Chủ nhật, 27/04/2025 | English | Vietnamese
01:33:00 PM GMT+7Thứ 6, 28/03/2025
Trung Quốc đóng vai trò lớn trong việc Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Mỹ, nhưng bản thân Việt Nam và các đối tác khác trong chuỗi cung ứng còn ảnh hưởng nhiều hơn.
Viện nghiên cứu Lowy (Úc) vừa đăng tải một bài viết, trong đó nhận định Việt Nam không phải là "cửa sau" cho hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, và rằng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bài viết của hai tác giả Roland Rajah và Ahmed Albayrak, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ nhất (2017-2021). Khi đó, quan hệ thương mại của Mỹ chuyển hướng nhanh chóng sang các nước khác, đặc biệt là Việt Nam và Mexico.
Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ Trump 2.0, Việt Nam có thể là một trong những nước chịu tác động mạnh nhất của chiến lược đánh thuế của Washington, khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng vọt lên 123 tỷ USD trong năm ngoái, gấp 3 lần mức thâm hụt năm 2018.
Theo các tác giả, mất cân bằng thương mại chỉ là một phần. Việt Nam còn bị coi là một địa điểm gián tiếp xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ. Điều này không chỉ bao hàm việc lẩn tránh thuế thông qua việc chuyển hướng đi của hàng hóa Trung Quốc thông qua các cảng của Việt Nam, mà còn thể hiện ở việc sử dụng các cấu kiện Trung Quốc trong hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Tờ The Economist còn cho rằng Việt Nam là một minh chứng cho thấy cả chính quyền Trump và Biden đã không thể cắt đứt mối liên hệ thương mại Mỹ-Trung. Số liệu thống kê chỉ ra mối tương quan cao trong những năm gần đây giữa sự gia tăng mạnh của xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ và sự tăng vọt nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Hai tác giả Roland Rajah và Ahmed Albayrak cho rằng lập luận đó có cơ sở, nhưng lại không nhìn nhận hết vai trò của Việt Nam trong hệ thống thương mại toàn cầu. Thay vì là "cửa sau" cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, Việt Nam nên được nhìn nhận với vai trò "quan trọng và hữu ích" trong đa dạng hóa các chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Để làm sáng tỏ vấn đề, hai tác giả sử dụng dữ liệu thương mại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), gồm nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc theo nguồn giá trị và các cách phân bổ giá trị đó.
Theo đó, khoảng 30% hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Trung quốc được tiêu thụ tại Việt Nam, bởi thu nhập của người dân đã tăng lên nhiều nhờ nền kinh tế tăng trưởng nhanh. 17% khác đến từ các nước khác cung cấp nguyên liệu đầu vào cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Từ đó, còn hơn 50% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc được thể hiện là giá trị của Trung Quốc được Việt Nam tái xuất.
Tuy vậy, số liệu của ADB không chỉ rõ được bao nhiêu phần trăm giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc được chuyển hóa vào hàng Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ và các nước khác.
Có một thực tế là không chỉ hàng made-in-Vietnam xuất đi Mỹ tăng mạnh trong những năm gần đây, mà xuất khẩu sang các thị trường khác còn tăng mạnh hơn, với mức tăng 89 tỷ USD so với mức 72 tỷ sang Mỹ kể từ năm 2018. Điều này có nghĩa một phần khá hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc được chuyển hóa vào hàng Việt Nam xuất khẩu đi phần còn lại của thế giới ngoài Mỹ.
Phương pháp luận này cho thấy xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới đã hấp thụ nhiều hàng hóa mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc. Đồng thời cho thấy sự gia tăng mạnh hàm lượng Trung Quốc được xuất khẩu gián tiếp sang Mỹ. Tỷ lệ này chiếm khoảng 25% hàng Việt Nam nhập từ Trung Quốc, cao hơn đáng kể mức 8% vào năm 2018. Điều này đồng nghĩa với việc còn khoảng ¾ hàng hóa Việt Nam nhập từ Trung Quốc có thể được lý giải bởi các yếu tố khác, ngoài hàm lượng Trung Quốc ẩn chứa trong hàng xuất khẩu đi Mỹ.
Tượng tự, phân tích hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ, hai tác giả chỉ ra rằng tỷ lệ hàm lượng Trung Quốc gián tiếp đã tăng đáng kể, chiếm 28% giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ vào năm 2022, tăng từ 9% năm 2018. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy hơn 70% hàng xuất khẩu của Việt Nam không có nguồn gốc Trung Quốc, bao gồm giá trị sản xuất ra ở Việt Nam và các nước khác trong chuỗi cung ứng.
