Thứ 5, 24/04/2025 | English | Vietnamese
09:46:00 AM GMT+7Thứ 3, 22/04/2025
Dù có nhiều khó khăn, nhưng vẫn quyết tâm giữ mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, Chính phủ tiếp tục đề xuất Quốc hội gỡ khó cho nền kinh tế.
![]() ![]() |
Phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội |
Trên 2.000 dự án có vướng mắc
Chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tình hình triển khai năm 2025 đã được Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tiến hành thẩm tra cuối tuần qua.
Trình bày nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nêu rõ, thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường, khó dự báo, nhiều biến động lớn, đặc biệt là chính sách thuế của Mỹ. Chính phủ nhận định, việc gia tăng khó khăn, thách thức cũng là cơ hội, là động lực đối với cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân để quyết tâm đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả những cải cách và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra.
“Những tháng còn lại của năm 2025, Chính phủ xác định, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, chủ động phương án ứng phó từ sớm, từ xa với các tình huống mới có thể phát sinh, đặc biệt là chính sách thuế của Mỹ và phản ứng của các nước lớn”, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.
Cùng với đó, giải pháp được tập trung là khẩn trương nghiên cứu, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ. Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, theo sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, giữ ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường.
Tại báo cáo, Chính phủ dành riêng một nội dung xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng (Ban Chỉ đạo 751). Đến nay, Ban Chỉ đạo 751 đã rà soát, tổng hợp 2.212 dự án vướng mắc và đã giải quyết được một số dự án.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện còn nhiều dự án gặp vướng mắc liên quan đến việc thực hiện kết luận của cơ quan kiểm tra, thanh tra, các bản án, do chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng. Các địa phương còn tâm lý e ngại, chưa chủ động trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này cho các dự án, gây tồn đọng rất lớn nguồn lực về đất đai, vốn đầu tư cần được khẩn trương tháo gỡ, đưa vào khai thác, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025 và hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 170/2024/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Theo Chính phủ, đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các địa phương làm căn cứ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, kinh doanh để các dự án tiếp tục được triển khai, đưa vào khai thác vận hành; vừa đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, nhà đầu tư và các bên liên quan, vừa khắc phục được tình trạng lãng phí đất đai, vừa đảm bảo thu ngân sách nhà nước, hạn chế thất thoát.
Thực tế rà soát các dự án khó khăn, vướng mắc tại các địa phương cho thấy, còn nhiều dự án có khó khăn, vướng mắc tương tự các dự án đã được Quốc hội cho phép áp dụng chính sách đặc thù tại Nghị quyết 170/2024/QH15. Trường hợp được cấp thẩm quyền cho phép áp dụng tương tự, sẽ giải quyết được rất lớn các dự án tồn tại khó khăn, vướng mắc hiện nay trên cả nước.
Do đó, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội được báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự đối với các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc.
Cần giải pháp mạnh hơn để khơi thông nguồn lực
Đồng tình với kiến nghị của Chính phủ, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nêu thực tế, một lượng vốn lớn đang bị chôn vùi ở nhiều dự án, nếu cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự đối với các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc, thì sẽ khơi thông được nguồn vốn.
Theo đại biểu Cường, đây cũng là giải pháp để gia cố động lực đầu tư - một trong ba động lực tăng trưởng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, giải ngân vốn đầu tư công quý I/2025 còn thấp, đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (12,27%). Một số dự án lớn bị đình trệ, chậm tiến độ, các vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để, trong đó vẫn còn tình trạng thiếu cát, đá… ở các công trường đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Kết quả quý I/2025 thấp như vậy, quý II và quý III phải tập trung nhiều cho sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập tỉnh thì khó kỳ vọng sẽ tăng nhanh được”, vị đại biểu Hà Nội nhìn nhận, từ đó cho rằng, bên cạnh các giải pháp Chính phủ đang quyết liệt triển khai, cần chuyển hướng đầu tư công sang đặt hàng cho các doanh nghiệp ngay từ bây giờ. Ví dụ, nội địa hóa đường sắt đô thị thì cần đặt hàng về đường ray, toa xe, hay công nghiệp bán dẫn nếu không đặt hàng ngay, cũng sẽ chậm…
Cùng quan điểm về việc cần có chính sách để doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án đầu tư công, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, ông Tạ Văn Hạ nhận xét, hiện nay, doanh nghiệp vẫn bị “bó” bởi nhiều điều kiện khá vô lý. “Chúng tôi đi giám sát thấy có doanh nghiệp khởi nghiệp có thực lực, nhưng bị ràng buộc bởi điều kiện về kinh nghiệm, rồi sản phẩm rất tốt không bán được ở trong nước, nhưng khi mang ra nước ngoài bán, gắn mác khác, khi quay về trong nước lại bán đắt gấp nhiều lần”, ông Hạ nói.
Nhấn mạnh, đầu tư công có tiền không tiêu được là “chuyện rất vô lý”, thành viên Ủy ban thẩm tra, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề nghị cần tìm ra nguyên nhân cốt lõi của việc giải ngân vốn đầu tư công, trách nhiệm của ai và xử lý thế nào. “Kết quả quý I/2025 thấp có phải do sắp xếp bộ máy không, thì cần phải đánh giá lại. Theo tôi, nguyên nhân cốt lõi vẫn là do điều hành của các cấp”, ông Trí nhấn mạnh.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu Trần Đức Thuận chỉ rõ: “Giải ngân chậm một phần do cán bộ sợ trách nhiệm”.
Ở góc tiếp cận khác về khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau phản ánh thực tế doanh nghiệp vẫn rất khó khăn khi tiếp cận vốn. Ngày 11/2, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với hơn 20 ngân hàng thương mại và đề nghị ngân hàng chia sẻ với người dân và doanh nghiệp khi gặp khó khăn, hy sinh một phần lợi nhuận của mình để làm việc này. “Nhưng đến nay ngân hàng chưa có động tĩnh gì, tôi tiếp xúc thường xuyên với doanh nghiệp thấy họ vẫn khó khăn”, ông Thanh sốt ruột.
Từ thực tế các động lực tăng trưởng đều suy yếu, có đại biểu cho rằng, cần đưa ra dự báo tăng trưởng của năm nay, nếu chính sách thuế của Mỹ không có gì thay đổi. Hồi âm vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, Thủ tướng Chính phủ vẫn quyết tâm giữ mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, nên báo cáo vẫn thể hiện đúng tư tưởng người đứng đầu Chính phủ, chứ chưa xây dựng kịch bản khác.
“Chính phủ chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, mà tốc độ tăng 8% phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư công, vậy có cần có cơ chế rất đặc biệt để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công năm nay hay không?”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi gợi mở và đề nghị báo cáo của Chính phủ cần làm sâu sắc hơn vấn đề này.
08:16:00 AM GMT+7Thứ 5, 24/04/2025
08:15:00 AM GMT+7Thứ 5, 24/04/2025
08:14:00 AM GMT+7Thứ 5, 24/04/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global