Thứ 5, 03/04/2025 | English | Vietnamese
10:31:00 AM GMT+7Thứ 2, 24/03/2025
Nhấn mạnh không có khoa học công nghệ thì không phát triển được, Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo đánh giá Nghị quyết 57 là động lực để phát triển, đồng thời khai thác được nguồn lực của người dân và doanh nghiệp.
Nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, đòi hỏi phải có những cơ chế chính sách phù hợp. Trong bối cảnh như vậy, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như là “luồng gió mới”, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp.
Để đánh giá rõ hơn về vai trò của Nghị quyết 57 đối với ngành nông nghiệp, Đầu tư Tài chính có cuộc trao đổi với Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed – người dành phần lới cuộc đời và tâm huyết của mình để nghiên cứu sản xuất giống lúa.
- Là "cha đẻ" của rất nhiều giống lúa nổi tiếng, ông cho rằng đâu là giống lúa mà mình đã nghiên cứu thành công nhất?
Ông Trần Mạnh Báo: Năm 2000 tôi được giao làm giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Những năm sau đó, Trung ương có nghị quyết về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, với vai trò giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình, tôi đã đề nghị với Tỉnh ủy Thái Bình cho cổ phần hóa. Năm 2004, tỉnh đồng ý cho ThaiBinh Seed thực hiện kế hoạch này. Hoàn thành công cuộc cổ phần hóa rồi đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, chúng tôi là doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa nhanh nhất cả nước trong ngành nông nghiệp.
Đến nay, Tập đoàn ThaiBinh Seed trở thành một trong số các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam, sở hữu bản quyền 30 giống cây trồng được công nhận giống quốc gia và chiếm 20% thị phần giống lúa cả nước. Tôi cũng là tác giả của rất nhiều giống lúa trong đó. Tại hội thảo quốc tế bàn về ngành lúa gạo vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều người nhắc đến giống lúa của ThaiBinh Seed, trong đó có giống gạo TBR225 mà tôi và các cộng sự nghiên cứu ra. Giống lúa này cũng đang được ưa chuộng nhất ở khu vực miền Bắc và nhiều tỉnh miền Trung.
Thực tế, trong nghề tạo giống, người ta đưa ra các yêu cầu như năng suất phải cao, chất lượng gạo phải ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu tốt trước điều kiện bất thuận của tự nhiên và sâu bệnh. Giống lúa TBR225 được lai tạo từ một giống có năng suất cực cao nhưng gặp nhiều vấn đề trong canh tác, với một giống lúa có chất lượng gạo ngon và khả năng chống chịu tốt nhưng năng suất kém. Kết quả, TBR225 gần như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên.
Ở Quảng Nam, nông dân trồng TBR225 đạt năng suất 10 tấn lúa khô/ha/vụ, cao hơn năng suất bình quân của cả nước, mà vẫn đảm bảo tiêu chí gạo thơm ngon. Tại Nghệ An, Thanh Hoá… nhiều cánh đồng chỉ trồng giống lúa TBR225.
Để nghiên cứu ra giống lúa TBR225, tôi và các cộng sự mất tới 8 năm mới thành công và thêm 2 năm nữa để hoàn thành các khâu trước khi đưa ra thương mại hoá. Sau đó, giống này được giải thưởng về khoa học công nghệ và nhiều giải thưởng khác. Đến giờ này, TBR225 vẫn là giống lúa chủ lực của ThaiBinh Seed, đây cũng là giống lúa tôi rất tâm đắc.
- Quá trình nghiên cứu của ông và các cộng sự thường gặp phải những khó khăn nào?
Ông Trần Mạnh Báo: Ngày xưa khi chưa có khoa học công nghệ, việc nghiên cứu giống chủ yếu bằng thủ công, không phải máy móc như bây giờ. Chẳng hạn, để lai tạo giống lúa A có chất lượng gạo ngon nhưng năng suất thấp với giống lúa B có chất lượng gạo thấp nhưng năng suất cao, người nghiên cứu phải thụ phấn thủ công cho 2 giống lúa này để thu được một hạt thóc.
Nói chung, quá trình để tạo ra giống lúa bao gồm việc khảo nghiệm tính đồng nhất, tính ổn định, tính khác biệt và cuối cùng là khảo nghiệm tính thích ứng trên đồng ruộng. Quá trình này kéo dài lên đến 10 năm và đòi hỏi rất nhiều công sức.
- Trải qua quá trình nghiên cứu như vậy, ông đã xây dựng chiến lược phát triển cho ThaiBinh Seed thế nào?
