Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đại diện doanh nghiệp tại cuộc gặp mặt sáng 4/10, tại Hà Nội. Ảnh tư liệu |
Doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
Tại cuộc gặp mặt, các đại biểu đã chia sẻ về những cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng, những băn khoăn, trăn trở với sự phát triển của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng. Đồng thời, đề xuất những ý tưởng, giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, củng cố sức mạnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, từ đó đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
Số doanh nghiệp thành lập mới dự báo sẽ vượt 2,1 triệuTrong 20 năm qua (2004 – 2023), số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt hơn 1,88 triệu, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 tăng khoảng 4,3 lần so với năm 2004. Ước tính số doanh nghiệp thành lập mới năm 2024 sẽ vượt con số 159.000 của năm 2023, là năm thứ ba liên tiếp lập kỷ lục. Lũy kế giai đoạn 2000 - 2024, số doanh nghiệp thành lập mới dự báo sẽ vượt con số 2,1 triệu. |
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh bày tỏ ấn tượng với những nỗ lực của Chính phủ trong kiến tạo môi trường kinh doanh, đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, được thể hiện rất rõ trong thời gian qua.
Trong đó, ông nhấn mạnh những kết quả như Nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ về chung tay tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Hay Nghị định 08 của Chính phủ về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp và thị trường bất động sản đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Mới đây, Nghị định 115 của Chính phủ được ban hành đã sửa đổi và tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Cùng với đó, ông cũng chia sẻ doanh nghiệp làm ăn với tinh thần tuân thủ pháp luật cao nhất nhưng không thể tránh những sai sót. Do đó, ông bày tỏ mong muốn có những chỉ đạo cụ thể về việc không hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự, để đội ngũ doanh nhân được yên tâm, tự tin phát triển ngày một vững mạnh.
Theo bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC, cuộc gặp mặt này giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng to lớn, khi vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng được khẳng định.
Để tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp tư nhân cũng như phát triển thị trường vốn, bà Huỳnh Bích Ngọc kiến nghị Chính phủ sớm có cơ chế, chính sách khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân niêm yết các loại hình hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài dài hạn.
Phó Chủ tịch TTC cũng nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là rất cần thiết, qua đó sẽ hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển đa dạng, đóng góp tỷ trọng lớn về nguồn vốn bền vững bên cạnh thị trường tiền tệ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự
Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao các doanh nghiệp, doanh nhân và đại biểu đã đóng góp nhiều đề xuất, ý kiến tâm huyết, trí tuệ và mang tính xây dựng.
Thủ tướng nêu rõ, sau 20 năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ; số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng gia tăng, là một điểm sáng của nền kinh tế.
Trong 20 năm qua, đã có các doanh nghiệp dân tộc, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, là nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Thương hiệu quốc gia, như Viettel, PVN, Vingroup, FPT, THACO, Hòa Phát, TH, Vinamilk, Masan...
Thời gian tới, trong bối cảnh khó khăn, thách thức còn nhiều, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.
"Tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương nói ít nhưng làm nhiều, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được" - Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong. Đó là tiên phong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược; tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ; tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; tiên phong xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại và tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
ÔNG NGUYỄN VĂN THÂN - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA (DNNVV): Doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để thực hiện các dự án lớn Việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương. Một trong những thách thức đặt ra khi triển khai các dự án này là "nguồn vốn" để thực hiện các dự án, làm sao để các dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là "tiết kiệm chi phí hợp lý". Hiệp hội DNNVV Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét có một đề án cụ thể về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ hai dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...). Điều này, một mặt sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu. |
BÀ HUỲNH BÍCH NGỌC - PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC TẬP ĐOÀN TTC: Cần có thêm chính sách kích cầu tiêu dùng Sự lãnh đạo quyết đoán và tầm nhìn chiến lược của Thủ tướng cùng các cấp chính quyền, với các chính sách kịp thời và hiệu quả đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng mặc dù trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động bất thường. Điều này đã thể hiện rõ rệt thông qua các chỉ số kinh tế đang dần lấy lại phong độ như trước đại dịch COVID-19, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai, hướng đến các mục tiêu lớn hơn cho các giai đoạn phát triển tiếp theo. Từ đầu năm 2024, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời và đúng đắn khi giảm thuế giá trị gia tăng, yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh lãi suất cho vay, góp phần tạo điều kiện hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế và tạo thặng dư, đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước, cần có thêm những chính sách kích cầu tiêu dùng. |