Thứ 7, 05/07/2025 | English | Vietnamese
09:58:00 AM GMT+7Thứ 6, 04/07/2025
Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế về quyền con người.
Thống nhất đất nước không đồng nghĩa với việc tất cả vấn đề nhân quyền được giải quyết ngay lập tức. Ngược lại, tiến trình bảo đảm quyền con người tại Việt Nam sau ngày 30/4/1975 phải đối mặt với nhiều thử thách, phần lớn bắt nguồn từ di chứng sâu xa của chiến tranh kéo dài, sự đứt gãy lịch sử và những khác biệt về trải nghiệm xã hội của các cộng đồng dân cư. Đó không chỉ là những tổn thất vật chất, mà còn là những vấn đề phức tạp về tâm lý - xã hội, đòi hỏi một chính sách nhân đạo và dài hạn.
![]() |
Hình ảnh của Chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ non sông Việt Nam”. (Nguồn: TTXVN) |
Một trong những hệ quả sâu sắc và lâu dài của chiến tranh và chia cắt đất nước là sự phân hóa về thể chế, pháp luật và cơ hội tiếp cận các quyền con người. Trước năm 1975, hai miền Nam - Bắc tồn tại trong hai hệ thống chính trị - xã hội khác biệt, dẫn đến sự khác nhau đáng kể về cách tổ chức quyền lực nhà nước, chính sách xã hội và phạm vi thực thi các quyền cơ bản của người dân. Sự chia cắt ấy không chỉ là đường ranh giới về lãnh thổ, mà còn là ranh giới trong việc tiếp cận các giá trị và chuẩn mực quyền con người.
Tại miền Bắc, trong điều kiện chiến tranh và bao cấp, nhà nước vẫn duy trì được một hệ thống phúc lợi cơ bản: giáo dục, y tế được phổ cập và miễn phí, người lao động được bảo vệ bằng các chính sách xã hội. Tuy còn nhiều hạn chế về vật chất, nhưng các quyền kinh tế - xã hội cơ bản vẫn được bảo đảm ở mức thiết yếu.
Trong khi đó, tại miền Nam, dưới sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa với ảnh hưởng sâu rộng từ bên ngoài, các thiết chế pháp lý theo mô hình tự do - tư bản chủ nghĩa được triển khai, nhưng trong thực tế lại bộc lộ sự bất bình đẳng trầm trọng: sự phân hóa giàu - nghèo, sự kiểm soát xã hội bởi quân đội và cảnh sát, và sự phụ thuộc lớn vào viện trợ và ý chí chính trị từ các cường quốc.
Sau ngày 30/4/1975, quá trình thống nhất đất nước về mặt hành chính, pháp lý và thể chế đồng thời cũng là quá trình thống nhất quyền con người cho toàn bộ công dân Việt Nam. Nhà nước đã tiến hành sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật theo hướng toàn diện, đưa ra các chính sách nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm, quyền bầu cử, quyền tham gia vào đời sống chính trị - xã hội.
Việc xóa bỏ hai hệ thống chính sách phân hóa không chỉ mang ý nghĩa cải cách thể chế, mà còn là bước đi cụ thể hóa nguyên tắc: quyền con người là phổ quát, không phân biệt nguồn gốc, vị trí địa lý hay chế độ xã hội trước đó.
Sự thống nhất không chỉ diễn ra trên phương diện luật pháp mà còn trong ý thức về công dân - nơi mọi người, bất kể từng sống ở miền nào, đều được bảo đảm một khung quyền và nghĩa vụ chung, trong cùng một trật tự pháp lý.
Đây chính là một trong những thành quả lớn nhất của thời kỳ hậu thống nhất: quyền con người không còn bị phân mảnh bởi chiến tuyến, mà trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong chính sách và quản trị nhà nước. Việc bảo đảm quyền bình đẳng giữa các vùng miền, các nhóm xã hội chính là cách thức hữu hiệu nhất để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc - một giá trị nền tảng của quyền con người Việt Nam.
Một trong những thách thức lớn nhất là hậu quả của chất độc da cam/dioxin - loại vũ khí hóa học mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh, để lại di chứng nghiêm trọng về sức khỏe và môi trường. Hàng trăm nghìn người Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và hàng triệu người khác chịu tác động gián tiếp, bao gồm cả thế hệ con cháu của họ.
Đây là một trong những thảm họa nhân đạo lớn nhất thế kỷ XX, đặt ra vấn đề cấp bách về quyền được sống trong điều kiện sức khỏe tối thiểu, quyền của người khuyết tật và quyền được bảo trợ xã hội cho các nạn nhân chiến tranh.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực hợp tác quốc tế, kêu gọi trách nhiệm từ các quốc gia liên quan và thực hiện nhiều chính sách trong nước để hỗ trợ, phục hồi chức năng và hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân.
