VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 3, 06/05/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpTăng trưởng 8% và hướng tới 2 con số: Phải đổi mới mô hình tăng trưởng

Tăng trưởng 8% và hướng tới 2 con số: Phải đổi mới mô hình tăng trưởng

09:37:00 AM GMT+7Thứ 3, 25/03/2025

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu đầy “tham vọng” là tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025 và xa hơn là đạt mức tăng trưởng hai con số (10% trở lên) trong những năm tiếp theo. Để hiện thực hóa tham vọng này, theo các chuyên gia, cải cách mô hình quản lý kinh tế sẽ giúp bộ máy phát triển một cách trơn tru, có thể giúp cải thiện tăng trưởng GDP lên 1 - 2%, thêm cơ hội tăng trưởng 2 con số.

Phải tạo cơ chế 1 cửa, 1 cấp quyết định

Bình luận về nội dung này, theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu lớn nhất của cải cách mô hình quản lý kinh tế đó là phải tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút nguồn lực một cách hiệu quả nhất.

Ông Đặng Huy Đông, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hệ thống quản lý phát triển kinh tế của Việt Nam hiện tại xuất phát từ mô hình quản lý kinh tế tập trung. Mấy chục năm qua, Việt Nam đã điều chỉnh các quy định để phù hợp với quá trình hội nhập, góp phần vào các thành tựu kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, nếu duy trì cách quản lý hiện tại, sẽ khó đạt được các mục tiêu lớn.

Phải tạo cơ chế 1 cửa, 1 cấp quyết định.

Ông Đông lấy ví dụ, có dự án phải mất đến 5 - 7 năm để được phê duyệt, điều này sẽ cản trở nỗ lực phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, cần thiết kế lại hệ thống quản lý, tối ưu hóa quy trình và rút ngắn thời gian phê duyệt dự án.

Ngoài ra, theo ông Đông, cũng cần thay đổi phương thức quản lý theo hướng chuyển dần từ số lượng sang chất lượng, lấy kết quả làm mục tiêu để tinh gọn trình tự thủ tục, tập trung vào kết quả cuối cùng. Nếu quản lý bằng kết quả cuối cùng thì các thủ tục sẽ đơn giản và nhanh gọn hơn rất nhiều. Thêm vào đó, quản lý theo kết quả còn giúp giảm rủi ro về hành chính cho cán bộ công chức.

Cùng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh cải cách mô hình quản lý kinh tế phải tạo ra được cơ chế thông thoáng, tốt nhất là 1 cửa, 1 cấp quyết định để rút ngắn thời gian phê duyệt các loại thủ tục, giấy phép, từ đó giúp doanh nghiệp không tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí và bỏ lỡ thời cơ. Bên cạnh đó, cơ chế thông thoáng cũng sẽ dễ dàng giúp những hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ tham gia vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung.

Ông Doanh nhận xét, hiện các doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn khi để có thể thực hiện một dự án hay hoạt động sản xuất thì phải đối diện với nhiều “giấy phép con”. Do đó, phải rà soát lại mô hình quản lý kinh tế, những bước nào còn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn thì nên nghiên cứu loại bỏ ngay nếu được.

Ngoài ra, mô hình quản lý kinh tế mới phải công khai và minh bạch. Đây là vấn đề rất quan trọng, chỉ khi công khai và minh bạch thì mới không có tham nhũng, lãng phí, đồng tiền được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dân tộc

Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào FDI, trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp một phần nhỏ vào công nghiệp và dịch vụ. Trước thực tế đó, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, việc cải cách mô hình quản lý kinh tế cũng cần hướng đến mục tiêu làm sao để doanh nghiệp, doanh nhân, nhà khoa học, chuyên gia, thậm chí cả các hộ gia đình đều có thể làm kinh tế, từ đó mới tham gia được vào các dự án lớn của đất nước.

“Có như vậy mới tận dụng và phát huy được tối đa các nguồn lực, nền tảng để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra”, ông Doanh nói.

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dân tộc.

Theo đó, phải nâng cao tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước. Bởi hiện nay Việt Nam đang dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài. Đã đến lúc cần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, nâng hộ gia đình lên thành doanh nghiệp. Chỉ khi trở thành doanh nghiệp, các hộ gia đình mới có thể tận dụng được lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký.

“Các hộ gia đình không có tư cách pháp nhân, trong khi việc kết nối với nước ngoài đòi hỏi nhiều điều khoản rõ ràng như: địa chỉ, pháp nhân... mới giao dịch được ”, ông Doanh lý giải.

Ông Doanh lấy ví dụ, hiện nay dân số Việt Nam khoảng 101 triệu người, nhưng chỉ khoảng 800.000 doanh nghiệp hoạt động, cho thấy số doanh nghiệp trên đầu người quá thấp. Trong khi đó ở Hồng Kông (Trung Quốc), bình quân 1 người trên 18 tuổi tham gia 3 - 4 doanh nghiệp.

"Một người bạn giảng viên đại học của tôi có chia sẻ, ông tham gia cổ phần vào 1 công ty, giúp công ty này về mặt luật pháp, rồi đầu tư vào 1 công ty khác và cũng đầu tư vào bất động sản. Một ngày ông làm việc 12 - 14 tiếng. Như vậy, là một giảng viên đại học nhưng ông cũng đã góp phần tham gia và tạo ra giá trị cho nền kinh tế", ông Doanh dẫn chứng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp phải liên kết lại với nhau mới có thể lớn được. “Mô hình quản lý kinh tế cần phát huy doanh nghiệp dân tộc mới mang được thương hiệu Việt Nam, từ đó tạo ra giá trị lớn. Tránh sự nôn nóng thay đổi trong thời gian ngắn để dựa vào doanh nghiệp nước ngoài. Điều này trong một giai đoạn nào đó có thể chấp nhận được nhưng đến giờ khi muốn tăng trưởng ổn định 8 - 10% thì không thể làm như vậy được”, ông Doanh khuyến cáo.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp dân tộc cần được xem là "xương sống" của nền kinh tế.

Theo đó, để giảm sự phụ thuộc vào FDI, Việt Nam cần xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, nếu không có chính sách ưu tiên cụ thể như giảm thuế dài hạn, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, các doanh nghiệp này khó có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài vốn có lợi thế về vốn và công nghệ.

Đổi mới tư duy phải đi kèm với cải cách pháp luật

Cũng theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh việc xây dựng cơ chế thông thoáng, phát triển doanh nghiệp dân tộc,… một vấn đề nữa cần cải thiện khi cải cách mô hình kinh tế đó chính là tính pháp lý - hành lang không thể thiếu để doanh nghiệp hoạt động đúng luật và hiệu quả.

Đổi mới tư duy phải đi kèm với cải cách pháp luật.

Những tư duy đổi mới đã không còn phù hợp với các luật lệ cũ, nhất là khi nhiều quy định hiện nay chỉ giải quyết vấn đề tạm thời, thiếu thực tiễn, gây cản trở công tác quản lý của Nhà nước cũng như kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, cần mạnh dạn loại bỏ các văn bản chồng chéo, đồng thời đổi mới cách thực thi pháp luật theo hướng lấy mục tiêu và kết quả làm trọng tâm, thay vì cứng nhắc theo quy trình.

Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, cũng cho rằng cần xây dựng thành công thể chế có chất lượng cao, thể chế có sức cạnh tranh quốc tế, thu hút nhân tài, giải phóng nguồn lực, tận dụng các cơ hội phát triển với phương châm hài hòa lợi ích, rủi ro cùng chia sẻ.

Ngoài ra, cần phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế.

TheoKỳ Thư (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global