Chủ nhật, 20/07/2025 | English | Vietnamese
02:23:00 PM GMT+7Thứ 2, 23/06/2025
Nhận định về tương lai của Startup xanh tại Việt Nam, ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc điều hành quỹ VinaCapital Ventures, khẳng định startup xanh sẽ là ‘ngôi sao mới’ trong làn sóng đầu tư tại Việt Nam.
Chuyển đổi xanh và khởi nghiệp sáng tạo bền vững đang là xu hướng toàn cầu và là tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Hệ thống chính sách hỗ trợ đổi mới sáng toạ đã đạt được những kết qủa ban đầu song vẫn còn nhiều nghẽn cần được tháo gỡ để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho đổi mới sáng tạo gắn với phát triển bền vững.
Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc điều hành quỹ VinaCapital Ventures đã chia sẻ về xu hướng đầu tư trong thời gian tới, tiềm năng của các startup xanh, điểm mạnh, điểm yếu của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, cũng như các đề xuất chính sách nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi cho đầu tư mạo hiểm đã có những chia sẻ với VietnamFinance.
- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng và điểm mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (startup) tại Việt Nam hiện nay. Điều gì khiến thị trường khởi nghiệp Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước?
Ông Hoàng Đức Trung: Có thể thấy rằng, trong hai thập kỷ qua, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ và vươn lên top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hàng đầu ASEAN. Để đạt được vị thế này phải kể đến những thế mạnh mà Việt Nam đang sở hữu.
Trước hết, Việt Nam có nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, tạo ra lợi thế quan trọng cho các startup trong cuộc đua đổi mới sáng tạo.
Theo báo cáo gần đây, cả nước có hơn 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin, một con số ấn tượng cho thấy Việt Nam không thiếu nhân tài để phát triển các doanh nghiệp công nghệ.
Thêm vào đó, một trong những yếu tố then chốt giúp các startup Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ là sự tăng trưởng của thị trường trong nước. Với dân số gần 100 triệu người, trong đó phần lớn là thế hệ trẻ (Gen Z và Millennials) am hiểu công nghệ, Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực sáng tạo nên kéo theo sự bùng nổ nhu cầu về các dịch vụ fintech, thương mại điện tử và giải trí số.
Đặc biệt, giới trẻ Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, điều này tạo ra nguồn cung ý tưởng sáng tạo liên tục.
Các startup Việt Nam có được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chính sách pháp luật.
Đơn cử, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nền tảng để kiến tạo vị thế mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Đồng thời, Nghị quyết 68-NQ/TW đã ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới,...
Cuối cùng, Việt Nam còn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ vào vị trí chiến lược trong khu vực, khả năng cao hấp thụ công nghệ vào nền kinh tế, tăng trưởng GDP cao trong nhiều năm qua và sự ổn định về chính trị. Điều này giúp các startup có thêm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế, mở rộng thị trường ra nước ngoài và tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
- Từ thực tế đầu tư, ông nhận thấy những điểm yếu phổ biến nào của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hiện nay?
Ông Hoàng Đức Trung: Theo tôi, các startup Việt Nam có một vài điểm yếu cần khắc phục để tăng sức hút với nhà đầu tư.
Thứ nhất, mô hình kinh doanh hạn chế. Nhiều startup xây dựng mô hình không nhắm đến thị trường (hoặc giải quyết bài toán) đủ lớn, khó tạo ra tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Thứ hai, thiếu đội ngũ đa năng. Tôi cho rằng, thành công của startup không chỉ phụ thuộc vào sản phẩm, nó còn phụ thuộc nhiều đội ngũ toàn diện, kết hợp chuyên môn ở nhiều lĩnh vực như kỹ thuật, kinh doanh, marketing, sản xuất và quản trị.
Thứ ba, các startup Việt Nam thiếu tập trung và bị phân mảnh. Việc phát triển đồng thời quá nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ dẫn đến lãng phí nguồn lực tài chính và nhân sự, làm suy giảm hiệu quả.
Thứ tư, kế hoạch tài chính thiếu thực tế. Startup cần một kế hoạch vốn rõ ràng và khả thi để đảm bảo đủ thời gian và nguồn lực đạt được các cột mốc quan trọng.
Để khắc phục được những nhược điểm này, các startup cần tìm sản phẩm phù hợp với thị trường và khả năng thương mại hóa. Sự đón nhận từ thị trường và khách hàng là yếu tố then chốt để thuyết phục nhà đầu tư.
Đ ặc biệt, trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng thận trọng, startup cần tập trung hoàn thiện sản phẩm/dịch vụ, mang lại giá trị thực tế để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các startup phải chứng minh được thành quả hoạt động, thông qua các chỉ số kinh doanh cốt lõi như: Doanh thu, lợi nhuận, số lượng đơn hàng hoặc khách hàng trả tiền sẽ chiếm ưu thế khi gọi vốn, thể hiện tiềm năng tăng trưởng rõ ràng.
Ngoài ra, quá trình kêu gọi vốn thành công có sự đóng góp lớn từ đội ngũ sáng lập có kinh nghiệm. Bởi vì, đội ngũ có chuyên môn sâu, kinh nghiệm phù hợp và thành tựu (“track-record”) nổi bật sẽ tạo niềm tin về khả năng hiện thực hóa tầm nhìn và kế hoạch của startup.
- Trong bối cảnh toàn cầu đang tái định hình chuỗi giá trị và công nghệ, đâu là xu hướng mà các nhà đầu tư quan tâm nhất trong 3–5 năm tới, thưa ông?