![]() |
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến thăm và tặng quà Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, ngày 10/8/2024. (Nguồn: VPCTN) |
Song hành với vấn đề hậu chiến là thách thức về hòa giải và hòa hợp dân tộc - một tiến trình đòi hỏi thời gian, sự thấu cảm và bản lĩnh chính trị. 30/4 là ngày độc lập, thống nhất, nhưng cũng là ngày để nhiều gia đình hồi tưởng lại những mất mát, chia ly, và cả những lựa chọn khác biệt trong quá khứ.
Nhận thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn một hướng tiếp cận bao dung và thực tiễn, từng bước xóa bỏ định kiến, hận thù, khơi dậy ý thức cộng đồng dân tộc và tinh thần đại đoàn kết. Các chính sách xóa bỏ phân biệt đối xử, khuyến khích hồi hương, mở rộng quan hệ với kiều bào, đồng thời thúc đẩy tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” là những biểu hiện cụ thể cho quyết tâm hòa giải.
Một thành tố quan trọng khác là quyền của người Việt Nam ở nước ngoài, những người đã rời quê hương vì nhiều lý do khác nhau sau chiến tranh. Trong quá khứ, khoảng cách chính trị và định kiến lịch sử từng khiến một bộ phận người Việt xa xứ cảm thấy bị gạt ra khỏi cộng đồng dân tộc.
Tuy nhiên, trong ba thập niên gần đây, chính sách đối với kiều bào đã thay đổi căn bản theo hướng cởi mở, thân thiện và bao trùm hơn. Nhà nước Việt Nam không chỉ công nhận họ là một bộ phận không tách rời của dân tộc, mà còn tạo điều kiện pháp lý để họ tham gia vào phát triển đất nước, đầu tư, giữ quốc tịch, hồi hương hoặc đóng góp chuyên môn trong nhiều lĩnh vực.
Đây là sự mở rộng quan niệm về quyền công dân theo hướng hiện đại, nơi không gian sống không còn giới hạn trong địa lý, mà dựa trên sự gắn bó tình cảm, tinh thần và trách nhiệm với đất nước.
Hành trình quyền con người không dừng lại ở việc khôi phục hòa bình hay tái thiết quốc gia. Nó tiếp tục mở rộng theo thời gian, đòi hỏi một cách tiếp cận năng động hơn: không chỉ bảo vệ con người trước xâm hại, mà còn tạo điều kiện để mọi người có thể chủ động phát triển tiềm năng, đóng góp cho cộng đồng và sống một cuộc đời có ý nghĩa. |
Sau ngày thống nhất, Việt Nam bước vào một giai đoạn lịch sử mới: Xây dựng đất nước trong hòa bình và dần từng bước hội nhập quốc tế. Trong tiến trình ấy, quyền con người không chỉ là mục tiêu nội tại trong chính sách phát triển, mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong đối thoại, hợp tác và trách nhiệm toàn cầu của Việt Nam. Từ vị thế một quốc gia hậu chiến, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế về quyền con người.
![]() |
Hình ảnh sơ duyệt kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Một trong những minh chứng rõ ràng cho cam kết của Việt Nam là việc tham gia đầy đủ và có trách nhiệm vào các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước quốc tế chủ chốt về quyền con người. Việc phê chuẩn các công ước này không chỉ mang tính biểu trưng, mà đi kèm với các nỗ lực lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia.
Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia một cách nghiêm túc và cầu thị vào cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Qua các chu kỳ UPR, Việt Nam đã tiếp nhận hàng trăm khuyến nghị từ các quốc gia thành viên, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến quyền tự do ngôn luận, quyền của nhóm yếu thế, bình đẳng giới, tự do tôn giáo và quyền tiếp cận công lý. Tinh thần của Việt Nam trong quá trình này là chủ động đối thoại, phản hồi rõ ràng, tiếp thu có chọn lọc và khẳng định quyền được phát triển theo con đường phù hợp với hoàn cảnh, truyền thống và điều kiện lịch sử của dân tộc.
