Thứ 5, 03/04/2025 | English | Vietnamese
10:45:00 AM GMT+7Thứ 4, 02/04/2025
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM cần có bản sắc riêng, pháp lý riêng, tập trung thu hút nhân tài vào các lĩnh vực thế mạnh như AI, fintech...
Đó là đề xuất của đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước về việc xây Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Theo đó, phát biểu tại hội nghị với Bộ Tài chính mới đây, ông Andrew Oldland, Trưởng nhóm công tác về trung tâm tài chính quốc tế của tổ chức TheCityUk, cho biết, Việt Nam cần điều chỉnh mô hình xây dựng trung tâm tài chính phù hợp bối cảnh, trong đó phải tạo ra sự khác biệt với các trung tâm tài chính đã thành công trên thế giới.
"Khi xây dựng chính sách, Việt Nam cần có cơ chế để dòng tiền luân chuyển tự do, xác định rõ xu hướng đổi mới sáng tạo trong trung tâm tài chính như fintech (công nghệ tài chính) và thúc đẩy tài chính xanh...
Còn ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết: "Các yếu tố quan trọng cho sự phát triển trung tâm tài chính của Việt Nam gồm có khung pháp lý, quy định phù hợp, thu hút nhân tài trong nước cũng như quốc tế và cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm hạ tầng kỹ thuật số, giao thông và các tiện ích".
Đồng quan điểm, đối thoại với lãnh đạo TP.HCM, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG đã đề xuất kế hoạch đưa TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu. Theo ông Minh, cần khung pháp lý chuyên biệt cho Trung tâm Tài chính.
"Tôi đề xuất mô hình mang tên "Khu Tài chính toàn cầu TP.HCM", một khu vực đặc biệt với khung pháp lý riêng biệt. Khu vực này sẽ hoạt động như một "khu chế xuất" đặc biệt, phục vụ các công ty hướng đến thị trường toàn cầu. Các doanh nghiệp trong khu vực này sẽ được đối xử tương tự như các công ty nước ngoài không hoạt động tại thị trường Việt Nam, và được miễn trừ khỏi nhiều quy định thông thường của Việt Nam", ông Minh cho biết.
Theo lãnh đạo VNG, để triển khai được mô hình này cần khung pháp lý chuyên biệt, được thiết kế dựa trên những thông lệ quốc tế tốt nhất, với những chính sách kinh doanh thực sự mở và thuận lợi. Bên cạnh đó, cần xây dựng trung tâm trọng tài quốc tế, chấp nhận tiếng Anh là ngôn ngữ kinh doanh chính thức, và áp dụng chế độ thuế, quy trình đăng ký và quy định lao động đặc biệt cho khu vực này.
Chủ tịch VNG nhấn mạnh đến mô hình quản trị hiệu quả là yếu tố then chốt, nên cần thành lập một cơ quan quản lý "một cửa" với quyền tự chủ cao, chịu trách nhiệm về mọi thủ tục liên quan đến khu tài chính. Cơ quan này sẽ cung cấp dịch vụ một cửa cho tất cả các phê duyệt và được hỗ trợ bởi hội đồng cố vấn quốc tế với các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu, để đảm bảo các quyết định phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất.
Ngoài mô hình quản trị, đại diện VNG cũng đưa ra kiến nghị phải có chiến lược thu hút nhân tài như: cần triển khai chế độ visa và giấy phép lao động thuận lợi cho các chuyên gia tài chính quốc tế, áp dụng thuế thu nhập cá nhân ưu đãi dài hạn, và xây dựng quan hệ đối tác giáo dục với các trường đại học hàng đầu. Song song với đó là việc phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ đầy đủ, nâng cao chất lượng sống với các tiện ích quốc tế.
Theo các chuyên gia, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có lợi thế trong lĩnh vực công nghệ, do đó cần có các chính sách để việc thu hút nhân tài trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và fintech.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM cho biết, rằng nhân lực là vấn đề quan trọng đối với trung tâm tài chính quốc tế, trong đó cần có chính sách vượt trội cho bốn nhóm nhân lực khác nhau bao gồm tài chính ngân hàng, pháp lý, công nghệ (fintech, blockchain, crypto) và nhân lực vận hành.
"Trong giai đoạn đầu, TP.HCM tập trung nâng cấp các sản phẩm tài chính hiện hữu, phát triển fintech, blockchain và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng khu vực được quy hoạch là trung tâm tài chính", ông Vũ nhấn mạnh.
"Để thúc đẩy hình thành trung tâm tài chính, trước mắt Việt Nam cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng và nới lỏng các quy định về giấy phép lao động, visa để thu hút nhân tài, nhân sự chất lượng cao", ông Trường Bùi, ông Trường Bùi - tổng giám đốc Roland Berger Đông Nam Á phân tích.
Theo ông Lê Hồng Minh, khi định hình TP.HCM thành trung tâm tài chính toàn cầu, cần một chiến lược định vị rõ ràng và khác biệt. Lấy Singapore làm ví dụ, một Trung tâm tài chính rất gần TP.HCM
"Chúng ta cần học hỏi những điểm mạnh của họ, trung phục vụ thị trường khu vực và toàn cầu, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi với quy định rõ ràng, và thiết lập hệ thống pháp lý hiệu quả. Song, cũng cần phát huy những lợi thế độc đáo riêng có của TP.HCM như nhân tài công nghệ", ông Minh cho biết.
Mỗi năm, Việt Nam đào tạo hơn 50.000 kỹ sư và sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ với nền tảng giáo dục toán học vững chắc. Điều này tạo nên lực lượng lao động lý tưởng cho việc phát triển các dịch vụ phân tích tài chính và fintech - những lĩnh vực đang định hình tương lai của ngành tài chính toàn cầu.
Bên cạnh đó, TP.HCM còn có lợi thế cạnh tranh vượt trội về chi phí nhân lực chuyên nghiệp. Mức lương trung bình trong lĩnh vực tài chính tại TP.HCM chỉ bằng khoảng một phần tư so với Singapore (khoảng 20.000 đến 30.000 USD/năm so với 80.000-120.000 USD/năm của Singapore).
Lợi thế chi phí này dự kiến sẽ duy trì trong 15-20 năm tới, tạo cơ hội dài hạn cho sự phát triển bền vững của trung tâm tài chính. Bên cạnh đó, vị trí địa lý của TP.HCM cũng mang tính chiến lược khi là cửa ngõ đến thị trường tiêu dùng 100 triệu dân của Việt Nam và là điểm kết nối tự nhiên giữa Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global