với việc lãng phí, đại biểu Hòa nhìn nhận đây là chuyện xảy ra rất bình thường, bởi nó vô hình, ít được quan tâm, nhưng lãng phí có thể gây thất thoát không kém gì tham nhũng.

Nam đại biểu đoàn Đồng Tháp nhận định, nếu đánh giá đúng thực chất thì tham nhũng chỉ có một số nơi, còn lãng phí có khắp mọi nơi, từ việc nhỏ cho đến việc lớn, trên tất cả các lĩnh vực, việc nào cũng có nhưng ít sự chú ý.

Vì vậy, đại biểu đề Quốc hội, Chính phủ, các ngành chức năng quan tâm nhiều hơn về lãng phí để ngăn chặn có hiệu quả và lãng phí sẽ được đưa vào nghị quyết cấp thẩm quyền để triển khai tổ chức thực hiện.

Tăng cường dẫn độ tội phạm về nước

Giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, liên quan đến xử lý những đối tượng hiện nay đang lẩn trốn ra nước ngoài, lực lượng công an và các cơ quan thực thi pháp luật cũng hợp tác quốc tế, đang tăng cường và ký những hiệp định liên quan đến chuyển giao người bị kết án phạt tù, liên quan đến dẫn độ tội phạm.

Căn cứ theo từng nước sẽ làm từng bước và thời gian vừa qua chúng ta đã bắt, xử lý dẫn độ những đối tượng. Có những nước chưa bao giờ dẫn độ tội phạm sang nước khác nhưng vừa qua đã hợp tác với Việt Nam và đã đưa những đối tượng dẫn độ về nước.

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang. Ảnh: QH

Thời gian tới, tư lệnh ngành công an khẳng định sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ có những hiệp định liên Chính phủ để dẫn độ các đối tượng ở nước ngoài tốt hơn.

Trong khi đó, về thực hiện các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhìn nhận, năm 2024, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện và đạt kết quả tích cực nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế nêu trên.

Vì vậy, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, như: Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực còn nhiều tồn tại, hạn chế mà ý kiến thẩm tra đã chỉ ra.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, ông Phong nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

TheoVũ Phạm (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global