Ông Hoàng Đức Trung: Việt Nam, với nền kinh tế tăng trưởng nhanh, từ đó cũng phát sinh nhiều “điểm nghẽn” (pain-point) trong các lĩnh vực như logistics, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, bán lẻ... Những thách thức này mở ra cơ hội lớn cho các startup công nghệ tham gia giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
Vì vậy, trong 3-5 năm tới, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào các startup ứng dụng công nghệ để tạo ra giá trị thực tiễn cho các ngành cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam.
Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm fintech, logistics, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, năng lượng tái tạo, hạ tầng dữ liệu, blockchain, công nghiệp phụ trợ và trí tuệ nhân tạo (AI).
- Với xu hướng đầu tư bền vững đang ngày càng lan rộng, ông đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển của các khởi nghiệp xanh trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam?
Ông Hoàng Đức Trung: Chúng tôi luôn tìm kiếm và đồng hành cùng những công ty khởi nghiệp công nghệ có tiềm năng tạo ra tác động tích cực, bền vững và lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, các startup xanh, những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Hiện, các startup xanh tại Việt Nam đang mang đến nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao hiệu quả ESG trong các lĩnh vực thiết yếu như logistics, nông nghiệp và vận tải hành khách. Tôi cho rằng trong thời gian tới, startup xanh sẽ là ‘ngôi sao mới’ trong làn sóng đầu tư tại Việt Nam.
Trong bối cảnh ESG ngày càng được chú trọng cả trên phạm vi toàn cầu lẫn trong nước, chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ sở hữu những giải pháp ESG toàn diện sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thực tế, chúng tôi đã đầu tư vào các công ty startup hoạt động trong ngành vận tải hành khách và hàng hóa, với các giải pháp giúp khách hàng của họ giảm đáng kể lượng khí CO2 phát thải ra môi trường.
Về triển vọng và cơ hội trong lĩnh vực công nghệ xanh tại Việt Nam, tôi cho rằng lĩnh vực này đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ. Thực tế, Việt Nam đang đẩy mạnh cam kết phát triển bền vững, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xanh.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực xanh, bao gồm năng lượng tái tạo và tín chỉ carbon, đang thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, thị trường công nghệ xanh tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, tạo điều kiện lý tưởng cho các sáng kiến đổi mới và mở rộng quy mô trong nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam đang hứa hẹn rất nhiều triển vọng. Vừa qua, chúng tôi đã ra mắt quỹ VinaCarbon như một bước đi chiến lược, thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào tương lai của thị trường tín chỉ carbon và nền kinh tế xanh tại Việt Nam.
- Hiện nay, nhà đầu tư đang quan tâm đến những lĩnh vực cụ thể nào trong hệ sinh thái khởi nghiệp xanh, thưa ông?
Ông Hoàng Đức Trung: Như đã chia sẻ trước đó, một trong những lĩnh vực được quan tâm nhất thời điểm này đó chính là năng lượng tái tạo, đây cũng được coi là một công nghệ xanh.
Ngoài năng lượng tái tạo, chúng tôi cũng đã và đang nghiên cứu, đầu tư vào các lĩnh vực như: Thực phẩm thay thế, hay còn gọi là “Alternative meat”, đây là sản phẩm từ thực vật thay thế thịt động vật, góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ ngành chăn nuôi.
Tiếp đến là logistics xanh, các giải pháp vận tải thân thiện với môi trường như xe tải điện. Nông nghiệp bền vững, như việc ứng dụng công nghệ nhằm hạn chế lãng phí lương thực, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Hoặc lĩnh vực quản lý và tái chế rác thải, bao gồm: các công nghệ giúp phân loại, xử lý và tái chế rác thải hiệu quả hơn. Công nghệ pin và ắc-quy mới, trong đó ưu tiên phát triển sản phẩm lưu trữ năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
- Theo ông, cần có những chính sách gì để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực khởi nghiệp xanh?
Ông Hoàng Đức Trung: Để tạo điều kiện cho hệ sinh thái startup Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, chúng tôi đề xuất một số ý kiến sau đây:
Thứ nhất, Việt Nam cần nhanh chóng đầu tư mạnh vào hạ tầng. Trong đó, tăng cường đầu tư công vào giao thông (đường bộ, cầu, cảng) để thúc đẩy kinh tế tổng thể và tạo thêm cơ hội cho các startup.
Thứ hai, hoàn thiện khung pháp lý. Chúng ta cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, đơn giản, cùng các chính sách ưu đãi (miễn giảm thuế) cho các doanh nghiệp nền kinh tế số và quỹ đầu tư trong lĩnh vực này.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo. Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu công nghệ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ.
Thứ tư, đề cao vai trò của doanh nghiệp đầu ngành.Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cần tích cực đầu tư tài chính, trở thành khách hàng, đối tác của startup, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn và hỗ trợ mở rộng thị trường để cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Thứ năm, khung pháp lý cho thị trường vốn. Chúng ta cần thiết lập cơ chế thị trường vốn dành riêng cho startup/công nghệ, ví dụ: sàn Upcom chuyên biệt cho các công ty công nghệ.
Cuối cùng là quỹ đầu tư công nghệ nhà nước. Việt Nam cần thành lập các quỹ đầu tư công nghệ và sáng tạo ở cấp nhà nước và các cấp địa phương để hỗ trợ hệ sinh thái startup Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
03:50:00 PM GMT+7Thứ 7, 19/07/2025
03:49:00 PM GMT+7Thứ 7, 19/07/2025
03:47:00 PM GMT+7Thứ 7, 19/07/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global