Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

Vay vốn mua máy nông nghiệp được hỗ trợ thế nào?

Thứ hai, 12-04-2021 | 14:49:00 PM GMT+7 Bản in
Ông Đổng Văn Linh (Ninh Thuận) muốn vay vốn để mua máy cày và máy cuộn rơm. Gia đình ông có tài sản thế chấp nhưng chỉ đủ 50% số tiền cần vay. Ông Linh hỏi, cơ quan nào hỗ trợ gia đình ông và ông cần làm thủ tục gì?

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận trả lời như sau:

Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP được ban hành là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, Chính phủ giao cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP bao gồm: Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng (trừ công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính bao thanh toán), tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng).

Theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP, tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật.

Đối với cho vay không có tài sản bảo đảm, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức như sau:

- Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (trừ cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm);

- Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn;

- Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm;

- Tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh;

- Tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp;

- Tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

- Tối đa 2 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (không bao gồm liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ khai thác hải sản xa bờ);

- Tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.

Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay cao hơn mức vay không có tài sản bảo đảm thì phần vay vượt phải thực hiện theo quy định hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Như vậy, ông Đổng Văn Linh có nhu cầu vay vốn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP cần liên hệ với các tổ chức tín dụng trên địa bàn (trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là ngân hàng giữ vai trò chủ đạo trong cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ) để được hướng dẫn về điều kiện vay vốn và xem xét cho vay theo quy định.

Theo Chinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Vay-von-mua-may-nong-nghiep-duoc-ho-tro-the-nao/428203.vgp
Ý kiến bạn đọc (0)