Ông Trần Mạnh Báo: Năm 2000, tôi đã viết chiến lược phát triển của ThaiBinh Seed dựa trên 3 trụ cột chính, gồm: nguồn nhân lực chất lượng cao; khoa học công nghệ và quan hệ hợp tác. Trước kia tôi nhận chuyển giao hơn 418 người, trong đó có những người không hề biết chữ, làm công nhân đến ngày lĩnh lương phải bôi mực vào ngón tay điểm chỉ. Nhân lực như vậy sao làm nghiên cứu khoa học và phát triển được.
Vậy nên, phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là lý do sau khi đưa ra chiến lược, nhiều người được cho đi đào tạo lại từ lớp 4 đến hết lớp 10 và học đại học. Tuy nhiên, có những người không thể học và buộc phải về hưu vì lớn tuổi. Tôi đã chi 500 triệu đồng để gửi 2 người đi học ở Trung Quốc về lúa lai trong 6 tháng. Cách đây 25 năm, 500 triệu đồng là số tiền rất lớn.
Bên cạnh việc có nguồn lực tốt, doanh nghiệp cũng buộc phải ứng dụng khoa học công nghệ. Với khoa học công nghệ, tôi xác định là động lực để phát triển. Đồng thời kết hợp mở rộng quan hệ hợp tác, quan hệ hợp tác trong nước thôi là chưa đủ, phải mở rộng ra quốc tế. Để làm được thì phải biết Internet, ngoại ngữ… Ba trụ cột này có sự gắn kết mật thiết với nhau và tôi viết tắt thành 6 chữ: “Trí tuệ - Công nghệ - Quan hệ”.
- Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa ban hành thời gian qua đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, là một nhà nghiên cứu, ông đánh giá thế nào về nghị quyết này?
Ông Trần Mạnh Báo: Ngày 31/12/2024, trong cuộc làm việc với Thủ tướng, ông Nguyễn Mạnh Hùng lúc đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông nói rằng Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị như "Khoán 10 trong nông nghiệp" (Nghị quyết số 10-NQ/TW). Theo tôi, Nghị quyết 10 chỉ làm thay đổi kinh tế nông nghiệp, nhưng nông nghiệp lúc đó là trụ cột của đất nước. Còn tại Nghị quyết 57 bây giờ, đất nước đã phát triển nhiều lĩnh vực khác.
Đây là một trong những nghị quyết ở cấp cao nhất xác định người dân và doanh nghiệp là một trong những thành phần quan trọng. Vai trò của nhà khoa học cũng được xác định rất rõ trong nghị quyết này. Không có khoa học công nghệ thì không phát triển được. Do đó, Nghị quyết 57 là động lực để phát triển, đồng thời khai thác được nguồn lực của người dân và doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, chúng ta nên phát triển kinh tế dựa trên lợi thế của đất nước là nông nghiệp, du lịch và kinh tế số… Xác định phát triển khoa học công nghệ thì cũng nên tập trung vào các thế mạnh đó. Như vậy, mới có hiệu quả và nền kinh tế cũng từ đó tăng trưởng và đi lên.
- Là một nhà nghiên cứu, ông kỳ vọng gì từ Nghị quyết 57?
Ông Trần Mạnh Báo: Tôi tin thị trường khoa học công nghệ của Việt Nam sẽ phát triển khi chúng ta đưa nó thành vấn đề lớn của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta phải thay đổi nhận thức trong hệ thống quản lý. Cần hiểu đầu tư cho khoa học công nghệ có rủi ro, không phải đề tài nào nghiên cứu cũng thành công. Trước đây, nhà khoa học không chỉ phải lo nghiên cứu mà còn phải lo đủ hồ sơ giấy tờ để được nghiệm thu thanh toán. Do đó, các thủ tục hành chính cũng cần phải cắt giảm bớt.
Ngoài những vấn đề trên, cũng mong nhà nước hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ mua công nghệ, hỗ trợ về cơ sở vật chất, đặc biệt là trang thiết bị. Như ThaiBinh Seed, đều đặn hàng năm vẫn đầu tư để nghiên cứu, khảo nghiệm giống lúa các loại và thực hiện nhiều đề tài, dự án khoa học lớn cấp nhà nước.
10:02:00 AM GMT+7Thứ 2, 31/03/2025
10:39:00 AM GMT+7Thứ 5, 27/03/2025
10:40:00 AM GMT+7Thứ 2, 24/03/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global