Việt Nam cũng không ngừng mở rộng hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực nhân quyền, thông qua đối thoại thường niên với nhiều quốc gia, cơ chế khu vực và tổ chức quốc tế. Đặc biệt, việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong hai nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025 đã khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Không chỉ tham gia với tư cách một quốc gia thực hiện quyền con người, Việt Nam còn tích cực đề xuất các cách tiếp cận mới mang tính cân bằng, không chính trị hóa, nhấn mạnh mối liên hệ giữa quyền con người với quyền phát triển, quyền sống trong hòa bình và quyền hưởng môi trường lành mạnh.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh chính sách nhân đạo và bao trùm trong nước. Hàng chục triệu người đã thoát nghèo bền vững; tỉ lệ tiếp cận giáo dục phổ cập và y tế cơ bản tăng nhanh; quyền lao động được cải thiện với hệ thống bảo hiểm và an sinh xã hội mở rộng.
Quyền của phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật được quan tâm ở cấp độ chính sách và cộng đồng. Các tôn giáo được công nhận và hoạt động hợp pháp trên cả nước. Những thành quả này phản ánh rõ hướng đi kiên định của Việt Nam: lấy con người làm trung tâm của mọi chính sách, phát triển kinh tế song hành với tiến bộ và công bằng xã hội, trong khuôn khổ của pháp quyền và chủ quyền quốc gia.
![]() |
Đại sứ Mai Phan Dũng (giữa phải) và các thành viên Đoàn Việt Nam tại phiên họp bỏ phiếu và bế mạc của Khóa 58 Hội đồng nhân quyền, tháng 4/2025. (Nguồn: TTXVN) |
50 năm sau ngày 30/4/1975, lịch sử Việt Nam đã bước sang nhiều chặng đường mới với bao biến động, thử thách và cả những thành tựu đáng tự hào. Nhưng nếu nhìn lại từ lăng kính quyền con người, thì ngày 30/4 không chỉ là một điểm kết thúc - của chiến tranh, của chia cắt - mà còn là một điểm khởi đầu: khởi đầu của hành trình đi tìm ý nghĩa đích thực của tự do, hòa bình và nhân phẩm con người trong điều kiện hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Chiến thắng 30/4 đánh dấu việc thực thi một cách trọn vẹn quyền tự quyết dân tộc - quyền nền tảng để các quyền khác có thể được bảo đảm. Sự khẳng định chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và khả năng tự chủ về chính trị - kinh tế đã đặt ra điều kiện cần thiết để Nhà nước và nhân dân Việt Nam kiến thiết một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Nhưng hành trình quyền con người không dừng lại ở việc khôi phục hòa bình hay tái thiết quốc gia. Nó tiếp tục mở rộng theo thời gian, đòi hỏi một cách tiếp cận năng động hơn: không chỉ bảo vệ con người trước xâm hại, mà còn tạo điều kiện để mọi người có thể chủ động phát triển tiềm năng, đóng góp cho cộng đồng và sống một cuộc đời có ý nghĩa.
Chính từ tầm nhìn này, Việt Nam đã xác định rõ cam kết của mình với các giá trị nhân quyền phổ quát, đồng thời kiên trì theo đuổi một lộ trình phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, văn hóa và mức độ phát triển của đất nước. Việc tham gia vào các cơ chế quốc tế như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thực hiện rà soát định kỳ UPR, thúc đẩy các quyền mới như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền hưởng môi trường trong lành… đã thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm và hội nhập của Việt Nam trong lĩnh vực vốn còn nhiều tranh luận và định kiến trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng đứng trước không ít thách thức: từ bất bình đẳng vùng miền, khoảng cách số, biến đổi khí hậu cho đến nguy cơ bị áp đặt các chuẩn mực không phù hợp từ bên ngoài.
Nhưng chính trong những thách thức đó, một quốc gia có bản lĩnh, có nền tảng lịch sử - văn hóa sâu sắc và có sự đồng thuận xã hội như Việt Nam mới có thể tạo dựng một hướng đi riêng: gắn kết giữa bản sắc dân tộc với giá trị phổ quát, giữa ổn định chính trị với đổi mới xã hội, giữa độc lập chủ quyền với hợp tác toàn cầu.
Và cũng đúng sau 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam tiếp tục bước vào giai đoạn phát triển bứt tốc có tính chất bước ngoặt, khơi dậy khát vọng chung của toàn dân tộc để tận dụng và nắm bắt mọi cơ hội, mọi nguồn lực để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045, dấu mốc tròn 100 năm thành lập nước, là cơ sở để phát huy, cao nhất các quyền con người, tiếp tục nâng tầm giá trị Việt Nam trên trường quốc tế.
11:40:00 AM GMT+7Thứ 6, 04/07/2025
11:39:00 AM GMT+7Thứ 6, 04/07/2025
11:36:00 AM GMT+7Thứ 6, 04/07/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global