Thứ 6, 04/07/2025 | English | Vietnamese
10:48:00 AM GMT+7Thứ 3, 24/06/2025
Dù đang đối mặt với hàng loạt rào cản địa chính trị và quy định kiểm soát xuất khẩu ngày càng siết chặt từ Mỹ, Nvidia vẫn không ngừng tìm cách bám trụ tại thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) Trung Quốc. Bởi với công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới này, việc từ bỏ một thị trường tiềm năng như Trung Quốc đơn giản là điều không thể – cả về chiến lược dài hạn lẫn tăng trưởng doanh thu.
Trong báo cáo tài chính quý I/2025 được công bố cuối tháng 5, Nvidia đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cảnh báo về nguy cơ khi loại các công ty chip của Mỹ ra khỏi Trung Quốc - thị trường AI lớn thứ hai thế giới.
“AI của Trung Quốc vẫn sẽ phát triển dù có hay không có chip của Mỹ”, CEO Jensen Huang khẳng định trong cuộc họp với các nhà đầu tư. Ông nhấn mạnh rằng một nửa số nhà phát triển AI toàn cầu hiện đang làm việc tại Trung Quốc và nếu Mỹ ngăn cản các công ty công nghệ của mình cạnh tranh tại đây, điều đó có thể khiến nước này đánh mất vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp AI.
Quyết định của chính phủ Mỹ hồi tháng 4 khi ngăn công ty bán dòng chip H20 cho thị trường Trung Quốc đã khiến Nvidia mất khoảng 2,5 tỷ USD doanh thu trong quý kết thúc vào tháng 4 và dự kiến mất thêm 8 tỷ USD trong quý hiện tại kết thúc vào tháng 7. Điều đáng nói là chip H20 được thiết kế riêng cho Trung Quốc nhằm tuân thủ các giới hạn xuất khẩu hiện hành, nên không thể tiêu thụ ở các thị trường khác.
Dù vậy, nhu cầu chip AI của Nvidia ở các thị trường ngoài Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng mạnh, nên khoản doanh thu mất đi này chưa gây ảnh hưởng lớn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với mức định giá hiện tại lên tới khoảng 3.300 tỷ USD, gấp 3 lần công ty chip lớn thứ hai thế giới, giới đầu tư kỳ vọng Nvidia còn có thể mở rộng quy mô hơn nữa trong tương lai.
Theo ước tính từ FactSet, các nhà phân tích Phố Wall dự báo doanh thu hàng năm của Nvidia sẽ vượt 200 tỷ USD trong năm nay và chạm mốc 300 tỷ USD vào năm 2028. Mục tiêu đó khó có thể đạt được nếu không có thị trường Trung Quốc.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đang theo đuổi phát triển AI với tốc độ và quyết tâm mạnh mẽ. Theo báo cáo mà Morgan Stanley công bố tháng trước, các quỹ đầu tư mạo hiểm do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã rót 184 tỷ USD vào các startup AI trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2023.
Nvidia ước tính thị trường tiềm năng cho các máy AI Accelerator (phần cứng máy tính xử lý các yêu cầu cụ thể của trí tuệ nhân tạo) tại Trung Quốc vào khoảng 50 tỷ USD. “Trung Quốc chiếm tới 1/4 thị trường toàn cầu, đó là một con số lớn”, nhà phân tích Tim Arcuri của UBS nhận định. Ông nói thêm rằng nếu được phép cạnh tranh, Nvidia sẽ “giữ vị thế thống trị” tại thị trường này.
Các nhà phân tích Phố Wall vẫn chưa từ bỏ hy vọng về khả năng Nvidia quay trở lại thị trường AI Trung Quốc.
“Chúng tôi vẫn tin rằng ít nhất một phần cơ hội tại Trung Quốc sẽ được phục hồi”, chuyên gia Joe Moore của ngân hàng Morgan Stanley viết trong báo cáo sau khi Nvidia công bố lợi nhuận quý I.
Tuy nhiên, để điều đó xảy ra, chính quyền Tổng thống Trump sẽ phải sửa đổi đáng kể các quy định hiện hành, vốn đang giới hạn nghiêm ngặt năng lực tính toán của các loại chip được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Và theo các nhà quan sát, điều đó dường như khó có thể xảy ra trong bối cảnh hiện tại. Tuy vậy, nhà phân tích Arcuri cho rằng vẫn có khả năng các quy định sẽ được điều chỉnh, miễn là chúng không đi ngược lại mục tiêu chiến lược của chính quyền Mỹ.
Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết tốc độ tăng trưởng chi phí vốn (capex) của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây Trung Quốc trong quý I năm nay đã vượt qua các đối thủ tại Mỹ.
Ngay cả khi tính đến khả năng các công ty Trung Quốc đã tăng cường tích trữ chip vào cuối năm ngoái để đối phó với các hạn chế thương mại từ Mỹ, tỷ lệ chi phí vốn trên doanh thu từ dịch vụ đám mây của các doanh nghiệp Trung Quốc "thực tế đang bắt kịp với các đối thủ Mỹ".
Cụ thể, trong quý I, tổng chi phí vốn của Baidu, Alibaba và Tencent (3 “ông lớn” công nghệ Trung Quốc thường được gọi chung là nhóm BAT) đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và duy trì mức vượt trội so với các đối thủ tại Mỹ trong suốt 6 quý liên tiếp. Đồng thời, tỷ lệ chi phí vốn trên tổng doanh thu của nhóm BAT cũng đang có xu hướng đi lên.
Tuy vậy, Jefferies lưu ý rằng mức tăng trưởng theo quý trong quý I có thể thấp hơn do hoạt động tích trữ chip vào quý IV/2024. Cũng theo dự báo của Jefferies, sẽ có “mức tăng trưởng đáng kể” trong chi tiêu dài hạn cho AI từ các công ty Trung Quốc, với chi phí đầu tư cho phần cứng AI có thể đạt tới 1.000 tỷ nhân dân tệ (gần 138 tỷ USD) vào cuối thập kỷ này.
Hiện tại, Nvidia vẫn được coi là vượt xa các đối thủ cùng ngành. Hệ sinh thái chip, phần mềm và hệ thống hỗ trợ phát triển AI của công ty vẫn là điểm thu hút lớn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc muốn duy trì năng lực cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, việc Nvidia vắng bóng tại thị trường AI Trung Quốc đang mở đường cho các đối thủ trong nước như Huawei gia tăng thị phần. Morgan Stanley ước tính Trung Quốc hiện có thể tự cung cấp khoảng 34% nhu cầu chip AI và tỷ lệ tự chủ này có thể đạt 82% vào năm 2027.
Theo các chuyên gia, ngay cả khi Nvidia có thể quay lại thị trường, công ty vẫn phải đối mặt với tham vọng lớn của chính phủ Trung Quốc trong việc đưa công nghệ nội địa trở thành trung tâm của tất cả các ngành công nghiệp trọng yếu.
Các tập đoàn như Huawei và Cambricon đã giới thiệu những dòng chip AI mới, điển hình là Ascend 910C và CloudMatrix, với mục tiêu từng bước thay thế các sản phẩm của Nvidia. Mặc dù khoảng cách về hiệu năng vẫn còn đáng kể, song những tiến bộ này cho thấy Trung Quốc đang kiên trì xây dựng một nền tảng công nghệ tự chủ.
Đồng thời, các doanh nghiệp như SiCarrier cũng đang đẩy mạnh phát triển thiết bị sản xuất chip trong nước, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng quốc tế – vốn đang chịu áp lực ngày càng lớn từ các lệnh hạn chế của Mỹ.
Dù vậy, Nvidia được cho là đang phát triển một loại chip máy tính mới dành riêng cho thị trường Trung Quốc, với khả năng kết nối thành các “cụm” xử lý công suất cao – điều cần thiết để vận hành các mô hình trí tuệ nhân tạo. Loại chip này được thiết kế để tuân thủ các quy định kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn từ Nhà Trắng, vốn tập trung vào giới hạn đối với từng chip riêng lẻ, thay vì các cụm chip liên kết.
Con chip mới, có mã là B30, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc như ByteDance (công ty mẹ của TikTok), Alibaba và Tencent… Nvidia được cho là đã thông báo với các khách hàng rằng công ty có kế hoạch sản xuất hơn 1 triệu chip B30 trong năm nay.
Việc phát triển chip B30 đánh dấu nỗ lực mới nhất của Nvidia nhằm duy trì quyền tiếp cận với thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng bất chấp các rào cản địa chính trị ngày càng gia tăng. Nvidia dự kiến sẽ giới thiệu con chip mới được thiết kế riêng cho Trung Quốc vào tháng 7, theo một ghi chú nghiên cứu của Jefferies.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global