TP. Hồ Chí Minh đang tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024. Ảnh tư liệu |
PV: Thưa ông, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (Dự án 1 luật sửa 7 luật) vừa được Quốc hội thảo luận có mục tiêu khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển. Theo ông, một số quy định nào của Luật đã thể hiện điều này?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Tại nội dung sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) lần này có quy định cho phép các địa phương có thể dùng ngân sách địa phương (NSĐP) của mình đầu tư cho các dự án trung ương trên địa bàn hoặc các dự án có tính chất liên kết giữa nhiều vùng, nhiều địa phương.
Như vậy thực chất chúng ta vẫn dùng NSNN đầu tư cho các công trình công cộng, chỉ thay đổi về cơ chế quản lý. Cách làm này rõ ràng sẽ phát huy được tính chủ động, tự chủ của mỗi địa phương.
Nếu địa phương có nguồn lực và thấy rằng việc đầu tư này sẽ mang lại tác động tốt cho địa phương, tạo tác động lan tỏa kết nối thì họ có thể huy động các nguồn lực và đầu tư, không cần chờ đợi Trung ương. Từ đó, đưa các công trình đi nhanh vào hoạt động, nâng cao hiệu quả đầu tư. Theo tôi, đây là sự tháo gỡ, tăng tính linh hoạt, tạo cơ hội huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, trong lần sửa đổi Luật NSNN này, Chính phủ đề xuất quy định chi NSNN thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên như các công việc chuẩn bị đầu tư; lập, thẩm định, điều chỉnh quy hoạch; mua sắm, cải tạo, nâng cao, sửa chữa các công trình… chưa có trong kế hoạch đầu tư công.
Luật hiện hành không cho phép dùng nguồn chi thường xuyên cho các nhiệm vụ chi đầu tư và chi đầu tư phải có trong kế hoạch trung hạn. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều hoạt động thuộc về chi đầu tư như sửa chữa, nâng cấp, mua sắm… các công trình, dự án. Nếu theo quy định thì phải qua quy trình xét duyệt, đưa vào kế hoạch 5 năm rồi mới được thực hiện, trong khi đây thường là các khoản đầu tư nhỏ lẻ, cần được thực hiện ngay.
Do đó, tôi cho rằng việc có quy định cho phép sử dụng chi thường xuyên để chi cho các hoạt động này là phù hợp, đảm bảo nhanh gọn, đáp ứng ngay được yêu cầu thực tiễn, giải quyết được nút thắt trong những năm qua mà nhiều địa phương, bộ ngành đã phản ánh. Quy định như vậy cũng khuyến khích việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, dành tăng tỷ trọng cho chi đầu tư như mục tiêu chúng ta mong muốn.
PV: Dự thảo Luật sửa 7 luật cũng có quy định về nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ. Trong đó, có bổ sung quy định thẩm quyền về hoàn thuế. Theo đại biểu, quy định này sẽ có tác động như thế nào đối với việc hoàn thuế?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Việc hoàn thuế trước nay chậm có nguyên nhân là bởi chúng ta chưa quy định rõ trách nhiệm của cán bộ thuế trong việc kiểm tra các hồ sơ hoàn thuế đến đâu. Thường khi hồ sơ hoàn thuế đưa lên thì cán bộ thuế phải tra soát lại quá trình mua bán hàng hóa trước đó để đảm bảo các giao dịch là thật, không sai phạm gì thì họ mới có thể quyết định cho hoàn thuế.
Cách này giải quyết được mục tiêu tránh thất thoát ngân sách nhà nước nhưng lại khiến cán bộ thuế phải làm những việc đáng ra không thuộc chức năng của họ là quản lý hồ sơ hoàn thuế, mà còn phải đi rà soát lại cả quá trình trước đây.
Trong dự thảo lần này, Luật Quản lý thuế đã quy định rất rõ trách nhiệm của cán bộ thuế là phải quản lý, rà soát các hồ sơ hoàn thuế. Nếu như tất cả các hồ sơ hoàn thuế là hợp lệ, đầy đủ thì sẽ được phép hoàn. Sau này nếu phát hiện ra sai phạm trước đó thì cũng không thuộc về trách nhiệm của cán bộ thuế mà thuộc về trách nhiệm của các khâu trước đó.
Như vậy, quy định mới này đã phân định rõ quyền và trách nhiệm của mỗi khâu. Từ đó sẽ giảm áp lực cho cán bộ quản lý thuế, giúp quá trình hoàn thuế nhanh hơn, doanh nghiệp sớm có thêm nguồn để quay vòng vào sản xuất kinh doanh.
PV: Nhiều đại biểu cũng rất quan tâm đến các sửa đổi ở Luật Chứng khoán. Theo đại biểu, các nội dung sửa đổi ở Luật Chứng khoán góp phần như thế nào trong việc huy động các nguồn lực tư nhân trên thị trường?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Với Luật Chứng khoán, tôi cho rằng chúng ta đang hướng đến phát triển thị trường chứng khoán chuyên nghiệp để tránh những rủi ro thường xảy ra, hay những biến động rất bất thường trong thời gian vừa qua. Theo tôi, Luật Chứng khoán lần này đang hướng sâu vào nâng cao tính chuyên nghiệp, đặc biệt ở lĩnh vực phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Về hoạt động giao dịch chứng khoán, luật mở ra cơ hội để các tổ chức, cơ quan được tham gia vào các khâu trung gian, khâu thanh toán, giúp thị trường phát triển cạnh tranh hơn. Quy định này sẽ tránh được tình trạng tập trung vào một số đầu mối thì có thể dẫn đến các yếu tố độc quyền hay là không minh bạch.
PV: Xin cảm ơn đại biểu!
Kịp thời tháo gỡ những vấn đề mang tính cấp bách Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, dự kiến ngày 29/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Việc dự án luật được soạn thảo, hoàn thiện, thông qua theo thủ tục rút gọn đã rút ngắn được thời gian so với trình tự, thủ tục xây dựng luật thông thường và Luật cũng có hiệu lực ngay sau khi được phê chuẩn. Điều này được kỳ vọng sẽ kịp thời tháo gỡ ngay những vấn đề lớn, mang tính cấp bách trong huy động, sử dụng nguồn lực của nền kinh tế. |