Hai tác giả đánh giá Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều khi giá trị sản xuất trong nước xuất khẩu sang Mỹ đã tăng hơn 90% kể từ năm 2018, trái ngược với sự lo ngại thường thấy ở Việt Nam rằng khu vực quốc nội chỉ hưởng phần lợi nhỏ từ khu vực xuất khẩu vốn do doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh.
Cũng không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong một số ngành, nhất là các ngành chiến lược. Năm ngoái, Mỹ đã áp thuế nặng đối với các tấm quang điện từ Việt Nam do có hàm lượng linh kiện Trung Quốc cao. Điều này là dễ hiểu bởi Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng tấm quang điện thế giới.
Mặt khác, Trung Quốc đang tăng đầu tư vào ngành sản xuất ở Việt Nam, nhưng vốn FDI từ các đối tác khác ở Đông Bắc Á gồm Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản vẫn vượt trội. Điều này cho thấy các công ty Trung Quốc sẽ tham gia nhiều vào xuất khẩu của Việt Nam, nhưng sự can dự từ các đối tác khác còn lớn hơn.
Họ kết luận rằng Trung Quốc đóng vai trò lớn trong việc Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Mỹ, nhưng đó không phải là điều chủ đạo. Bản thân Việt Nam và các đối tác khác trong chuỗi cung ứng còn đóng vai trò to lớn hơn. Hơn nữa, với chính sách đúng đắn, Việt Nam có thể tận dụng điều này và tăng thu hút đầu tư để tiến lên xa hơn trong chuỗi giá trị, qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào đầu vào từ nước ngoài, bao gồm từ Trung Quốc.
Nói cách khác, Việt Nam đang đóng vai trò hữu ích trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Mỹ khỏi Trung Quốc. Nhưng tác giả đặt câu hỏi: liệu chính quyền Trump có nhận thấy điều này hay không, hay họ chỉ quan tâm đến việc đưa sản xuất trở lại Mỹ?
Năm 2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố một báo cáo thường niên cho biết cơ quan này không tìm thấy bằng chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam đóng vai trò tạo thuận lợi cho hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ.
Để kiểm chứng, IMF xem xét mối liên hệ trong quá khứ về sự liên quan của Trung Quốc trong hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, cụ thể là có bao nhiêu giá trị gia tăng có nguồn gốc Trung Quốc trong hàng hóa made-in-Vietnam.
Theo IMF, trong giai đoạn 2000-2018, tỷ trọng giá trị gia tăng có nguồn gốc Trung Quốc trong tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng nhanh hơn các nền kinh tế mới nổi thuộc ASEAN và OECD.
Tuy nhiên, mối liên kết này đã giảm trong giai đoạn 2018-2022, tăng trưởng chậm hơn so với các đối thủ ngang hàng, cho thấy "không có bằng chứng rõ ràng Việt Nam đóng vai trò là công cụ thương mại", IMF viết trong báo cáo. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã có biện pháp để tránh bị sử dụng như điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc đi vòng vào Mỹ nhằm lẩn tránh các hàng rào thuế quan.
"Nếu Việt Nam đóng vai trò là nước trung chuyển để các nhà xuất khẩu Trung Quốc lẩn tránh thuế Mỹ, thì xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam và nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam trong các lĩnh vực chiến lược bị ảnh hưởng bởi thuế quan sẽ diễn biến tương đồng nhau. Thế nhưng dòng chảy thương mại của các ngành không cho thấy bằng chứng rõ ràng nào về điều đó", IMF viết.
Trong bối cảnh Tổng thống Trump đẩy mạnh cuộc chiến thuế quan trong nhiệm kỳ 2 so với nhiệm kỳ đầu, Chính phủ Việt Nam đã liên tiếp đưa ra các thông điệp và bước đi nhằm thể hiện thiện chí muốn cân bằng thương mại với Mỹ và cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp Mỹ.
Gần đây nhất, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Chính phủ có chuyến công tác tại Mỹ, làm việc với Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson L. Greer để trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương. Đồng thời, các tập đoàn lớn của hai nước đã ký kết các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và dịch vụ, hàng hóa với tổng giá trị 4,15 tỷ USD.
Trong dự thảo nghị định sửa Nghị định 26/2023 về điều chỉnh thuế suất, Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với một số nhóm mặt hàng nhập khẩu như ôtô, gỗ, khí hóa lỏng LNG, sản phẩm nông nghiệp (đùi gà, cherry, táo). Với mức thuế nhập khẩu MFN được dự kiến điều chỉnh, nhiều mặt hàng từ thị trường Mỹ sẽ hưởng lợi.
09:35:00 AM GMT+7Thứ 7, 26/04/2025
02:27:00 PM GMT+7Thứ 6, 25/04/2025
02:25:00 PM GMT+7Thứ 6, 25/04/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global